Một căn nhà nhỏ tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (TP Hà Nội) là nơi từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và ở 2 lần. Hiện tại, hộ gia đình đang sinh sống tại ngôi nhà lịch sử này vẫn cố gắng lưu giữ lại những kỷ vật, tài liệu quý và những câu chuyện về Bác.
Tọa lạc tại ven sông Hồng, căn nhà nhỏ của cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, cũng là ngôi nhà vinh dự 2 lần được Người ghé thăm.
Chia sẻ với báo chí, ông Công Ngọc Dũng – hiện là người trông coi, quản lý ngôi nhà đặc biệt này, ngôi nhà được cụ Công Ngọc Lâm và cụ Nguyễn Thị An (là ông và bà nội của ông Dũng) xây dựng vào năm 1929. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cụ Nguyễn Thị An và ông Công Ngọc Kha (bố ông Dũng) tham gia hoạt động cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ngôi nhà cũng từ đó trở thành nơi thường xuyên lui tới họp bàn của cán bộ cách mạng.
Không gian bên trong ngôi nhà Bác Hồ từng đến thăm và ở 2 lần sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về.
Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ngoại thành Hà Nội nên đồng chí Hoàng Tùng – cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ đã lựa chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về, chuẩn bị cho Ngày Quốc Khánh 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhớ lại những câu chuyện được bà nội và cha kể về Bác Hồ, ông Công Ngọc Dũng xúc động chia sẻ: “Hôm ấy là chiều 23/8/1945, khi đò cập bến cây gạo Phú Xá, có một đoàn người đi tới. Trong đoàn có một ông cụ già để râu, mắt sáng đi thẳng về nhà cụ Nguyễn Thị An. Ông cụ già cùng đoàn người đã nghỉ ngơi và làm việc tại đây từ chiều 23/8 đến chiều 25/8″.
“Chiều 25/8, trước khi rời đi, ông cụ đã gặp tất cả những người trong gia đình tôi để nói lời cảm ơn. Mãi đến chiều 2/9/1945, khi gia đình tôi ra Quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh. Nghe giọng đọc qua loa phóng thanh, mọi người mới ngờ ngợ người đang đọc Tuyên ngôn độc lập hình như là ông cụ đã ở trong nhà mình trước đó, nhưng không dám khẳng định. Sau này khi trở về, gia đình mới được thông báo, ông cụ đã ở trong nhà của gia đình chính là Bác Hồ. Lúc bây giờ, cả nhà tôi vừa mừng, vừa tiếc nuối vì không nhận ra Bác sớm hơn”, ông Dũng kể lại.
Từ đó đến nay, ngôi nhà của gia đình ông Dũng được coi như “bảo tàng ký ức”, lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Bác. Hiện ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên với nhiều di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.
Trải qua gần 80 năm từ ngày Bác Hồ ghé thăm, di tích mang một giá trị to lớn về lịch sử cách mạng này đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Một số hình ảnh bên trong ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại quận Tây Hồ, Hà Nội
Cuối tháng 8 năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để hoàn thiện bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam.
Nơi đặt chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về đến Hà Nội là căn nhà số 6, ngõ 319 phố An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây cũng chính là nhà của cụ Nguyễn Thị An, nay được ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An giữ gìn.
Theo ghi nhận, gia đình ông Dũng đã dùng gian giữa để đặt trang nghiêm, tôn kính ảnh Bác cùng dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Ông Công Ngọc Dũng, người trông coi căn nhà từ năm 1990 cho biết, năm 2015 kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội tuyên dương vì đã có công bảo tồn, phát huy di tích cách mạng tại Phú Thượng.
Nói về quá trình trông coi ông chia sẻ, việc bảo quản di tích lịch sử gặp không ít khó khăn, khi một số hạng mục của công trình xuống cấp do thời gian đã quá lâu. “Nhiều thời điểm không thể chờ đợi các chính sách từ nhà nước để tu sửa nên gia đình tôi tự bỏ tiền túi để trám vá các vị trí này”, ông Dũng nói thêm.
Những vật dụng nội thất trong căn nhà cổ vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng.
Ngoài ra, nơi đây chứa đựng những kỷ vật, tài liệu quý giá năm xưa và những câu chuyện về Bác Hồ. Trong ảnh là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ ngồi làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh vào ngày 25/8/1945 bàn việc vào nội thành chuẩn bị cho ngày Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945.
Khu trưng bày ảnh lưu niệm ảnh chụp Bác Hồ và các lãnh đạo cấp cao tới thăm ngôi và ở tại ngôi nhà sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về.
Phòng trưng bày kỷ niệm tại ngôi nhà.
Chiếc gương Bác và các đồng chí bảo vệ thường dùng.
Chiếc máy chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội được ông gìn giữ một cách cẩn thận.
Gần 30 năm qua, ông Công Ngọc Dũng vẫn luôn tận tuỵ trông coi bảo quản và làm người hướng dẫn cho nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến thăm ngôi nhà Bác Hồ từng ở. Mọi hiện vật trong căn nhà được ông Dũng nâng niu, chăm sóc đến tận bây giờ, bởi nó gắn với kỷ niệm của nhiều thế hệ trong gia đình với Bác Hồ kính mến.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/kham-pha-can-nha-bac-ho-tung-o-tai-ha-noi-khi-tro-ve-tu-chien-khu-viet-bac-post248278.html#p-12