Chiều 7/5, tọa đàm “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả” do Đại sứ quán Thụy Điển và UBND TP Hà Nội đồng tổ chức đã diễn ra. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn Thương mại Thụy Điển.
Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Horberg cùng lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT và TP Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Pereric Horberg – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, quá trình đô thị hóa nhanh chóng là điều đã và đang diễn ra tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á. Chính tốc độ đô thị hóa là một trong những tác nhân tác động mạnh mẽ tới giao thông ở Việt Nam.
Đại sứ Thụy điển đưa ra con số thống kê, tính đến năm 2014 Việt Nam có khoảng 90 triệu dân và 33% trong số đó sinh sống tại các đô thị. Dự báo đến năm 2025, số dân tập trung ở đô thị của Việt Nam sẽ tăng lên đến 50% tổng dân số. Theo Đại sứ, đô thị hóa và việc dân cư trù mật ở những TP lớn đang diễn ra tại Việt Nam cũng tương đồng với Thụy Điển vào những năm đầu phát triển của quốc gia này.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về giao thông đô thị. Một trong những nguyên nhân gây ra thách thức là kinh tế tăng trưởng nên thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu mua xe cá nhân tăng (thủ đô hiện có 5,48 triệu xe máy, tăng hàng năm là 6,7% và 12% về ô tô), trong khi tốc độ phát triển giao thông chỉ 3,9% gây nên mất cân đối cùng với ý thức tham gia giao thông chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông phức tạp.
Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho hay, Hà Nội đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết bài toán giao thông đô thị, như phát triển mạng lưới vận tải lên đến 112 tuyến bao phủ khắp 30 quận, huyện (tăng 64% so với năm 2008). Cùng với đó, các điểm ùn tắc giao thông giảm, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp xây dựng nhiều dự án như cải tạo trục hướng tâm, xây mới trục chính đô thị, nút giao thông, xây đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội…
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ 6 gói giải pháp gồm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch của Chính phủ; tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó phát triển xe buýt và 2 dự án đường sắt đô thị là rất quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố thông minh để người dân tiếp cận; tăng cường tuyên truyền và tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Bàn thảo về phương án hỗ trợ phát triển giao thông bền vững ở Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, bối cảnh hiện nay của Việt Nam là quốc gia đang phát triển kinh tế rất nhanh nên trong tương lai, Việt Nam sẽ không nằm trong danh sách các quốc gia được vay vốn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, đại diện ADB cam kết vẫn cung cấp cho Việt Nam một số khoản vay nhỏ với mục đích hỗ trợ, tăng cường phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông như phát triển mạng lưới hệ thống metro (tàu điện ngầm, đường sắt đô thị). ADB cũng đưa ra nhiều sáng kiến để phát triển giao thông bền vững như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là phát triển giao thông công cộng và hỗ trợ ngành giao thông có lượng cacbon thấp, quản lý chất thải trong giao thông.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều chuyên gia và DN Thụy Điển đã đưa ra các giải pháp tổng thể như quy hoạch đô thị, bố trí quỹ đất giao thông, phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ trong thành phố thông minh, quản lý năng lượng.
“Hiện nay, cả nước có 60 tỉnh, TP có xe buýt, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh Minh loại hình vận tải công cộng được chú trọng đầu tư phát triển cả số lượng và chất lượng. Riêng ở Hà Nội, năm 2017 vận tải công công đã vận chuyển hơn 400 triệu khách. Đây là các con số ấn tượng trong vận tải công cộng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ |
Theo KTĐT