Tần Thuỷ Hoàng là vị Hoàng đế khai quốc của nhà Tần, triều đại đầu tiên thống nhất vùng đất Trung Nguyên. Có rất nhiều câu chuyện truyền kỳ liên quan đến Tần Thuỷ Hoàng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và cũng được ghi chép trong sử sách, trong đó phải kể tới câu chuyện 12 tượng người bằng đồng.
Sau khi tiêu diệt 6 nước, thống nhất lãnh thổ, nhà Tần về cơ bản đã bình định được vùng đất Trung Nguyên. Tuy nhiên vẫn còn có những nhân tố bất ổn ở biên cảnh, cũng như nguy cơ từ hoàng tộc 6 nước. Bên cạnh việc thống nhất các hệ thống chữ viết, đo lường, v.v.., có một sách lược đặc biệt được Tần Thủy Hoàng thực thi, đó là đúc 12 tượng người bằng đồng đặt tại Hàm Dương.
Bấy giờ tại kinh đô Hàm Dương, phía trước cung A Phòng đứng sừng sững 12 tượng người được đúc bằng đồng, được gọi là “kim nhân”. 12 tượng người này mặc trang phục ngoại tộc, mỗi tượng đều rất nặng và không thể xê dịch được. Trên thân của các tượng này được khắc nhiều hoa văn tinh xảo, mỗi tượng đều lộ ra vẻ uy võ, anh dũng, ngày đêm canh giữ cung điện của nhà Tần. Tượng người bằng đồng lớn và được chế tác tinh xảo như thế là điều cực hiếm thấy trong lịch sử.
Theo “Sử ký – Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ” thì Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh thu gom binh khí trong thiên hạ, tập trung về Hàm Dương, tiêu huỷ để đúc thành chuông, giá chuông cùng 12 tượng người, mỗi tượng nặng cả ngàn thạch, đặt trong cung.
Điều khiến người ta cảm thấy hứng thú và kỳ lạ chính là vì sao Hoàng đế lại cho đúc 12 tượng người bằng đồng như vậy? Tại sao lại hao phí một lượng lớn kim loại dùng vào đúc tượng vừa nặng vừa không có tác dụng thực tế như thế?
Từ thời Hán thì các sử gia đã có bàn luận về việc này. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước, ông lên làm “Hoàng đế”, tự xưng là Thuỷ Hoàng Đế. Tần Thủy Hoàng có một nguyện vọng là để “con cháu xưng Nhị thế, Tam thế, cho đến vạn thế, nối đời nhau”, cho nên ông suy nghĩ đến việc làm thế nào để bảo vệ được sự thịnh trị lâu dài của nhà Tần.
Một cách làm có hiệu quả là thu gom và tiêu huỷ các loại binh khí lưu tán trong dân gian, để chỉ binh lính nhà Tần mới có binh khí trong tay. Như vậy người khác muốn dùng vũ lực để lật đổ nhà Tần không phải là dễ.
Dân gian truyền rằng, thời đó một người dân ở Lâm Thao đưa tin đến Triều đình, nói rằng nhìn thấy 12 người khổng lồ hát một khúc đồng dao. Tần Thuỷ Hoàng nghe xong vô cùng mừng rỡ, cho đó là điềm báo. Để thuận ứng ý trời và giải quyết nỗi lo, Tần Thủy Hoàng hạ lệnh thu gom binh khí trong dân gian, tập trung về Hàm Dương đúc thành 12 tượng người.
Cũng có một truyền thuyết rằng Tần Thủy Hoàng từng nằm mơ thấy trời đất biến đổi, u ám không có ánh sáng. Đang lúc không biết làm thế nào, thì Tần Thủy Hoàng bỗng thấy một lão đạo sĩ tóc trắng râu dài đi đến trước mặt. Lão đạo sĩ này nói rằng: “Tạo ra 12 tượng người bằng đồng mới có thể ổn định thiên hạ.” Nói xong, lão đạo sĩ theo làn ánh sáng mà biến mất.
Tần Thuỷ Hoàng sau khi tỉnh mộng, tin là thật, lập tức hạ lệnh thu gom binh khí đưa về Hàm Dương để có đủ nguyên liệu đúc thành 12 tượng người lớn bằng đồng.
Tuy vậy, 12 tượng đồng này cuối cùng cũng không thể bảo toàn được giang sơn nhà Tần. Dẫu binh khí của thiên hạ bị thu gom thì nhà Tần vẫn diệt, mà dẫn phát khởi nghĩa lại là một người hết sức tầm thường. Giả Nghị từng bàn luận về việc thiên hạ chống nhà Tần như vậy: “…một người vốn xuất thân từ nơi nhà rách vách nát, dân ngu khu đen, trôi sông lạc chợ, tài năng không bằng con người bậc trung, không có cái hiền tài của Trọng Ni, Mặc Địch, không có cái giàu của Đào Chu, Ỷ Đốn, chen chân giữa hành lính tráng, lúi húi nơi đồng ruộng, cầm đầu bọn lính tráng mệt mỏi tan tác, đem số người chỉ độ vài trăm quay lại đánh Tần, chặt gỗ làm binh khí, giơ gậy trúc làm cờ! Thiên hạ hưởng ứng như mây họp, mang lương thực đi theo như bóng theo hình.”
Sau khi nhà Tần diệt vong, tung tích của 12 tượng người bằng đồng này cũng là một bí ẩn. Có người cho rằng lúc Sở Bá Vương Hạng Vũ phá hoại Hàm Dương, đốt cung A Phòng thì cũng thiêu hủy luôn cả 12 tượng đồng kiên cố ấy.
Cũng có người cho rằng 12 tượng đồng này bị huỷ bởi tay Đổng Trác, Phù Kiên. Theo đó, cuối thời Đông Hán, Đổng Trác dẫn quân đánh vào Trường An, đem 10 tượng đồng đi tiêu huỷ đúc thành tiền đồng, 2 tượng còn lại cho dời đến cửa Thành Thanh ở Trường An. Đến thời Tam Quốc, Nguỵ Minh Đế Tào Duệ hạ lệnh chuyển 2 tượng đó đến Lạc Dương. Thợ thủ công được lệnh chuyển tượng đến Nịch Thành, nhưng do quá nặng nên không thể di chuyển được, đành phải đình chỉ lệnh. Đến thời Đông Tấn thập lục quốc, Thạch Quý Long nhà Hậu Triệu đưa 2 tượng đó đến Lang Thành. Về sau, Tần Vương Phù Kiên thống nhất phương bắc, lại đưa 2 tượng từ Nghiệp Thành đến Trường An tiêu huỷ. Đến lúc đó, 2 tượng người bằng đồng cuối cùng đã tồn tại khoảng 600 năm.
Một thuyết khác thì cho rằng 12 tượng người bằng đồng này hoàn toàn chưa bị tiêu huỷ. Bởi vì 12 tượng này là vật mà Tần Thuỷ Hoàng coi trọng. Cho nên rất có thể sau khi xây dựng xong lăng mộ, 12 tượng đồng này cùng những báu vật đã được làm vật tuỳ táng đưa vào trong lăng mộ. Hiện tại việc khai quật lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng không được tiến hành hoàn toàn, do đó thật sự không rõ 12 tượng đồng này có ở trong quần thể lăng mộ hay không.
Theo Trithucvn