Các nhà làm phim Việt đang tích cực đưa các giá trị văn hóa bản địa lên màn ảnh rộng để quảng bá với quốc tế
Hàng loạt dự án phim khai thác yếu tố văn hóa đã và đang được các nhà làm phim Việt thực hiện với khát vọng quảng bá ra khán giả quốc tế.
Tôn vinh giá trị bản địa
Gần đây, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc điều hành của V Pictures (công ty do CJ CGV Việt Nam vận hành và phát triển) kiêm giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam – giới thiệu hàng loạt dự án phim công ty đang đầu tư và sẽ sản xuất sắp tới. Điểm chung của tất cả dự án này là đều lồng ghép bản sắc văn hóa Việt nhằm nâng cao và lan tỏa đến khán giả trong nước và quốc tế.
Một trong số các dự án đó là phim “Chị chị em em: Đệ nhứt mỹ nữ”, dự kiến ra rạp dịp Tết Nguyên đán 2023. Phim do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, 2 diễn viên chính là Minh Hằng và Ngọc Trinh. Nội dung phim tái hiện cuộc chiến giành vị trí đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn những năm 1920-1930. Cuộc sống hào nhoáng, xa xỉ bậc nhất của mỹ nữ Ba Trà bị thay đổi bởi sự xuất hiện của người đẹp Tư Nhị, kéo theo cuộc chiến tàn khốc “tình – tiền – quyền lực”. Những giai thoại về Hắc – Bạch công tử cùng các cuộc ăn chơi nổi tiếng của cả hai xoay quanh Ba Trà, Tư Nhị cũng được thể hiện trong phim.
Dự án phim kinh dị “Tết ở làng địa ngục” là tác phẩm do Trần Hữu Tấn đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Những chi tiết đậm chất văn hóa dân gian và tâm linh miền cao được sử dụng như chất liệu gieo rắc nỗi sợ hãi. Các dự án mà V Pictures đầu tư còn có “Ký ức ở lại”, “Lật mặt 6”, “Sếp siêu nhóc” và những dự án được lên kế hoạch sản xuất trong vòng 5 năm tiếp theo gồm: “Huyền thoại bánh Tết”, “Nghe vẻ nghe ve”, “Người đẹp Tây Đô”, “Người viết thư tay”, “Hoàng hậu cuối cùng”, “9 giờ bão lửa”. Trong đó, “Huyền thoại bánh Tết” là câu chuyện về bánh chưng, bánh giầy, “Nghe vẻ nghe ve” khai thác các trò chơi dân gian Việt, “Người đẹp Tây Đô” kể về cuộc đời của mỹ nhân một thời Bạch Cúc…
Ngoài V Pictures, nhiều dự án tôn vinh giá trị bản địa từ các công ty, nhà sản xuất khác cũng đang được thực hiện như: phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, “Viên đạn cuối cùng” về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh; “Trưng Vương”, “Quỳnh hoa nhất dạ” về Thái hậu Dương Vân Nga, “Đất rừng phương Nam”…
“Các dự án của chúng tôi chọn đầu tư hay sản xuất đều sẽ mang đậm nét văn hóa dân tộc với mong muốn lan tỏa giá trị bản địa đến khán giả trong và ngoài nước” – ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho hay các tác phẩm thể loại kinh dị của anh thực hiện đều sẽ chứa đựng chất liệu dân gian, yếu tố tâm linh Việt. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết với phim “Tết ở làng địa ngục”, anh cùng cộng sự muốn tiếp tục đào sâu mảng văn hóa dân gian Việt và chia sẻ câu chuyện này với khán giả trong nước, thế giới.
Nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân là một trong những nhà làm phim tâm huyết trong việc quảng bá văn hóa Việt qua phim. Cô từng khao khát xây dựng “vũ trụ cổ tích Việt Nam” với vệt phim cổ tích, thần thoại như: “Thằng Bờm”, “Thánh Gióng”, “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh”…
Minh Hằng và Ngọc Trinh (thứ hai và ba từ phải qua) đóng chính trong phim “Chị chị em em: Đệ nhứt mỹ nữ”. (Ảnh chụp từ Facebook nhân vật)
Nét văn hóa dân tộc
Việc quảng bá văn hóa qua điện ảnh đã được các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan thực hiện hiệu quả. Trong đó, Hàn Quốc tăng sản lượng xuất khẩu nhiều món ăn đặc trưng của nước này như kim chi, bánh gạo, ớt bột…; tăng lượng khách du lịch tìm đến trường quay tham quan, vui chơi cũng nhờ thành công quảng bá qua điện ảnh, âm nhạc.
Trung Quốc cũng đạt được những thành quả không kém Hàn Quốc. Thái Lan cũng là đất nước quảng bá thành công dòng phim kinh dị hài hước đặc trưng, tạo được nét riêng. Văn hóa tâm linh được quảng bá trên phim mang đến nhiều lợi ích cho Thái Lan khi lượng du khách tìm đến tham quan, thưởng thức văn hóa, mua sản phẩm tăng.
Điện ảnh Việt non trẻ, số lượng phim hằng năm chưa nhiều, nhất là chưa có được nét đặc trưng do nhà làm phim vừa làm vừa học hỏi các nền điện ảnh khác. Vì thế, để phát triển bền vững trong tương lai, điện ảnh Việt phải xây dựng nét riêng và điều đó không thể xa rời yếu tố bản địa, nét văn hóa dân tộc – từ đời sống xã hội cho đến các giai thoại, câu chuyện dân gian, tác phẩm văn học…
Theo những nhà chuyên môn, các nước phương Tây có nền điện ảnh phát triển với nguồn kinh phí lớn, kỹ xảo hiện đại; các phim siêu anh hùng có lượng người xem đông đảo, thu hút khán giả thế giới. Các nước trong khu vực cũng có nền điện ảnh phát triển riêng. Chúng ta đi sau nên khó có thể cạnh tranh được với họ từ phim hành động, phim viễn tưởng cho đến các dòng phim khác. Vì thế, chúng ta chỉ có thể phát huy thế mạnh của mình, biến thế mạnh này thành nét riêng chỉ điện ảnh Việt mới có và đó là yếu tố bản địa, nét văn hóa dân tộc.
“Yếu tố bản địa, nét văn hóa dân tộc là nguồn chất liệu phong phú cần được khai thác, lan tỏa đến khán giả trẻ Việt và giới thiệu với quốc tế. Nét riêng này giúp điện ảnh Việt không bị hòa tan, lấn át bởi các nền điện ảnh phát triển dù phim họ đầu tư lớn hơn, kỹ thuật cao hơn” – đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận định.
Theo những người trong cuộc, nếu quyết tâm làm phim khai thác chất liệu văn hóa, bản địa qua đó hình thành nét riêng cho nền điện ảnh Việt không phải là điều quá xa vời; khát vọng quảng bá văn hóa Việt qua phim cũng không phải là mong ước khó thực hiện.
MINH KHUÊ
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/khat-vong-quang-ba-van-hoa-viet-qua-phim-20220628205610144.htm