Chiều ngày 28 tháng 4 năm 2018, tranh thủ khoảng thời gian trống của hội thảo 100 năm Nghệ thuật cải lương, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, tôi mời TS Bùi Thế Đức – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đến thăm một cơ sở lập nghiệp thành công của một cô gái Hà Nội ở Tp Hồ Chí Minh. Đó là Hoàng Hương Giang, cháu nội nhạc sĩ Hoàng Giác, nguyên tiếp viên trưởng trẻ nhất Vietnam Airlines, chủ hệ thống nhà hàng bún đậu Homemade tại TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ múa rối nước, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ẩm thực trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc.
Tiếp viên trưởng trẻ nhất của Vietnam Airlines
Từ nhỏ, Hương Giang, cô gái Hà Nội, cháu nội vị nhạc sĩ của những tuyệt khúc “Mơ hoa”, “Ngày về”, “Lỡ cung đàn” đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 2002, năm Hương Giang 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông vào loại xuất sắc, cùng một lúc chị thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, được nhận suất học bổng du học tại Úc ngành Quản lí Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, rồi vượt qua cuộc tuyển chọn tiếp viên hàng không hết sức khắt khe của Vietnam Airlines. Trước ba lựa chọn hấp dẫn hiếm có đó, chị chọn việc trở thành tiếp viên hàng không và mạnh dạn rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời tự lập.
Say mê, nghiêm túc, chịu khó học hỏi, chỉ sau 8 năm vào nghề, năm 2010, Hương Giang đã được tín nhiệm giao cho vị trí tiếp viên trưởng và chị trở thành tiếp viên trưởng trẻ tuổi nhất Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam thời điểm đó.
Bây giờ nhìn lại hơn 15 năm bay trên trời đi khắp trong nước và thế giới, Hương Giang tâm sự rằng chị thật may mắn được rèn luyện trong môi trường nghiêm khắc, đòi hỏi rất cao tính kỷ luật và tinh thần đồng đội của ngành hàng không. Công việc của một tiếp viên hàng không lại giúp chị được đi khắp nơi, trải nghiệm các không gian văn hóa, ẩm thực kỳ thú trong và ngoài nước.
Không phải ngẫu nhiên chị từng tìm và có được học bổng du học ngành Quản lí Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn. Từ nhỏ Hương Giang đã say mê và được khen về biệt tài nấu nướng, đặc biệt là các món đặc trưng Hà Nội do bà và mẹ truyền dạy và đã có ước mơ lập được một nhà hàng riêng của mình.
Cơ hội được đi khắp nam bắc đông tây không những giúp Hương Giang học hỏi thêm nhiều từ bạn bè thế giới mà càng làm chị thêm yêu quê hương Hà Nội và đất nước Việt Nam và ý tưởng mở một quán ăn nhằm đưa ẩm thực của Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh đã hình thành và mỗi ngày càng nóng bỏng trong cô gái Hà thành.
Từ quán bún đậu cạnh sân bay đến chuỗi nhà hàng Đậu Homemade
Đến cuối năm 2012, Hương Giang đã hiện thực hóa ước mơ từ thủa ấu thơ và trên những chuyến bay của Vietnam Airlines. Một quán bún đậu mắm tôm do cô tiếp viên trưởng hàng không thông minh xinh đẹp trực tiếp lên ý tưởng, chọn món chính, trang trí quán, chọn đồng phục…đã chính thức mở tại một con đường nhỏ gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời điểm ấy, cũng đã có một quán khác đưa món bún đậu mắm tôm từ vỉa hè Hà Nội vào Sài Gòn. Nhưng quán của Hương Giang không chỉ có món ăn Hà Nội mà còn phục hiện cả một không gian Hà Nội thân thuộc với những tranh vẽ phác họa sinh động Hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn, phố Hàng Bạc, Ô Quan Chưởng…cùng đồng phục, giọng điệu đất thủ đô bên cạnh cung cách phục vụ chuyên nghiệp hiện đại mà Hương Giang học được từ các nhà hàng nổi tiếng thế giới.
Quán đặc sản ẩm thực Hà Nội với món chủ lực là bún đậu mắm tôm trong một không gian tràn đầy kỷ niệm Hà Nội và một cung cách phục vụ chuyên nghiệp hiện đại của Hương Giang thành công ngoài mọi mong đợi của chính Giang và bè bạn. Khách đến nườm nượp và mỗi ngày mỗi đông. Rất nhiều ngày trước quán đã tái hiện cảnh xếp hàng quen thuộc của phở Lý Quốc Sư, Bát Đàn ở ngoài Hà Nội, nhất là các ngày nghỉ, ngày lễ.
Kể từ đó, mới chưa tới 6 năm, từ một quán bún đậu mắm tôm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất tháng 12 năm 2012, đến nay Hoàng Hương Giang đã có một chuỗi 6 nhà hàng Đậu Homemade hoành tráng sang trọng tại TP Hồ Chí Minh gồm hai nhà hàng ở trung tâm quận I (52 Lê Lai và số 1 Nguyễn Văn Tráng, P Bến Thành), một ở quận Tân Bình (6 Hồng Hà, P2), một ở quận Phú Nhuận (45 Hoa Lan, P2), một ở quận 10 (303 Ngô Gia Tự, P3) và một ở quận 4 (104 Hoàng Diệu, P12).
Đậu Homemade với không gian văn hóa thân thiện ấm cúng, xanh, sạch đẹp và những món ăn dân giã Hà thành hấp dẫn như bún đậu mắm tôm, bún đậu thập cẩm, đậu hũ tay cầm, bún thịt luộc mắm tép, chả rươi vỏ quýt, bún ốc chuối đậu, ốc hấp lá gừng, bún giả cầy, bánh gối, lẩu cua…giờ đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực dân gian Hà thành nổi tiếng nhất thành phố mang tên Bác.
Không chỉ ẩm thực mà còn nghệ thuật
Là con nhà nòi một gia đình “danh gia vọng tộc” về nghệ thuật, thể thao ở Hà Nội, ông cố từng là nghệ sĩ đàn bầu kiêm võ sĩ, Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ, ông nội là nhạc sĩ kiêm ca sĩ và nghệ sĩ thầy dạy ghita, bác ruột là nhà thơ Hoàng Nhuận cầm, cha là Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Quốc gia…máu văn hóa nghệ thuật đã ngấm rất sâu vào Hương Giang từ thủa ấu thơ.
Bây giờ làm nhà hàng đặc sản, Hương Giang không muốn nơi đây chỉ đơn thuần là một địa chỉ ẩm thực mà còn là một địa chỉ văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh các món ăn dân dã, phải có các bộ môn nghệ thuật dân dã xứ Bắc cho thực khách thưởng thức.
Trước tiên, chị quyết định chọn nghệ thuật rối nước cho nhà hàng bún đậu của mình. Được sự giới thiệu của cha, Hương Giang đã gặp nghệ sĩ rối nước Phan Thanh Liêm, người đã sáng tạo sân khấu rối nước mini, đem sân khấu này biểu diễn ở trên 20 nước Á Âu và hình thành một địa chỉ rối nước thường xuyên phục vụ du khách tại nhà riêng ở khu Ngõ Chợ Khâm Thiên, Hà Nội.
Rất thích mô hình rối nước của Phan Thanh Liêm và thấy nó rất phù hợp, Hương Giang đã mời Phan Thanh Liêm vào Sài Gòn dựng sân khấu và đào tạo nghệ sĩ rối nước cho chuỗi nhà hàng của mình. Chính bà chủ Hương Giang cũng say mê học điều khiển con rối và trở thành nghệ sĩ biểu diễn rối nước thành thục cùng một số nhân viên của mình.
Thế là hơn 3 năm nay, bên cạnh bún đậu mắm tôm, rối nước cũng thành một món chủ lực của Đậu Homemade. Khách đến đây Đậu Homemade vừa thưởng thức món ăn dân dã, vừa được xem nghệ thuật rối nước đặc sắc của xứ Bắc cũng như một số chương trình nghệ thuật dân gian và hàn lâm quen thuộc của Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên sau khi hình thành sân khấu rối nước ở Đậu Homemade ít lâu, Hoàng Hương Giang đã tự nguyện xin gia nhập vào Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và vừa qua khi Trung tâm Văn hóa Ẩm thực tại đây thành lập, Hương Giang đã nhiệt tình đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc.
Chị muốn được học tập ở các học giả, nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ giàu kinh nghiệm ở Trung tâm để tiếp tục đưa văn hóa nghệ thuật vào hoạt động của Homemade và cũng muốn góp phần mình vào xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam, một nền văn hóa ẩm thực đầy chất nhân văn, ngon bổ rẻ, xanh sạch đẹp mà chính Đậu Homemade hàng ngày hàng giờ hướng tới…
Còn bao di sản quý của Hà Nội cần đưa vào TP Hồ Chí Minh
Hương Giang tiếp tôi và TS Bùi Thế Đức tại nhà hàng Đậu Homemade số 52 Lê Lai, P. Bến Thành. Đây là một ngôi nhà hai tầng được xây theo phong cách nửa Âu, nửa Á rất đẹp, trước mặt là một công viên khá rộng, nơi đang xây dựng nhà ga của tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Chỉ còn ít tháng nữa nơi đây sẽ tấp nập người tham gia giao thông dưới lòng đất và khi cập bến thì nhà ga này chắc không ít người sẽ ghé vào nhà hàng Đậu Homemade để thưởng thức món ăn khoái khẩu và xem rối nước nước mini.
Không gian nhà hàng đầy chất Hà Nội, rộng rãi, sang trọng, lịch sự, khách rất đông đặc biệt là khách nước ngoài. Không ai ngờ bà chủ Đậu Homemade danh tiếng lại là một cô gái mới hơn 30 tuổi, lại ăn mặc giản dị bình dân đến thế. Ai quen biết Hương Giang đều hiểu đây là phong cách ăn mặc và sinh hoạt hàng ngày của Hương Giang. Mộc mạc, gần gũi, chân tình như một cô gái quê thứ thiệt chứ không ai nghĩ chị từng là một tiếp viên hàng không đi khắp thế giới trong 16 năm qua. Hương Giang cho biết chị đã quyết định tạm nghỉ công việc tiếp viên hàng không để tập trung phát triển Đậu Homemade.
Có lẽ do quá say mê chuỗi nhà hàng tâm đắc của mình trên một địa bàn rộng lớn ở thành phố lớn nhất nước nên Hương Giang lúc nào cũng bận rộn tả xung hữu đột mà quên lo cho hạnh phúc riêng mình. Ts Bùi Thế Đức hỏi vui: – Hương Giang vất vả như vậy sao không tìm người bạn đời để trợ giúp? Hương Giang khẽ cười, rồi lại xoay sang nói về cơ nghiệp hiện tại và mong muốn phấn đấu để Đậu Homemade sẽ là thương hiệu xứng đáng đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà Nội tại Tp Hồ Chí Minh.
Hương Giang tiễn chúng tôi trở về khách sạn Mường Thanh bằng ôtô Grab, Ts Bùi Thế Đức cứ tấm tắc khen Hương Giang cô gái trẻ Hà Nội thông minh, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám đem văn hóa ẩm thực truyền thống từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh mà không sợ thất bại. Hương Giang nhẹ nhàng nói: Em chỉ là một thanh sắt góp phần nối nhịp cây cầu vĩ đại Hà Nội – TP Hồ Chí Minh… Hãy còn biết bao di sản quý ở Thăng Long-Hà Nội cần đưa vào Thành phố mang tên Bác phải không các anh?
GS Hoàng Chương/VHVN