Hình tượng người mẹ – người phụ nữ trong hội họa Văn Dương Thành

21:20 | 14/10/2021

Ngài Đại sứ của Cộng Hòa Pháp Jean-Francois Blarel đã từng viết Nữ họa sĩ Văn Dương Thành, người mà tên tuổi đã vượt xa biên giới Việt Nam, đã thực sự chắt lọc được vẻ đẹp của những sắc thái tình cảm của con người, cảnh vật, qua những tác phẩm với bố cục đầy màu sắc, mà cảm hứng chắc hẳn đã đến từ những chuyến viễn du để mở ra những cuộc gặp gỡ với thế giới, đặc biệt là với châu Âu. 

Với khả năng sáng tạo dồi dào đến ngạc nhiên, Văn Dương Thành đã vẽ hơn một nghìn tám trăm bức tranh mà trong đó đề tài phụ nữ chiếm số lượng lớn nhất, nhiều bức hiện nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng lớn ở Việt Nam, Singapore, Thụy Điển…”

Họa sĩ Văn Dương Thành

Những hình tượng này rất phong phú về những người phụ nữ mặc áo dài vấn tóc trần với những nét giống như thủy mặc, nét viền đen bên những màu sắc rất ít màu, gam vàng hòa với tùng da cam và luôn nhẹ để diễn tả sự dịu dàng, sự tha thướt, nét khiêm tốn và hiền hậu của người phụ nữ Việt Nam. Đôi tay cầm que đan đang dịu dàng – đan áo ấm cho chồng, cho con, một chiếc ghế cổ xa xưa, đầy hoài niệm.

Mẹ và Văn Dương Thành, 1991

Mẹ, Sơn mài với vàng, bạc và vỏ trứng, 40x30cm, 08/03/2018

Đến một người mẹ hiền dịu mái tóc bạc phơ mặc chiếc áo đại thọ của con cháu kính mừng, bên bà là những đóa sen trắng cũng biểu hiện của sự thanh cao, sự hy sinh, nhẫn nhịn, sự quả cảm của người mẹ chăm bà dắt cả đám con vượt qua mấy cuộc chiến tranh. Màu tím rực rỡ phía xa đi cạnh màu nâu nhẹ của Phật, bức tranh có tính thiền và diễn đạt một cái cổ điển nét mặt hiền từ của người mẹ.

Chân dung Người Mẹ hiền, Sơn dầu & Acrylic trên toan, 70x90cm, 19/05/2020, 

Được sưu tập bởi Ts. Trần Văn

Mảng tranh vẽ Phật của Văn Dương Thành chiếm một số lượng rất lớn, từ Đức phật A di Đà, Đức Thích Ca Mô Ni hoặc các Ngọc Nữ. Văn Dương Thành từ khi còn nhỏ 12 tuổi đã có dịp tiếp xúc với nghệ thuật đình chùa và rất ngưỡng mộ vẫn cổ quý giá nên những nét chạm khắc trên đình chùa ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ hội họa của Văn Dương Thành. Mảng tranh sơn mài với Đức Phật mơ màng ẩn hiện bên những màu vàng dát long lanh và những mảng gam trung trầm mặc. Những bức tranh này có tính thiền và đậm triết lý, ở đây đặc biệt những nét đen bay lượn như những nếp áo chùng, nếp khăn, lớp mũ và hào quang bao quanh Đức Phật được diễn tả với sự say mê kính cẩn.

Ngọc Nữ, chất liệu sơn mài với vàng & bạc, 50x60cm, 01/12/2015

Bức tranh A di đà vẽ Đức Phật nhìn nghiêng ngồi trên tòa sen phía trước mặt là những hương hoa nến và những quả ngũ quả tươi của làng quê bên cạnh sự khắc khổ của Đức Phật có những chồi non xanh biếc long lanh vươn lên, màu vàng và màu đỏ là hai màu chủ đạo được điểm những nét tương phản của da cam và xanh cây.

A Di Đà, sơn mài với vàng, bạc & vỏ trứng, 40x30cm, 03/2007, 

Nhà sưu tập Beritt Johansson, Oskarshamn.

Mảng tranh phụ nữ khỏa thân:

Do học tập ở trường mỹ thuật của Pháp thành lập và sau đó là 10 mấy năm sáng tác ở châu âu nên tranh vẽ khỏa thân là không thể thiếu. Hình tượng người phụ nữ phồn thực được ngợi ca từ thời nghệ thuật hang động, đến thời Phục Hưng; cả ở Nhà Thờ Thiên Chúa lẫn Đình Làng, Miếu, Mạo, mà không hề cấm kỵ. Ở đây hình ảnh người phụ nữ đầy sức sống, mạnh khỏe, duyên dáng, và vẫn có trong trẻo kín đáo của Á Đông. 

Phụ Nữ & Thiên Nhiên, acrylic & sơn dầu trên toan, 300x150cm, năm 2000, 

Được sưu tập bởi John Rosten & Evelyn, Australia

Bức tranh khổ lớn 300x150cm vẽ những phụ nữ – những người mẹ trên cánh đồng xanh. Họ đang tắm mình trong dòng suối trong vắt, bên trên là bầu trời xanh cô ban rực rỡ và bên dưới là rất nhiều hoa tươi, hoa cúc, hoa loa kèn, hoa bồ công anh,… tất cả rập rờn trong gió. Những thân hình phụ nữ rắn chắc khỏe mạnh, tràn đầy nhựa sống – đang hòa mình với thiên nhiên cây cỏ. Họ đang tắm với dòng nước mát róc rách của đất mẹ, đang gội những mái tóc dài tha thướt, đang có những phút nghỉ ngơi trên thảm cỏ xanh tươi điểm những bông hoa bồ công anh tỏa hương. Bút pháp của bức tranh rất lưu loát trôi chảy, phóng khoáng và mạnh mẽ. Những hình người phụ nữ ẩn hiện thấp thoáng bên thiên nhiên trong trẻo làm nên một bản hòa tấu rất yêu đời, yêu trái đất, yêu cái đẹp. Đây là một bức tranh đã được trình bày ở viện bảo tàng Staffanstorp, ở trung tâm Văn hóa Pháp và nhiều cuộc triển lãm lớn khác. Bức tranh đã được tuyển chọn vào bộ sưu tập danh gia John Rosten – Australia vào năm 2007.

Theo Đại sứ Jean-Francois Blarel, “…Văn Dương Thành là hoạ sỹ được đào tạo trong những năm khó khăn của chiến tranh, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Từ đó chị liên tục rong ruổi trên con đường hội họa nơi chị đã tạo dựng được phong cách riêng của mình. Tranh của Văn Dương Thành thu hút người xem bởi những màu sắc mạnh mẽ, tràn đầy ánh sáng, chứa chất bao cảm xúc. Chủ đề trong tranh của chị cũng rất phong phú : thiên nhiên, phụ nữ, trẻ thơ, cảnh đời sống ở thành thị, nông thôn… Trường phái Biểu hiện đặc biệt nổi bật trong tác phẩm của Thành kết hợp với một thoáng Trừu tượng làm mỗi bức tranh đều là duy nhất và độc đáo. Bà đã dành tặng chúng ta một cuộc hội ngộ đặc biệt và đầy thú vị giữa hai nền văn hóa. Qua các bức tranh, chúng ta thấy Nhà thờ Đức bà được đặt cạnh cổng Ô Quan Chưởng của Hà Nội, Phật A Di Đà ở ngay trần thế, cái thực quyện lấy cái huyền bí, cuộc sống thường nhật nơi đô thị hướng mắt về phía thiên nhiên. 

Là đại sứ văn hóa của quê hương mình, một họa sĩ thấm đẫm tâm hồn Việt với những kỹ thuật vẽ phương Tây, Văn Dương Thành mời chúng ta bước vào một cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa, nơi lấp lánh những sắc màu của tình hữu nghị sáng ngời….” (Hết trích dẫn)

Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Sơn mài với vàng, bạc & vỏ trứng, 01/09/2018

Với Nhà phê bình nghiên cứu mỹ thuật Shireen Naziree, “…Nghệ thuật của Văn Dương Thành đầy cá tính và sự hùng biện lặng lẽ cũng như sự thiền định tinh thần, là điều biểu hiện rất rõ rật phong thái riêng của cô. Các đề tài của họa sĩ rất phong phú và đầy thoải mái khi sử dụng các chất liệu khác nhau. Khi còn là sinh viên, cô đã được chấp nhận như một người có bản lĩnh nghệ sỹ riêng biệt, hoàn toàn độc lập mà không hề bị tác động nào của các học viện. 

Khi vẽ cô đã gắn bó hết mình với nghệ thuật một cách hồn nhiên nhất, với những vệt bút trong trẻo và sôi nổi của chủ nghĩa biểu hiện. Nhưng những bức tranh của cô luôn hát lên một giai điệu cô đơn. Mặc dù tranh phong cảnh và quang cảnh đường phố Hà Nội rực lên với sắc màu và thật giàu có với những rặng hoa và những tán cây, chúng thể hiện thấm đẫm với sự mỏng manh cả trong cách nhìn và trong xúc cảm của Thành. 

Là một người họa sĩ không mệt mỏi, Văn Dương Thành vẽ từ những kỷ niệm đã trở nên gốc rễ của niềm hy vọng đến một thế giới xa hẳn tiếng bom rơi và sự chết chóc. Sự mơ mộng kết hợp với những tranh phong cảnh hoặc là sự quyến rũ của các bức khoả thân gợi ý như một điểm nhấn lãng mạn. Nhưng từ đó tiếng nói của người phụ nữ đã cất lên từ trong nghệ thuật của Văn Dương Thành. Một sức mạnh kết hợp với những vệt bút vũ bão của hoạ sĩ và sắc màu pha trộn với trực giác là điều rất dễ nhận ra ở tranh của Thành. Khi ngắm nhìn những hình dáng nữ tính của các nhân vật, ta thấy cô có khả năng tách biệt những bản tính tự nhiên của cảm xúc. Sự tha thướt của các hình dáng nữ với khối hình độc đáo càng được biểu hiện tột đỉnh với khả năng diễn đạt trong tranh lụa. Loại chất liệu này cho phép mầu sắc hoà quyện nhẹ nhàng vào nhau và ngay lập tức phản chiếu sự mỏng manh thiên nhiên của Văn Dương Thành và bút pháp của riêng cô.

Văn Dương Thành tại xưởng họa ở Stockholm, Thụy Điển.

Văn Dương Thành sẵn sàng thừa nhận nguồn gốc hàn lâm viện đã cho cô kiến thức sâu sắc về lịch sử mỹ thuật. Đó là sự nhân bản giàu có và sự tìm kiếm lý tưởng nghệ thuật. Một phong cách nghệ thuật kết hợp chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa biểu hiện đã phát triển và trở nên phong cách độc đáo của riêng cô…” (Hết trích dẫn)

Bảo Khánh

Cùng chuyên mục

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học