Ở vùng quê, có một loại cây rất lạ, trừ gốc và những đoạn thân già, còn lại, đa số cành dài, cành ngắn đều là màu xanh, xanh đậm. Lạ hơn nữa là khi đến mùa ra trái, trên tất cả những cành xanh ấy lá rụng hết, chỉ để lại toàn trái, nhòn nhọn hai đầu, được người ta cột vào nhau thành chùm treo lên, chỗ ít, chỗ nhiều, buông thõng, lủng lẳng. Đó là cây gòn.
Dường như người ta không ai trồng gòn bao giờ, nó là giống cây của trời, của đất, mọc bên bờ rào, đầm nước, nơi bến sông hay ở triền đồi… Mọc tự nhiên, sống tự nhiên, không ai chăm sóc, hút dinh dưỡng từ đất, lấy khí của trời, vậy mà nhiều cây gốc to đến cả người ôm không xuể, thân cao đến vài ba chục mét, tỏa cành sum suê.
Làng tôi xưa có rất nhiều gòn và với tôi, loài cây ấy cho tôi biết bao kỷ niệm. Tôi nhớ vào những ngày xuân lúc nắng ấm tràn về, đó cũng là khi những trái gòn non xuất hiện. Để rồi một thời gian sau, lúc chớm hè, những trái xanh đổi màu, khô dần và nứt ra, để lộ những chùm bông trắng còn hơn mây trắng trên trời.
Quê nghèo nên bông gòn được mọi người rất quý. Đến mùa trái khô, người ta đua nhau hái. Đám trẻ con chúng tôi thấy trái nào rụng cũng hí hửng nhặt lấy mang về. Vẫn còn đọng mãi trong ký ức tôi hình ảnh cha trưa trưa ngồi bên hiên, se những túm bông gòn nhỏ, từng chút, từng chút một, nhẫn nại, tạo thành những chiếc tim để đốt đèn dầu khi đêm tới. Tôi còn nhớ, mẹ tôi có những chiều mưa đã ngồi cắt những mảnh vải cũ rồi khâu, độn vào đó những đụn bông gòn đã phơi khô với ước mơ những đứa em tôi có chiếc gối êm trong đêm nằm ngủ.
Lẫn trong đám bông trắng mịn là những cái hạt nhỏ như hạt đậu màu đen nhánh. Hạt gòn có nhiều dầu, nên khi người lớn lấy bông, loại hạt này bỏ ra rất nhiều. Thế là chúng tôi đem giã nát, cho vào lọ hòa với nước, dùng cọng đu đủ, chấm một ít, thổi lên trời, tạo thành những chiếc bong bóng lấp lánh nhiều màu bay trên không trông rất thích mắt. Đó là trò chơi giản đơn nhưng cuốn hút cả đám con nít suốt nhiều buổi trưa dưới chân bờ tre hay dưới bóng cây đa râm mát ở đình làng.
Những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn rền trời, bộ đội ta đánh nhau với Mỹ ở vùng sâu, thương vong rất nhiều và quê tôi là vùng đất được các cô các chú thanh niên xung phong chọn làm nơi tập kết thương binh trước khi đưa vào bệnh viện trong núi sâu. Do địch bao vây khắp nơi nên cuộc sống dạo ấy thiếu thốn mọi bề, đến cả băng gạc để thay trong lúc rửa vết thương cho thương binh cũng thiếu. Thế là bọn nhỏ trong xóm được các anh chị y tá nhờ leo lên cây cao để hái gòn lấy bông. Đứa nào cũng thi nhau mong lấy được nhiều với niềm vui góp sức mình vào kháng chiến…
Chỉ là loài cây dân dã, thân xốp, không thể xẻ ván đóng tủ, đóng giường, đóng ghế…, cũng chẳng ai dùng làm củi đun bếp, quả cũng không ai dùng để ăn nhưng mấy ai ở làng quê lại không biết cây gòn. Cây như mảnh hồn quê trong vô số những mảnh hồn quê lung linh trong ký ức của những đứa con lớn lên, từ giã ruộng vườn, đi xa để tìm cách mưu sinh.
Chiều nay, mấy người bạn là dân văn nghệ của tôi lâu ngày không gặp nên rủ nhau ra cái quán bên bờ sông Cái Nha Trang để hàn huyên. Ở góc quán, gần nơi mé sông, có một cây gòn. Mùa trái đã qua, trên những cành cao chỉ còn sót lại vài trái bung vỏ để lộ những chùm bông trắng lắc lư. Gió thổi mạnh làm cho một túm bông nhỏ tơi ra, bay bay rồi nhẹ nhàng, là là đáp xuống mặt bàn. Chuyện chẳng có gì, vậy mà sao lòng thấy nao nao. Những sợi bông trắng mong manh cứ như người bạn thân từ thuở nào ghé qua, thì thầm: Hỏi ai còn nhớ quê xưa?
Theo Báo Khánh Hòa