Chiều 14/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023.
Đến dự có ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch; Ông Benjamin NG – Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương – CISAC (Liên Minh Quốc tế các Tổ chức Bảo vệ Quyền tác giả và Nhà soạn nhạc); Ông Jason Foulkes – Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Âm nhạc khu vực Châu á Thái Bình Dương (Công ty Meta); Bà Camile Miserale – Quản lý, phụ trách Phát triển Kinh doanh Âm nhạc khu vực Châu á Thái Bình Dương); Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai – Quản lý đối tác chiến lược – công ty Meta; ông Đỗ Vạn Nhựt – Giám đốc Công ty Đất Việt; NSƯT Nhạc sĩ Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh cùng sự hiện diện của Ban Lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và gần 300 tác giả thành viên đã có mặt tham dự hội thảo.
Đây là lần thứ 2, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phối hợp với Công ty Meta thực hiện chương trình, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả – quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là trên nền tảng số. Tại cuộc Hội thảo, ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản Quyền tác gỉa Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch trong phát biểu chào mừng đã khẳng định: “VCPMC là một trong 6 tổ chức CMOs đầu tiên được thành lập. Với vai trò là cầu nối giữa tác giả với người sử dụng và các CMOs, Trung tâm đã từng bước khẳng định vị thế của mình ở tại Việt Nam và ở cả quốc tế với những con số ấn tượng về số lượng thành viên cũng như doanh thu từ việc cấp phép, phân chia tác quyền, đem lại lợi ích cho tác giả – chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc. Hội thảo này tập trung vào nội dung nóng và bổ ích liên quan đến việc khai thác các tác phẩm âm nhạc trên không gian mạng kỹ thuật số. VCPMC là một CMOs – đơn vị kết nối quyền tác giả với đơn vị sử dụng và các bên liên quan; là đơn vị đứng ra bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, tôi thấy rằng với vai trò ngày càng quan trọng, hội thảo trên môi trường số với các nội dung chúng ta nhận được từ kinh nghiệm chia sẻ của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm của các chuyên gia với nhiều nội dung bổ ích và lý thú sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả được hưởng. Đây là bước đi quan trọng, hài hòa trong việc bảo vệ và khai thác, một trong những yếu tố thúc đẩy công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển”.
Trong suốt quá trình đồng hành cùng với các tác giả, nhạc sĩ thành viên của Trung tâm, đặc biệt là trong quá trình hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các thành viên, Trung tâm nhận thấy, có một vấn đề luôn luôn được quan tâm và đề cập, liên quan đến việc sáng tác, phổ biến, sử dụng và khai thác tác phẩm – đó là nội dung xoay quanh các thỏa thuận về bán đứt và chuyển giao quyền tác giả. Trên thực tế, vấn đề này đã vấp phải khá nhiều tranh chấp phát sinh và hệ quả pháp lý khó kiểm soát, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chính tác giả. Trong buổi Hội thảo, ông Mai Thanh Huy – Chuyên viên Pháp chế của VCPMC đã trình bày chủ đề “bán đứt và chuyển giao quyền tác giả, căn cứ pháp lý, những vấn đề thực tiễn và hệ quả pháp lý”, trong đó nhấn mạnh đến: Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, việc sử dụng quyền tác giả và ủy quyền để quản lý, bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc; Các hình thức chuyển giao quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực tiễn và hệ quả pháp lý; Chuyển nhượng quyền tác giả (liên quan đến quyền sở hữu), trong đó có: Chuyển giao quyền tác giả có thời hạn và Cấp quyền sử dụng độc quyền tác phẩm; Việc bảo lưu quyền tác giả khi hợp tác với các đơn vị sản xuất, phát hành… Thông điệp mà VCPMC muốn gửi đến các tác giả, nhạc sĩ thành viên là: “Khi mỗi cá nhân tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đều thống nhất ủy quyền cho một CMOs thì sức mạnh của CMOs sẽ được đẩy lên, vì đó chính là sức mạnh của sự liên minh, liên kết, sức mạnh tập thể… nhằm: bảo vệ tốt hơn cho các tác giả; ổn định thị trường sử dụng âm nhạc và hoạt động quản lý quyền; giúp tác phẩm được phổ biến, lan tỏa rộng rãi hơn, đồng thời đảm bảo quyền thụ hưởng của công chúng; tối ưu lợi ích một cách lâu dài và xứng đáng cho chính tác giả”.
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đại diện cho các tổ chức, cá nhân sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhằm làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tác phẩm và bản quyền tác giả âm nhạc; đặc biệt là việc bán đứt tác phẩm – ý nghĩa của việc bán đứt tác phẩm và những rủi ro tiềm ẩn từ việc bán đứt tác phẩm đến quyền lợi của nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả ra sao?, bởi hoạt động bán đứt tác phẩm không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà nó còn là một vấn đề nhức nhối hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Benjamin NG – Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương – CISAC (Liên Minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc) cho rằng: VCPMC đã trình bày chi tiết các vấn đề quan trọng trong việc “bán đứt” hay chuyển giao quyền tác giả tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam tại Hội thảo. Tôi chỉ xin bổ sung vài vấn đề từ góc nhìn của người làm về vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quốc tế. Từ góc độ pháp lý, ông Benjamin NG cho rằng: “Sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt”, đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế “tác phẩm theo đơn đặt hàng” như Hoa Kỳ, đặt ra những thách thức đối với người sáng tạo. Còn theo quan điểm toàn cầu thì: Cơ chế “bán đứt” mở rộng ra khỏi các nền tảng SVOD và ảnh hưởng đến nhiều hình thức khai thác khác nhau như truyền hình, quảng cáo, video game và ghi âm âm nhạc. Đứng ở góc độ lập luận pháp lý và thực tế để bảo vệ tác giả thì có các quy định chống “bán đứt” như: Một số vùng lãnh thổ, như Liên minh châu Âu (EU), có các quy định chống “bán đứt”, nhưng thường được tránh né qua những rủi ro pháp lý hoặc việc không thực hiện. Người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường cho công việc của họ. Các nỗ lực hợp tác trên phạm vi toàn cầu có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo trên toàn cầu. “Nhạc của bạn – Tương lai của bạn” đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền cho người sáng tạo về quyền lợi của họ, sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán và hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt”. Trong khi các đề xuất toàn cầu cung cấp một khung cảnh rộng lớn, các phương tiện và chiến lược để giải quyết tình huống pháp lý của từng khu vực. Chiến dịch tuyên truyền và tăng cường nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người sáng tạo điều hướng các điều khoản hợp đồng một cách hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của họ”.
Tại buổi hội thảo, ông Jason Foulkes – Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương (Công ty Meta); Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai – Quản lý đối tác chiến lược – Công ty Meta; ông Đỗ Vạn Nhựt – Giám đốc Công ty Đất Việt; ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc VCPMC cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các tác giả thành viên VCPMC một số nội dung liên quan đến vấn đề “bán đứt”, cũng như chuyển giao tác phẩm với những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan; cách thức tiếp cận và quảng bá tác phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số cũng như làm cách nào để đối soát, kiểm soát được lợi ích, tiền bản quyền từ đối tác và cả các kênh phân phối. Hội thảo cũng cung cấp cho các đối tác, nhạc sĩ thành viên VCPMC những thông tin về công cụ hữu ích để có thể quảng bá, giới thiệu và khai thác quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, cụ thể là trên các nền tảng của công ty Meta như: việc xây dựng trang (kênh) cá nhân/xây dựng hình ảnh với người hâm mộ như thế nào để tối đa hóa nguồn thu… Trong đó, ông Jason Foulkes – Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương (Công ty Meta) cũng nhấn mạnh đến việc tối ưu hóa nguồn thu cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một CMOs, cụ thể là VCPMC để đảm bảo tính minh bạch cũng như để tối ưu hóa được dữ liệu và nguồn thu của mình”.
Những thảo luận từ các vị khách mời đại diện cho các tổ chức, cá nhân là những thông tin hữu ích để chúng ta cùng nhìn nhận rõ hơn về sự phát triển của âm nhạc trên không gian mạng, những cơ hội để tối đa hóa nguồn thu qua các phương tiện kỹ thuật số.
Cũng trong cuộc Hội thảo này, ca sĩ – nhạc sĩ JustaTee Nguyễn Thanh Tuấn, được Facebook bình chọn là Người sáng tạo nội dung tiêu biểu của ngày hôm nay (Facebook Songwriter of The Day). Những ảnh hưởng tích cực mà JustaTee đã tạo ra trên Facebook và Instagram mang giá trị kết nối có ý nghĩa với người hâm mộ và cộng đồng. Xúc động khi có mặt tại Hội thảo bản quyền VCPMC 2023, Nguyễn Thanh Tuấn (JustaTee) bày tỏ: “Là người trẻ, JustaTee ít có cơ hội xuất hiện trong những chương trình lớn có quy mô và gặp toàn những người có chuyên môn nên em không ngại chia sẻ. Là một người làm nhạc không được học bài bản, nhưng với những phương tiện bổ trợ như nền tảng Instagram, Meta – Facebook, Twitter JustaTee đã từng bước khẳng định được bản thân mình trên nền tảng kỹ thuật số. Với một người trẻ thì có rất nhiều khó khăn, nhưng JustaTee không thích nói đến khó khăn mà luôn nỗ lực bước đi trên con đường mà mình lựa chọn. Em luôn mong muốn giữ tâm mình trong sáng, giản đơn và để viết được những bài hát thật sáng nhiều năng lượng tích cực như chính những nghĩ suy của em về cuộc sống, tình yêu. Hôm nay, được Facebook và VCPMC vinh danh với danh hiệu Song Writer of The Day là niềm khích lệ vô cùng to lớn để em tiếp tục cống hiến”.
Hội thảo “Bản quyền Âm nhạc VCPMC 2023” do VCPMC phối hợp với Meta tổ chức đã mang đến sự trải nghiệm thú vị đến với các nhạc sĩ, tác giả thành viên, đối tác của VCPMC và META. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC khẳng định: “Trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, Âm nhạc đã chiếm lĩnh một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống, xã hội ở mỗi quốc gia, mà còn phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong môi trường và không gian kỹ thuật số rộng rãi trên toàn cầu. Điều này đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc; đồng thời sự ra đời và hoạt động của nhiều nền tảng ứng dụng, mạng xã hội (trong đó có mạng Facebook) đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để Âm nhạc được lan tỏa hơn, thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào hơn, quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được hiệu quả hơn bao giờ hết do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội. Chúng tôi tin rằng Hội thảo đã đem lại những thông tin và trao đổi hữu ích để tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung Âm nhạc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong mối quan hệ cộng hưởng này. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông cũng sẽ truyền tải thông tin và những thông điệp nhiều ý nghĩa đến với các đối tác, nhạc sĩ, tác giả thành viên của VCPMC trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
MINH ANH