Liên Hợp Quốc coi hành lang nhân đạo là một trong một số hình thức có thể dẫn đến tạm dừng xung đột vũ trang trong các khu vực khủng hoảng.
Hành lang nhân đạo là các khu phi quân sự, được thiết lập trong một khu vực cụ thể và trong một thời gian cụ thể với sự đồng thuận của cả hai bên.
Chúng để làm gì?
Thông qua các hành lang này, thực phẩm và viện trợ y tế có thể được đưa đến các khu vực xung đột, hoặc dân thường có thể được sơ tán. Các hành lang nhân đạo là cần thiết để sơ tán người dân khỏi các thành phố bị bao vây mà không có nguồn thực phẩm hay điện nước.
Trong trường hợp thảm họa nhân đạo bùng phát do luật chiến tranh quốc tế đang bị vi phạm, ví dụ như thông qua ném bom quy mô lớn vào các mục tiêu dân sự, hành lang nhân đạo có thể cung cấp sự cứu trợ quan trọng.
Ai thiết lập chúng?
Trong hầu hết các trường hợp, các hành lang nhân đạo do Liên Hợp Quốc đàm phán và xây dựng. Đôi khi chúng cũng được thiết lập bởi các nhóm địa phương.
Mặt khác, chúng cũng có thể được sử dụng bởi các quan sát viên của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các nhà báo để tiếp cận các khu vực xung đột.
Những hành lang nào đã được thiết lập ở Ukraine?
Ở miền đông Ukraine, lệnh ngừng bắn kéo dài 5 giờ dự kiến sẽ được thực hiện vào thứ 7, ngày 5/3, để cho phép khoảng 200.000 người từ Mariupol và 15.000 cư dân từ thành phố Volnovakha rời đi.
Nhưng sáng kiến đã thất bại sau vài giờ. Chính quyền thành phố Mariupol cho biết cuộc sơ tán đã bị “hoãn lại vì lý do an ninh”. Trong khi đó, Nga cho biết các hành lang được thiết lập gần Mariupol và Volnovakha chưa được sử dụng. Hãng thông tấn Nga RIA cho biết “những người theo chủ nghĩa dân tộc” đã ngăn cản dân thường trốn thoát và quân đội Nga cũng bị bắn trong thời gian ngừng bắn.
Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng tại thành phố cảng Kherson, Nga đã không thực hiện lời hứa về một hành lang nhân đạo và 19 phương tiện cứu trợ nhân đạo đã không được phép đi qua.
Ai có quyền tiếp cận?
Việc tiếp cận các hành lang nhân đạo do các bên xung đột quyết định. Nó thường được giới hạn cho các tổ chức trung lập, Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức viện trợ như Hội Chữ thập đỏ. Nó cũng xác định khoảng thời gian, khu vực và phương tiện giao thông nào được phép sử dụng hành lang.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, hành lang nhân đạo chỉ được tổ chức bởi một trong các bên xung đột. Điều này xảy ra với cuộc không vận của Mỹ sau khi Liên Xô phong tỏa Berlin năm 1948-1949.
Chúng đã được sử dụng ở đâu khác?
Hành lang nhân đạo đã được triển khai từ giữa thế kỷ 20. Ví dụ, từ năm 1938 đến năm 1939, trẻ em Do Thái đã được sơ tán đến Vương quốc Anh từ các khu vực dưới sự kiểm soát của Đức Quốc xã.
Hành lang nhân đạo cũng được tạo ra trong cuộc bao vây năm 1992-1995 ở Sarajevo, Bosnia và cuộc sơ tán năm 2018 ở Ghouta, Syria.
Tuy nhiên, có rất nhiều cuộc xung đột mà các hành lang nhân đạo không được thiết lập. Chẳng hạn, trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Yemen, Liên Hợp Quốc đã thất bại trong các cuộc đàm phán.
Theo Công luận