Hệ lụy khủng khiếp từ những vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây khiến việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy tại địa bàn nội đô, nhất là tại những khu tập thể cũ, đã xuống cấp, càng trở nên cấp thiết.
Hồi chuông cảnh báo cháy nổ mùa nắng nóng
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn cháy nhà xưởng, nhà ở riêng lẻ,… và đặc biệt là những vụ cháy tại khu vực nhà tập thể, chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội gây thiệt hại lớn về người và của.
Điển hình vào rạng sáng ngày 21/4, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu tập thể B9 Kim Liên, ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch (phường Kim Liên, quận Đống Đa). Vụ cháy xảy ra trong đêm, nhà cơi nới dạng ống, nhỏ và bí, làm nhiệt tăng cao và khói bốc nhanh, dẫn đến hậu quả làm 5 người thiệt mạng.
Thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trong quý I/2022, cả nước xảy ra hơn 400 vụ cháy nổ làm 24 người bị chết và 32 người bị thương, với thiệt hại về tài sản lên tới gần 60 tỷ đồng.
Riêng Hà Nội xảy ra 131 vụ cháy với 2 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 47 vụ cháy trung bình và 76 vụ cháy nhỏ. Những con số này chính là hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy; nhất là tại các nhà tập thể, chung cư cũ đang tồn tại giữa trung tâm Thủ đô.
Qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ có quy mô từ 2 – 6 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa,… Trong đó có khoảng 200 nhà chung cư cũ xác định ở mức độ nguy hiểm cấp C; 137 nhà cấp B; và 7 nhà thuộc diện cấp D (đặc biệt nguy hiểm).
Ghi nhận thực tế của PV, hầu hết các khu tập thể, chung cư cũ này đều trong tình trạng không có lối thoát nạn thứ 2, chuồng cọp được hàn chặt, đường điện cũ kỹ, đồ đạc chất đống khắp hành lang,… đó là nguyên nhân làm hại những người đang sinh sống tại đây khi có hoả hoạn xảy ra.
Tuy nhiên việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy tại những khu tập thể cũ cũng không hề đơn giản. Bác Định, sống tại khu tập thể Thành Công chia sẻ, hầu hết mọi người đều có tâm lý muốn cơi nới để tăng diện tích sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt do hạ tầng tại các khu tập thể đã tồn tại nhiều bất cập.
Còn theo ông Thụ sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, việc cơi nới để có thêm diện tích sử dụng ở các nhà tập thể cũ tại Hà Nội gần như đã trở nên rất đỗi bình thường. Muốn có thêm diện tích sinh hoạt, không ít người sẵn sàng tìm đủ mọi cách để “đeo ba lô”, “làm chuồng cọp” cho căn hộ của mình.
Trước đây khi hàn chuồng cọp, gia đình cũng để cửa thoát hiểm nhưng sau đó, kẻ gian đã cắt khóa và lẻn qua lối cửa này, đột nhập vào nhà lấy tài sản. Biết là mất an toàn nhưng vì để chống trộm nên đành phải hàn bịt kín lại.
Thực tế từ những vụ cháy cho thấy nguyên nhân là do sự bất cẩn của con người như sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng cách, câu mắc điện sai kỹ thuật, vận hành trang thiết bị sản xuất sai quy trình,… Nhiều vụ cháy lớn nhưng không được phát hiện sớm và không biết cách xử lý, thiếu phương tiện, thiếu điều kiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ, báo cháy chậm.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp tại một số nhà dân, tập thể cũ, nhà cao tầng cũ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn. Tháng 4 là thời điểm bước vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dễ xảy ra các sự cố chập cháy. Do đó công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư, hộ kinh doanh và đặc biệt là nhà tập thể cũ lại càng cần được chú trọng hết mức.
Đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan
Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi lo trước tình trạng mất an toàn hàng loạt ở những khu tập thể đã được xây dựng từ thế kỷ trước. Đi kèm với tình trạng xuống cấp về kết cấu là các vấn đề về cơi nới, làm chuồng cọp, mất an toàn phòng cháy chữa cháy,… và những sự việc đáng tiếc trong thời gian qua là minh chứng.
Thông tin từ KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, các khu chung cư cũ đều được xây dựng, sử dụng trên 50 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà cũ lại cơi nới chằng chịt chuồng cọp thì không thể đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.
Thiết kế ban đầu của nhà tập thể đều đã tính toán đến yếu tố an toàn thoát hiểm. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, vấn đề an toàn, thoát hiểm khi có sự cố không được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, ý thức giữ gìn an toàn cháy nổ của một bộ phận người dân chưa cao nên từng xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc.
Nguy cơ này đã phát hiện ra từ rất lâu nhưng để giải quyết tồn tại từ lịch sử này cần phải đồng bộ các giải pháp. Nhiều vấn đề phòng cháy chữa cháy không phải bản thân một gia đình làm được mà phải liên kết với xung quanh.
Các chuyên gia về xây dựng đô thị đều cho rằng, những người dân đang sinh sống ở nhà chung cư cũ trước hết cần tự rà soát lại căn hộ của mình, chủ động loại bỏ các nguy cơ mất an toàn, lưu ý đến các vấn đề về phòng chống an toàn cháy nổ, tạo đường thoát hiểm khi có sự cố. Cần chủ động phương án, kỹ năng thoát hiểm để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đặc biệt thực tế những phần đất lưu không giáp với các khu tập thể cũ bị người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép cùng với đó là việc cơi nới, cải tạo một cách tràn lan,… có dấu hiệu buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
Cuối năm 2021, UBND TP. Hà Nội cũng đã quyết định ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn từ 2021 – 2025 sẽ lựa chọn 10 khu chung cư cũ để cải tạo gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp (P. Cống Vị, Q. Ba Đình).
Trong đó đợt 1 sẽ ưu tiên cải tạo các khu chung cư cũ ở Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp với kinh phí dự kiến hơn 60.000 tỷ đồng. Nhiều năm qua, vấn đề cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ đã được đặt ra nhưng đến nay thực hiện chưa được nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều như thiếu nguồn lực, cơ chế thoả thuận hỗ trợ đền bù di dời, quy hoạch.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa nắng nóng, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để xảy ra các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị.
Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện. Đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn, dùng attomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa.
Đồng thời các hộ gia đình không nên sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp…
Theo Công luận
https://congluan.vn/hoa-hoan-mua-nang-nong-dung-de-nuoc-den-chan-moi-nhay-post194123.html