Kê Quan Sơn vị thần trong tôi

6:39 | 28/08/2021

Hôm nay, ngày 13/7 âm lịch, anh em, con cháu họ nhà tôi ở quê đang Tế Họ (còn gọi là cúng Họ). Nhưng tôi ngồi bẹp dí ở Hà Nội không thể về vì covid. Mặc dù ngày này đã bao năm nay không thể vắng mặt nơi nhà thờ Họ và cả trên Khu mộ của Cha Mẹ mình…

: Cùng nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp dưới chân núi Môồng Gà, nơi Cha Mẹ tôi đang yên nghỉ.

 Đứng trên núi Am nhìn sang, hoặc xa xa từ cầu Linh Cảm nhìn về, thấy ngôi làng quê tôi như một như một hòn đảo nhỏ nhô ra để chắn lấy dòng sông La, buộc con sông phải uốn dòng chảy, lượn vòng quanh để ôm lấy ngôi làng bé nhỏ mà kiên cường ấy. Chính vì dòng chảy lượn quanh nên nơi đây là khúc sông đẹp nhất của dòng La Giang thơ mộng, nhưng cũng là nơi có Vực Ác mà hàng năm Giải cứ về bắt người cúng tiến, mãi sau này Vị quan Sử Hy Nhan đã lập đàn bắt được Giải để mang lại cuộc sống yên bình cho dân làng nơi đây (Giải là loài thủy quái dưới lòng sông, thường bắt người)… Trong nhân gian thì “cây có cội, nước có nguồn”, dòng nước bắt nguồn từ đâu thì gốc gác con sông ở đó, cây mọc lên ở đâu thì gốc rễ nó cắm sâu xuống mảnh đất đó. Vậy chả hiểu sao cũng có nhiều người bày đặt chuyện sông La là bắt đầu từ chỗ này, là bắt nguồn từ chỗ kia? Một dòng chảy xuyên suốt từ dãy rừng Trường Sơn hùng vĩ đi thẳng ra biển, dọc đường có những nhánh sông nhỏ nhập vào hợp dòng. Vậy thì Ngàn Phố hợp vào Ngàn Sâu hay Ngàn Sâu hợp vào với Ngàn Phố? Với tôi, chỉ có một con sông, còn các nhánh sông khác nhập vào thì nó vẫn vậy. Cũng như ở Miền tây Nam bộ chỉ có con sông Mê Kông là sông Mê Kông mà thôi…

Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp và GS.TS.VS Nguyễn Trường Tiến thắp hương trên khu mộ của các Cố nhà tôi.

Làng tôi xưa kia là rừng hoang vu, nằm sâu dưới chân dãy núi Trường Sơn và có ngọn Kê Quan Sơn bao bọc, che chở. Nơi đây không có người ở, chỉ có Hổ, Báo và thú dữ  (Kê Quan Sơn mà người dân quen gọi là rú Mồng Gà). Đến năm 1407, tức cách đây đã gần tròn 615 năm, khi giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta, chúng cử viên quan cai trị sừng sỏ nhà Minh tên là Hoàng Phúc thân chinh đến gặp hai cha con ngài Trần Hy Nhan và Trần Đức Huy để mời ra làm việc dưới triều nhà Minh. Không chấp nhận làm quan cho bọn giặc Tàu, nên hai cha con Trần Hy Nhan và Trần Đức Huy đưa gia đình, kéo theo hơn 30 hộ dân trong làng đi lánh lên vùng Kẻ Tàng có núi Mồng Gà để khai hoang, lập địa, sinh sống. Từ đó, đã 615 năm nơi đây sinh ra bao thế hệ con, cháu về sau. Thành một làng quê trù phú cho đến tận bây giờ. Mà tôi cũng là con cháu của Ngài Thủy Tổ này nhưng không biết rõ đã là bao nhiêu đời? Ngôi từ đường Tế Họ hàng năm vào ngày 13/7 âm lịch vẫn còn ngôi Mộ của Ngài Trần Đức Huy tại đó, còn mộ Ngài Trần Hy Nhan đang yên nghỉ ở dưới cánh đồng cách đó không xa…

Chùa Am cổ kính chụp năm 2007.

Nói đến hai cha con Trần Hy Nhan và Trần Đức Huy là nói đến chuyện đặc biệt hiếm có trong lịch sử khoa bảng của đất nước Việt Nam. Cả cha và con cùng đều đỗ Trạng Nguyên. Trạng cha là Trần Hy Nhan (? – 1421) là người thông minh hiếm có và đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mão, triều Trần Dụ Tông (1363), ông làm quan triều Trần đến chức Nhập nội hành khiển, Tri kinh diên (chức quan kế cận Tể Tướng), được Vua ban Kim ngư đại thần. Sinh thời, ông không sách nào là không tinh thạo, mà giỏi nhất về lịch sử, cho nên được Vua ban cho họ Sử nên gọi Sử Hy Nhan là vậy. Trạng con là Trần Đức Huy (1360 – 1430) đỗ trạng nguyên khoa Tân Dậu thời Trần Phế Đế (1381). Ông là người tài, đức song toàn, khi người cha thân yêu qua đời, ông mới ra nhập vào nghĩa quân Lam Sơn theo Lê Lợi đánh giặc Minh. Do ông có trí thông minh tài giỏi hơn người nên được Vua tin cậy phong ông lên đến chức Thượng thư Bộ Hộ, từng được cử đi sứ sang Trung Quốc 2 lần. Sau chuyến đi sứ thứ hai trở về (1430), ông được thăng chức và không lâu sau ông mất tại quê nhà là vùng đất Trại Đầu ngày nay. Sau đó, Vua phái các quan triều đình về phúng tế và cho dựng đền thờ Song Trạng ở núi Ngọc Sơn (Đức Thuận, Hồng Lĩnh) là quê gốc nơi ông sinh ra, cách khu Mộ của các ông ở làng nhà tôi chừng hơn 20km.

Là 1 trong số 43 Sắc phong chúng tôi phát hiện đang ở Chùa Am.

Nhà tôi cũng như bao nhà khác ở trong làng, mà làng tôi không có đê, cả làng đều ở ngoài bãi sông. Về mùa mưa lụt nước dâng lên khắp mọi ngõ ngách, nhà nào chưa đổ đất tôn vườn cao lên thì chỉ có quanh năm chìm nghỉm trong nước. Năm 2007, sau chuyến đi Liên bang Nga trở về tôi sửa sang lại toàn bộ khu đất Tổ và xây lên đó một căn nhà nhỏ. Móng nhà bằng đá cao nổi trên mặt đất khoảng 1,7m, tường nhà cao đến trần là 4m. Vậy mà trận lụt năm 2010 nước ngập đến sát trần, nhấn chìm toàn bộ tài sản, đồ dùng trong nhà. Rồi từ đó biết bao thăng trầm, dang dở và biến đạo. Khu nhà của tôi trở thành đất hoang mà chưa có điều kiện về để phục dựng lại. Đến năm 2020, cũng vào dịp Tế Họ, tôi về cho xây dựng, sửa chửa, cải tạo lại toàn bộ khu vườn để sau này sức yếu thì điền viên. Vậy mà năm nay không về được, nhưng biết làm sao bây giờ… (!).

Làng quê nhà tôi nhìn từ xa xa.

 Lại nói thêm về quê tôi, có những điều thú vị đặc biệt mà cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu về văn hóa nào “xung phong” để tìm hiểu. Như chúng ta đã biết, núi Tản Viên (Hà Tây cũ) là ngọn núi linh thiêng với Đức Thánh Tản, sự linh thiêng này in sâu trong tâm thức người Việt, nhưng những “bằng chứng” cho thấy núi có Thần, có Thánh thì đến nay xác định đó chỉ là trong truyền thuyết để lại. Nhưng ngọn núi Môồng Gà quê tôi thì có hàng chục sắc phong của các Triều đại Vua ban phong Thần cho núi. Rất nhiều đời Vua lên ngôi trị vì đất nước đều ban Sắc phong cho Kê Quan Sơn là ngọn núi linh thiêng vào loại bậc nhất nước Nam. Vua Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783) đã ban Sắc phong ghi rõ: “Từ trời sinh đức, núi cao giáng Thần, anh linh hiển hách, muôn đời truyền mãi khói hương cúng tế”. Hoặc vua Minh Mệnh thứ 5 (1824) ghi trong Sắc phong ngày 21/8 âm lịch rằng: “Giúp nước, giúp dân, tỏ rõ linh ứng, đã được nhiều Triều vua phong tặng, nay ta nối theo mệnh lớn nghĩ đến công lao của Thần nên tặng cho là “Tuấn Vong Chi Thần”… Đến vua Thiệu Trị thứ 3 (1843) thì cho đây là Vị Thần linh thiêng nhất của đất nước Việt Nam, nên Vua Thiệu Trị phong: “Tuấn Vọng Nguy Danh Đôn Tĩnh Chi Thần”.  Vua Thiệu Trị còn không quên căn dặn nhân dân Ân Phú trong Sắc phong rằng: “Hãy kính cẩn đấy!”. Cho đến tận đời Vua Khải Định thứ 9 (1924) vẫn phong cho núi Môồng Gà là: “Khắc Tĩnh Thượng Đẳng Thần”. Vua Khải Định cũng ghi rõ trong Sắc phong là giao cho nhân dân Ân Phú trông coi và thờ phụng Vị Thần linh thiêng này cho muôn dân…

 Nay, núi Mồng Gà vẫn uy linh còn đó. Vị Thần Linh Thiêng bậc nhất Việt Nam vẫn ngự trên Kê Quan Sơn để chở che cho dân làng, cho muôn dân nơi nơi. Tuy nhiên, con người của cuộc sống hiện tại đã không còn tâm kính như xưa, một vài di tích có tôn tạo nhỏ lẻ nhưng cũng lồng ghép mục đích cá nhân vào đó, làm cho tính linh thiêng đã mai một ít nhiều.

Làng quê tôi giờ đây họ Nam tiến nhiều lắm, nhà nhà đi Nam, có thể nói là 100% các hộ gia đình có người đi Nam, có nhà đi hết sạch trơn… Trong cơn di tản, tháo chạy do covid rầm rộ vừa rồi thì làng tôi không thấy ai về trong số đó. Điều đó chứng tỏ cuộc sống nơi trời Nam của họ đã khá giả, có nhà riêng và có cuộc sống ổn định nên không phải tháo chạy ra về. Nhưng chắc chắn rằng, họ có ổn định đến mấy, có khá giả đến nhường nào, thì tình cảm của họ với làng quê, với ngọn núi Mồng Gà là Vị Thần Linh thiêng sẽ rất khác, chứ không giống như tôi…

 

 

Giàng Nhã Trần

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào