Trong 7 tháng qua, Thừa Thiên – Huế đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan trong phát triển du lịch. Góp phần vào thành công này là những cách làm mới của địa phương trong việc khai thác di sản gắn với phát triển du lịch.
Vừa qua, nhiều du khách Hàn Quốc trong chuyến bay đầu tiên nối sân bay Incheon ở thủ đô Seoul đến sân bay Phú Bài của thành phố Huế hôm 1/8 đã đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tới với Huế. Đoàn có 151 du khách thì tất cả đều có ấn tượng sâu sắc với lịch trình đặc biệt mà ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế dành cho họ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành du lịch địa phương đón đoàn khách bay thẳng từ Seoul đến Huế
Theo đó, đoàn đã có những trải nghiệm độc đáo, khi được dự Dạ yến Hoàng cung, xem biểu diễn nhã nhạc, xem trình diễn cổ phục, xem lễ đổi gác tại Ngọ Môn. Họ cũng được vào sân điện Thái Hòa xem múa lân và đoàn rước cùng các hoạt động làng nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động làng nghề truyền thống tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, lịch trình này đã được phía Việt Nam và đối tác Hàn Quốc nghiên cứu, chọn lọc đưa vào chương trình được thiết kế riêng cho đoàn khách Hàn Quốc, nhằm tạo ấn tượng sâu đậm. Qua đó, các bên kỳ vọng du khách có những ấn tượng đáng nhớ về những giá trị di sản văn hóa cung đình đặc sắc nhất cũng như những dấu ấn mới mẻ trên nền tảng truyền thống của Cố đô Huế.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kết nối với Việt Nam – Engaging with Vietnam (EWV)” lần thứ 14 với chủ đề “Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và Thế giới” đang diễn ra tại Huế từ ngày 1 đến 6/8/2023 với 500 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Văn hóa xứ Huế – Thừa Thiên – Huế, di sản văn hóa kinh đô Huế và xứ Huế nói chung là một hiện tượng lịch sử, cần được tiếp cận, khai thác phù hợp.
Du khách quốc tế ấn tượng khi được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế.
Theo đó, tài nguyên di sản Huế có 3 cấu thành quan trọng, kết thành một thể thống nhất gồm: Di sản kiến trúc, trong cách hiểu mở; Di sản và vốn liếng hiện hữu của văn hóa kinh đô và xứ Huế; Đô thị – di sản. Với cách tiếp cận tổng thể này, việc gìn giữ di sản kiến trúc và phát huy di sản văn hóa sẽ vừa giữ được hồn cốt của Huế, vừa thu hút thêm du khách, phục vụ cho bảo tồn và phát triển.
Trong tháng 7/2023, lượng du khách đến Thừa Thiên – Huế ước đạt gần 300.000 lượt, tăng 23,1% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 52 nghìn lượt, gấp 1,6 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 668,5 tỷ đồng, tăng 14,3%.
Tính từ đầu năm 2023, tỉnh đón hơn 1,8 triệu lượt khách, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 627,8 nghìn lượt, gấp 15,3 lần. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.277,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ.
PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/hue-phat-trien-du-lich-gan-voi-khai-thac-di-san-post259245.html