Hành trình đưa sắc phong về làng

17:12 | 25/05/2023

Là cổ vật có giá trị, những đạo sắc phong thường xuyên bị nhòm ngó, đánh cắp bởi những kẻ hám lợi; bị mua bán trôi nổi trên thị trường. Bởi vậy, việc đem trả lại sắc phong về làng của nhóm Nhân sĩ Hà Đông chính là hành trình lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp tới cộng đồng…


Hành trình kỳ lạ
Chiều 19/5/2023, các cụ cao tuổi và đại diện chính quyền làng Quảng Công, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã có mặt tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam để nhận lại sắc phong từ nhóm Nhân sỹ Hà Đông. Tận tay trao lại những đạo sắc phong quý giá, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay, tình cảm và sự nghiêm trang của các cụ khiến ông rất xúc động. Hôm đó, các bô lão đại diện làng Quảng Công chia sẻ, việc tìm lại được đạo sắc phong này là một sự kiện đặc biệt và có những dấu hiệu kỳ lạ, khiến các cụ tin rằng việc tìm kiếm sẽ nhất định thành công.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao đạo sắc phong tới các cụ cao tuổi làng Quảng Công. Ảnh: FB nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đây chỉ là một trong số hàng chục lần nhóm Nhân sỹ Hà Đông tổ chức trao lại sắc phong cho các địa phương. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều – một thành viên của nhóm chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm đã có 7-8 đợt trao trả sắc phong như vậy. Còn tính tổng thể, trong gần 10 năm qua, có hơn 200 đạo sắc đã được trao trả về các địa phương. Hiện nhóm Nhân sỹ Hà Đông còn đang giữ khoảng 150 sắc phong nữa, đang chờ dịch và sẽ dần dần công bố để các địa phương bị mất sẽ liên hệ nhận lại.

Hành trình trao trả sắc phong của nhóm Nhân sỹ Hà Đông bắt đầu từ khoảng năm 2015. Một thành viên của nhóm là ông Trịnh Hữu Sỹ sau hàng chục năm đã sưu tập được gần 300 đạo sắc phong. Ban đầu, ông Sỹ không hiểu lắm về những cổ vật này, nhưng sau khi nhờ dịch nghĩa, thấy được giá trị về văn hóa, lịch sử của chúng, đặc biệt là đối với những địa phương được vua ban sắc phong thời xưa, ông Sỹ nảy ra ý định trao trả lại cho những nơi bị thất lạc.

Ý tưởng này lập tức được cả nhóm ủng hộ. Họ đã nhờ TS. Trương Đức Quả – nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các đạo sắc phong theo địa danh. Sau đó cả nhóm mới lần dò, tìm nơi bị mất để chủ động đến trao trả. Tuy nhiên, việc này cũng không hề dễ vì nhiều tên đất, tên làng, xã đã thay đổi. Có địa danh không chỉ đổi tên mà còn chuyển qua xã khác, huyện khác, thậm chí là tỉnh khác.

Một lần, nhóm tìm về dâng trả sắc phong cho một địa phương thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhưng do địa danh xưa ghi trong sắc phong đã thay đổi, cả nhóm tìm mãi mà chưa ra, vào hỏi chính quyền địa phương cũng không ai biết.

Khi không còn nhiều hy vọng tìm thấy, trên đường trở về, cả nhóm vào uống nước tại một quán nhỏ dưới một gốc cây đầu làng. Tại đây, mấy thanh niên đầu trọc, trên mình đầy hình xăm trổ hỏi mọi người đi đâu mà cứ trở đi trở lại mãi, gần tối rồi còn vào cái quán này… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời họ rằng, cả nhóm đi tìm một làng cổ. Nghe xong họ bảo sẽ chỉ đến nhà một người, mà nếu ông này không biết nữa thì “chỉ có chịu”.

Vậy là họ chỉ đường đến nhà ông giáo Cường. Quan sát nếp nhà, cách sống của ông giáo già, trực giác đã mách bảo cả nhóm là sẽ tìm ra, mặc dù ông giáo có bảo quê mình ở Nghệ An, không phải là người địa phương.

“Ông giáo mời nước xong thì bảo các ông tìm đúng người rồi, nhưng tôi cũng không trả lời ngay được đâu. Sau đó, ông lấy ra một quyển dư địa chí in từ thời Pháp ra. Tra mãi đến gần cuối sách, mới thấy được tên địa phương mình cần tìm… Chúng tôi có cảm giác các Ngài, những người đã được nhà vua phong Thần trong các đạo sắc, đã dẫn dắt và chỉ lối cho chúng tôi”, ông Sỹ hồi tưởng.

Sắc phong hóa giải mối “thâm thù”
Một câu chuyện khác cũng là kỷ niệm đáng nhớ với cả nhóm, đó là nhờ có việc trao trả sắc phong mà giải tỏa được mối hiềm khích nhiều năm giữa hai làng cũng ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, đó là làng Gòi Thượng và Gòi Hạ.

Số là vào năm 2000, ngành văn hóa tỉnh Hà Nam đã về làng Gòi Thượng khảo sát văn bản Hán – Nôm. Khi các cụ trong ban khánh tiết của đình làng thỉnh hòm đựng sắc xuống thì mới tá hỏa, cả 7 đạo sắc quý giá chỉ còn là những bản photocopy! Sự việc mất sắc phong khiến cả làng xôn xao, nháo nhác. Vài năm sau, đình làng Gòi Hạ kế bên được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Lập tức ở làng Gòi Thượng rộ lên tin đồn làng Gòi Hạ ăn cắp sắc phong của làng mình để làm hồ sơ di tích. Chưa hết, trong những năm sau đó, đạo chích lại “ghé thăm” đình làng Gòi Hạ, lấy đi cả 16 đạo sắc phong. Dân làng nỗ lực tìm kiếm trong nhiều năm trời nhưng vô vọng.

Các cụ đại diện làng Quảng Công chia sẻ cảm xúc khi tìm lại được đạo sắc phong bị mất. Ảnh: FB nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đến tháng 5/2016, nhóm Nhân sĩ Hà Đông tìm về làng Gòi Hạ thông báo việc đang giữ 7 đạo sắc và ngỏ ý muốn dâng trả cho làng. Khỏi phải nói cũng biết cả làng mừng đến mức nào. Thế nhưng khi đọc bản dịch, té ra đó lại là những đạo sắc của làng Gòi Thượng. Gạt bỏ hiềm khích, các cụ làng Gòi Hạ thông báo, cung cấp bản sao cho làng Gòi Thượng để họ liên hệ nhận về. Tìm được sắc phong trong niềm xúc động, mối “thâm thù” hai làng được hóa giải; tết năm đó dân làng Gòi Thượng còn mang những bao gạo lên Hà Nội để bày tỏ tấm lòng tri ân với nhóm Nhân sĩ Hà Đông.

Một lần khác, nhóm trao lại 4 sắc phong cho làng Hậu Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ngày trao trả, cả làng rất phấn khởi, tổ chức lễ rước sắc phong về đình long trọng lắm. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông được các cụ trong làng đón tiếp vào đình, chỉ cho những đồ vật đắt tiền và nói, đình to đẹp, cổ kính đấy, nhưng khi mất sắc phong thì ai cũng cảm thấy trống vắng, ngôi đình như bị mất đi phần hồn. Chỉ khi tìm lại được sắc phong, sự trống vắng đó mới được khỏa lấp, hồn làng mới trở về.

Đừng vội vã bước qua
Đánh giá về việc những đạo sắc phong được nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả, GS Trần Lâm Biền nhận xét, đây là điều đáng mừng, giống như “châu về hợp phố”. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, sắc phong là di sản quý báu bởi đó là hồ sơ gốc về lịch sử dân tộc và là sợi dây gắn kết tinh thần của mỗi người dân của một vùng đất, một cộng đồng. Tuy nhiên, việc mất cắp sắc phong vẫn diễn ra dai dẳng, dẫn tới những văn bản tư liệu quý này trôi nổi rất nhiều trong xã hội và cả bị tẩu tán ra nước ngoài. Bởi vậy, cả nhóm đều rất thống nhất, không tiếc công sức, tiền bạc cho hoạt động ý nghĩa này.

“Chúng tôi tìm kiếm, mang trả những đạo sắc phong như là sự gìn giữ, hồi phục lại tinh thần, giá trị văn hóa của địa phương. Nhưng vì nguồn lực có hạn nên chúng tôi đưa lên Facebook, kêu gọi ai đang giữ sắc phong hãy dâng tặng hoặc bán lại. Nhóm sẽ kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng hành. Chúng ta cần góp sức mở ra, khơi dòng, chứ nếu vội vã bước qua thì có thể những thứ quý giá sẽ biến mất mãi mãi”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ thêm, dự kiến vào tháng 10/2023, nhóm Nhân sĩ Hà Đông sẽ phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức triển lãm sắc phong Việt Nam lần đầu tiên. “Chúng tôi cũng tổ chức một tọa đàm chuyên sâu về sắc phong Việt Nam để nhấn mạnh về những giá trị lịch sử – pháp lý, giá trị văn hóa của những cổ vật này. Mới nghe tin thôi nhưng rất nhiều người đang mong chờ sự kiện này”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

T.Toàn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/hanh-trinh-dua-sac-phong-ve-lang-post249047.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình