Hình dung cuộc tình của Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ Nguyễn Bình Kình

11:14 | 15/04/2022

Việc xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ là có thật được ghi trong thơ nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, sớm nhất năm 1893 trong bản chép của Landes.


Nhưng mọi gán ghép Chiêu Hổ cho Phạm Đình Hổ từ lâu đã gây ra nghi ngờ. “Tảo Trang trên Tập san Nghiên cứu Văn học số 3/1962 đã chứng minh một cách thuyết phục rằng Chiêu Hổ không phải là Phạm Đình Hổ (tác giả Vũ trung tùy bút) như lâu nay mọi người vẫn nghĩ”. (Đào Thái Tôn – Hồ Xuân Hương tiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại hóa, Nxb Hội nhà văn, 1999, trang 31). Nhưng Chiêu Hổ là ai thì câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Năm 2021 nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng công bố Chiêu Hổ chính là Nguyễn Bình Kình, cũng là Tổng Cóc (Nghiêm Thị Hằng – Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nxb Hồng Đức, 2021, trang 89 – 99). Đây là một phát hiện đáng tin cậy.

Chúng ta biết, những người được coi là hay chữ, thường thử thách nhau bằng câu đối để biết năng lực của đối tác. Trong một ngày tiết xuân, Nguyễn Bình Kình cùng hai người bạn đến chơi Cổ Nguyệt đường. Xuân Hương đã ra một vế đối thử thách khá hóc hiểm:
Tối Ba mươi, khép cánh Càn Khôn, kẻo nữa Ma Vương đưa Quỷ tới
Hai người bạn của Nguyễn Bình Kình chịu. Nhưng chàng Bình Kình đã đối lại được:
Sáng Mùng một, mở then Tạo Hóa, để cho thiếu nữ rước Xuân vào

Thật vô cùng chỉnh về chữ, nghĩa. Và cũng hàm ý nghịch ngợm, tếu táo, trẻ trung. Có lẽ từ đấy mà chàng Nguyễn Bình Kình có lí do để thường xuyên làm khách của Hồ Xuân Hương. Quan hệ của hai người chắc là thân mật cho nên mới có việc đối đáp sát sạt, giàu ngụ ý tình tang. Đáng chú ý Xuân Hương là người chủ động viết trước. Còn Chiêu Hổ là người bị động phải trả lời. Lần thứ nhất Xuân Hương “vờ” trách:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo Nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
Như vậy có thể họ đã uống rượu cùng nhau. Mượn hơi men, Chiêu Hổ tán tỉnh, trêu ghẹo Xuân Hương. Xuân Hương là người đáo để nên đã trách, và giọng đàn chị : “Này này chị bảo cho mà biết”.

Thật thú vị là chàng Chiêu Hổ đang say tình nên đã ứng đáp không thể chê vào đâu được. Quả là kì phùng địch thủ – ngang tài ngang sức. Xuân Hương đã gọi anh, xưng chị. Chiêu Hổ không ngán, tự xưng ông và rất đáo để:
Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo Nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay
Không sợ hang Hùm, mó hang Hùm thì mới có Hùm con bỗng trốc (trên) tay. Chắc Hồ Xuân Hương cũng phải phục chàng nhanh trí, giỏi nôm đối chỉnh miễn chê.

Tranh vẽ minh họa bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương.

Phải thân mật với nhau thì mới có chuyện hỏi vay tiền. Và cũng có thể vay tiền là một cái cớ để thử tình cảm thật của chàng. Hẳn là Chiêu Hổ có cho vay thật. Và người thông minh lại có cớ để mà trách chàng bằng bài Trách Chiêu Hổ 2:
Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi Nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa
Vẫn là Nguyệt (Trăng), nhưng cũng là Nguyệt trong Cổ Nguyệt (Hồ). Ở đây nhắc “nắm lá đa” ngụ ý là cây đa trên cung trăng, nơi chú Cuội nói dối trú ngụ. Đáng chú ý là không gọi “anh đồ”, mà đã nâng cấp lên thành “quân tử”. Nâng lên rồi lại hạ xuống hàng chú Cuội. Một cách đáo để của Hồ Xuân Hương.

Chàng Chiêu Hổ đáp lại cũng rất chỉnh, thông minh và táo bạo:
Rằng Gián thì năm, Quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi Nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa
Ba quan tiền Quý, tương đương Năm quan tiền Gián. Bởi thế cho vay năm quan tiền Gián, đưa ba quan tiền Quý là chuẩn, có gì phải phàn nàn. Rõ ràng nàng và chàng đang say đắm cho nên tạo cớ để tỏ tình thôi.

Có lẽ chàng dù say đắm nàng, nhưng vẫn ngại ngùng vì mình đã có vợ. Hơn nữa, nàng lại xinh đẹp, lại quá hay chữ, liệu nàng có “chịu” làm lẽ mình không? Đó là điều làm cho Chiêu Hổ chưa quyết định chính thức cầu hôn người đẹp. Một lần nữa, nàng Xuân Hương lại chủ động mở lời trước:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhăm nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè
(Trách Chiêu Hổ 3)

Và điều đó như một lời ngỏ thầm, mở đường cho Chiêu Hổ dứt khoát quyết định đi đến hôn nhân. Lời đáp thể hiện sự quyết tâm đó:
Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe
Bảo nhe không được gậy ông ghè
Ông ghè không được ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè

Như vậy là chàng đã quyết “ghè”, “ghè mãi”, “ghè mãi” cho đến lúc rè.
Một điều lí thú là chàng Chiêu Hổ gọi “cô bay”. Cô bay , chữ bay phải chăng là từ gọi thân mật suồng sã, như trong từ “chúng bay” (chúng mày). Nhưng chúng ta nhớ rằng nguyên danh của Hồ Xuân Hương là Hồ Phi Mai (hoa mai bay mặt hồ), thì cô bay còn chỉ cô PHI, trong tên PHI MAI. Thế chẳng quyết liệt, rốt ráo hay sao!
Rất có thể là sau lần thử thách này, khi Chiêu Hổ chính thức mối mai, người đẹp hay chữ đã đồng ý làm vợ lẽ của chàng, và theo chàng về làng Gáp.

Theo nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng, Hồ Xuân Hương lấy ông Chiêu Hổ Nguyễn Bình Kình năm 1802 và sau 2 năm, năm 1804 nữ sĩ chủ động bỏ ông, về lại kinh thành Thăng Long (Nghiêm Thị Hằng, sách đã dẫn, trang 108). Có lẽ sau khi về chung một mái nhà, sự “say đắm” đã không còn như trước. Cộng với những dị nghị, eo óc, đã nhanh chóng làm cuộc tình tàn phai.
Có thể hai vế đối này ghi dấu sự “rạn nứt” của mối tình hai người. Chúng ta hãy xét một vế của Hồ Xuân Hương gửi Chiêu Hổ (dùng chữ thập can):
Mặc áo Giáp, giải cài chữ Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, khoe mình rằng Quý

Nguyễn Bình Kình tức Đội Kình là con nhà Võ, cho nên mặc áo Giáp, khoe mình rằng Quý là dùng toàn chữ trong thập can. Cũng có ý hơi mỉa khi nói “khoe mình rằng Quý”. Nhưng rõ ràng, trong lời đối, Đội Kình đã dùng những chữ trong bát quái, rất khiếm nhã, xúc phạm nặng nề người bạn tình:
Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn, Ly , Đoài, khéo nói rằng Khôn

(Nguồn: Hoa Bằng, Hồ Xuân Hương, nhà thơ Cách mạng, Xuất bản Bốn phương, 1950, trang 184). Về điều này khi chưa biết lai lịch Chiêu Hổ (1998), chúng tôi đã từng bình luận trong bài viết “Hồ Xuân Hương và cái hồng nhan” rằng : “Ngay cả Chiêu Hổ, một người xướng họa với Xuân Hương thông minh, đáo để, đáng xếp vào hàng tri kỉ, tri âm mà cũng nặng lời hằn học khi đối lại vế ra của bà”.
Khi đã hết duyên, hết nợ thì tan vỡ là điều không tránh khỏi. Và sự đối đáp này chính là dấu ấn về sự rạn nứt dẫn đến tan vỡ đó.
Trước đây, một số tài liệu cho rằng Tổng Cóc thua bạc mà chết (Bản của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến : “Hôm trước anh ta thua canh bạc to, phải gán mất cả ruộng nương…rồi lo nghĩ tiếc của thành bệnh, một hôm ngất đi và chết. Xuân Hương than khóc và có thơ như sau này” (Theo Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, trang 349).

Tài liệu mới nhất đáng tin cậy của tác giả Nghiêm Thị Hằng thì khẳng định : “Sau hai năm chung sống từ năm 1802 đến năm 1804, Hồ Xuân Hương chủ động bỏ ông Đội Kình, có nghĩa là nhân duyên đến đây “còn Duyên mà hết Nợ”.
(Nghiêm Thị Hằng, sách đã dẫn, trang 114).

Bài Khóc Tổng Cóc chính là khóc cho mối tình đã chết, chứ không phải khóc người chết.
Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Nhà thơ Xuân Diệu, bằng trực cảm thi ca đã có lời bình về bài thơ này : “Xuân Hương đã khổ lắm với người này, thì mới lấy cái tên “Cóc” ra mà đay nghiến. Nòng nọc đứt đuôi, Xuân Hương bảo Tổng Cóc chết hẳn đi, chết không phản hồi; Xuân Hương muốn chôn ông Tổng Cóc hai lần, và bôi vôi vào, đánh dấu vào, thật là đào sâu chôn chặt!” (Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Kim Đồng, 2006, tr. 331).

Về bài thơ này TS. Đào Thái Tôn xếp vào “Phụ lục” vì “Bài này có từ văn bản Landes 1893; Xuân Lan 1914, Đông Châu, và bản khắc ván 1922. Tuy nhiên ngay ở bản Landes, lời thơ đã chép sai khác rất nhiều, ở phần B câu đầu là “Ôi chàng ôi! Ơi hỡi chàng ôi”, cuối bài lại ghép hai câu của bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất”…

Ở phần C, bài thơ có tên là Vịnh anh cai Tổng Cóc, đây nói vịnh, chứ không phải là khóc. Không có lời dẫn, câu chữ lệch lạc “Thương thay chàng Cóc, hỡi chàng ôi” (Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, trang 349).

Nhà nghiên cứu Hoa Bằng lại chép bài này theo lời phụ thân ông thường đọc:
Chàng Cóc ôi, chàng Cóc ôi
Cong cóc đi đâu chẳng bảo tôi?
Nòng nọng đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc giống bôi vôi!
(Hoa Bằng, sách đã dẫn, trang 22).

Như vậy có một số câu sai khác, nhưng đã thể hiện đúng cái gọi là “tiến trình huyền thoại dân gian hóa” mà TS Đào Thái Tôn đã nêu ra. Căn cứ vào những tài liệu tin cậy, có thể hình dung cuộc tình của Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ, tức Nguyễn Bình Kình, tức Tổng Cóc là như thế.

Hà Nội, 14 tháng 1 năm 2022

PGS.TS.Vũ Nho/Tạp chí Văn Hiến bản in

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”