Vào ngày 22, 23 âm lịch tháng Chạp theo quan niệm của người Việt, ông Táo sẽ về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra trong trong năm qua. Người dân sẽ mua tượng ông táo về trưng trong gian bếp để cầu cho một năm mới an lành. Theo thời gian, nghề làm ông Táo ở mảnh đất cố đô này cũng mất dần, chỉ còn lại làng làm nghề nặn ông Táo ở làng Địa Linh, Huế.
Có một làng nghề giữ “lửa” cho những lò nung ở Huế
Cách trung tâm thành phố Huế 3km, Phố cổ Bao Vinh từng là một phố cảng trong chuỗi cảng thị Thanh Hà – Bao Vinh đầu thế kỷ XVII. Đây đã từng là khu thương cảng sầm uất “trên bến dưới thuyền” của xứ Đàng Trong.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, phố cổ Bao Vinh lại nhộn nhịp người về thăm và mua đồ để bày biện. Đến với làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là nơi duy nhất còn lưu giữ nghề làm ông Công ông Táo với lịch sử lâu đời. Ngay từ khi bước chân đến đầu làng, ta dễ dàng nghe thấy tiếng cộc cộc phát ra từ những chiếc khung, mùi khét từ những lò nung và mùi đất sét. Từ đầu tháng 11, người nặn ông Táo đã bắt đầu công việc chọn đất, đến gần Tết âm lịch sẽ ra những bức tượng ông Táo để phục vụ dịp Tết.
Quá trình nặn ông Táo
Để làm ra được một sản phẩm cũng phải đến hơn chục bước. Từ việc lấy đất, làm đất, in khuôn cho tới nung, những nghệ nhân phải đổ mồ hôi ròng rã mấy tháng trời. Ai đã từng tận mắt chứng kiến cả quá trình làm ra một bức tượng ông Táo mới biết được sự vất vả và kỳ công của bàn tay người thợ như thế nào.
Đất làm ông Táo thường lấy chỗ sạch, thường là đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất, phải là loại đất đủ độ dẻo. Đất được nhồi thật nhuyễn, lọc sạch sạn thật tỉ mĩ trước khi lên khuôn. Khuôn làm từ loại gỗ tốt như gỗ lim thì mới khắc được những nét tinh xảo của tượng. Khi đúc tượng, khuôn gỗ được làm sạch để không dính đất sét. Sau khi làm sạch, người làm nghề sẽ tráng một lớp bột tro khô, rồi mới cho đất sét đã nhào vào.
Khi đã cho đất sét vào khuôn sẽ dùng dao để gọt cho bằng phẳng bức tượng rồi đem ra. Lúc thành hình, tượng được đem đi phơi khô, cho vào lò nung, thường mất 2-3 ngày, nếu trời không nắng người nghệ nhân sẽ dùng quạt để làm khô. Vào lò nung và đốt bằng vỏ trấu công đoạn này đòi hỏi tính cẩn thận sắp xếp tượng để không bị hỏng. Khi ra thành phẩm thì quét sơn, vẽ màu lên tượng để tăng tính thẩm mĩ.
Tập tục từ xưa
“Tôi làm nghề này cũng được 30 năm, còn từ thời ông tôi là 50 năm. Làng này cũng có nhiều gia đình như thế.”, ông Võ Văn Nhật – người đã có thâm niên gắn bó với nghề nặn ông Táo chia sẻ. Nghề nặn tượng ông Táo có từ lâu đời, đa phần sẽ truyền lại cho con cháu sau này nhưng bây giờ người trẻ ở làng Địa Linh cũng không còn mặn mà lắm với nghề. “Bẩn lắm, có mặc áo quần đẹp cũng thay đồ bẩn để làm. Nghề này bây giờ con cái mệ cũng không theo nữa, cực quá. Chúng nó đi học hoặc đi làm ăn xa hết rồi”, mệ Vân, một nghệ nhân trong làng chia sẻ. Người làm nghề ở đây đa phần là những người lớn tuổi, mỗi ngày cần mẫn giữ “lửa” cho những lò nung…
Mặc dù thời gian và lối sống hiện đại làm phai mờ một số phong tục cổ truyền của người Việt, nhưng có lẽ tục cúng đưa, rước ông Táo là tập quán sẽ không bao giờ nhạt phai bởi người Việt đều thờ ông Táo trong căn bếp nhà mình để có một năm mới an lành, hạnh phúc.
Hoàng Khanh