Tiền thưởng Tết vài chục triệu có thể là con số lớn. Nhưng với một số người, số tiền trên vẫn không xứng với công sức họ bỏ ra trong một năm qua.
“Cái gì? Thưởng 50 triệu mà còn than? Tôi đi làm cả năm được thưởng tiền đủ ăn một bữa lẩu này. Như vậy còn chưa thấy hài lòng sao?”.
Người bạn thân cảm thán với Duy Anh (nhân viên truyền thông, TP.HCM) khi biết cậu vừa nhận được tiền thưởng Tết 50 triệu đồng.
Nhưng chàng trai 25 tuổi lại cho rằng số tiền vài chục triệu với một số người là lớn, nhưng so với công sức bỏ ra cả năm, anh chưa hài lòng.
“Sáng bắt đầu làm lúc 7h30, tối 20h mới được về. Đến nhà phải vật lộn với đồ án, sửa brief, chuyển file. Quần quật như thế từ thứ 2 cho đến thứ 7. Chủ nhật lại phải dậy sớm giải quyết công việc. Cả năm không có ngày nghỉ. Sếp khó tính, khách yêu cầu cao. Tôi gần như không có thời gian cho bản thân”, Duy Anh giải thích.
Không riêng gì Duy Anh, nhiều người nhận được tiền thưởng “vài chục triệu đến trăm triệu” đều có cảm giác ức chế mỗi khi có ai nói đó là số tiền lớn.
Thưởng theo công sức bỏ ra
“Thế bạn có tăng ca, làm full đến khuya. Thứ bảy, chủ nhật có giải quyết công việc với khách hàng, nghe sếp chỉnh hết việc này đến thứ khác không?” Duy Anh hỏi cậu bạn luôn miệng nói anh “được thưởng nhiều, sướng như thế còn gì”.
Nếu không “bán mạng” cho công ty, anh hoàn toàn có thể nhận việc bên ngoài, làm thêm vài nơi khác, kinh doanh riêng, số tiền tiết kiệm đến cuối năm có khi gấp mấy lần thưởng Tết vừa nhận được.
“Dù vậy, khi tôi sẵn sàng cống hiến nghĩa là đã chấp nhận cuộc chơi. Vài chục triệu hay trăm triệu chỉ là con số, cái chính là con số này phản ánh đúng những gì tôi bỏ ra hay không”, Duy Anh nói.
Thực tế, thưởng tết cho người lao động không phải phải là quy định bắt buộc. Theo Bộ LĐTB&XH, căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm, doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng tết cho người lao động. Vì vậy, việc thưởng Tết cao hay thấp hoàn toàn dựa vào kết quả của công ty và năng lực của nhân sự.
Cứ mỗi mùa chốt KPI, tổng kết cuối năm, Phương Quỳnh lại cảm thấy mệt mỏi với những lời bàn tán ra vào.
Cô từng là sinh viên ĐH Ngoại thương và có bằng thạc sĩ kinh tế tại Anh. Đến nay, Quỳnh làm việc ở công ty được 2 năm, thời gian không tính là nhiều nhưng cô lại có những thành tích nổi bật.
Cuối năm, Quỳnh được ban giám đốc vinh danh nằm trong top 10 nhân viên xuất sắc của công ty. Đây cũng là lúc cô phải chịu những lời bàn tán của đồng nghiệp.
“Họ chỉ thấy tôi trẻ, mới làm việc được 2 năm nhưng được đề bạt nhanh. Những việc tôi làm được và công sức tôi bỏ ra, họ đều không thấy và không công nhận”, Phương Quỳnh nói.
“Nghe được từ đồng nghiệp thân thiết nói lại, nhiều người hay nói công ty ‘sính ngoại’, tôi là nhờ vào việc du học lại có mác thạc sĩ nên dễ thăng cấp. Tiền thưởng Tết cũng chia theo kiểu phân biệt thạc sĩ với cử nhân kinh tế bình thường”, cô bạn kể lại.
Cô cho rằng với kiến thức học được, vốn tiếng Anh sẵn có, nên việc cô xếp loại cao, thưởng Tết lớn là điều bình thường.
So ra số tiền thưởng 80 triệu đồng, có thể gấp đôi, gấp ba so với một số người nhưng với Quỳnh chỉ là một phần nhỏ những gì đã nỗ lực suốt thời gian từ lúc đi học đến khi đi làm.
“Giống như nguyên lý tảng băng trôi của Ernest Hemingway vậy. Người ta chỉ thấy được phần nổi, còn những công sức, quá trình nỗ lực phía sau, không ai thấy và công nhận chúng cả”, Phương Quỳnh khẳng định.
Thưởng chưa bao giờ là đủ
Theo các nhà xã hội học, bản chất của con người là thường so sánh bản thân với người khác khi nói về vấn đề tiền bạc. Hơn hết, chúng ta chỉ thích đặt mình lên bàn cân với những ai giàu có hơn mình.
“Việc so sánh chính là một cuộc đặt cược. Những người có thu nhập bình thường đặt mình trong một xã hội trung lưu hoặc cao cấp hơn đều cảm giác bị tụt lại phía sau”, Keith Payne, giáo sư tâm lý xã hội tại ĐH Bắc Carolina, Mỹ nói.
Thông qua một cuộc điều tra xã hội học, GS Payne cũng khẳng định rằng định nghĩa về sự giàu có của ai đó luôn gấp ba lần những gì họ đang đạt được.
“Nếu ai đó kiếm được 20.000 USD, họ sẽ khẳng định mình sẽ trở nên giàu có nếu một ngày nào đó kiếm được 60.000 USD”, GS Payne nói.
Tâm lý này đúng so với việc nhận tiền thưởng Tết giữa các nhân viên cùng công ty.
“Trong công ty, ít khi mình hỏi đồng nghiệp được thưởng bao nhiêu, trừ khi đó là bạn thân, làm việc chung lâu năm”, Khánh Minh (24 tuổi, nhân viên marketing) nói với Zing.vn.
Theo lời Khánh Minh, mỗi lần đến đợt thưởng Tết, đồng nghiệp thường có xu hướng hỏi thăm tiền bạc, và sau đó là thắc mắc “tại sao mình thấp hơn người khác”.
Chàng trai 24 tuổi khẳng định mình cũng là người như vậy.
“Mình không gặp ai cũng hỏi ‘được thưởng nhiêu’, nhưng nếu biết mình nhận được ít hơn ai đó, mình cũng buồn. Tâm lý đó là bình thường thôi”, Minh nói.
“Không biết sao người ta nghĩ nhận được lương thưởng vài chục triệu là nhiều. Nhưng cá nhân tôi lại cho rằng số tiền trên không làm tôi hài lòng lắm với công sức mình đã bỏ ra. Có thể có người nói tôi tham, nhưng mình chỉ nói dựa trên thực tế, những gì mình làm xứng đáng được nhiều hơn thế”, anh Nguyễn Minh (27 tuổi, TP.HCM) nói.
Theo Zing