Lễ hội Nghinh Ông ở Cà Mau là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc và lớn nhất trong năm của ngư dân miền biển.
Hôm nay (20/3), hàng ngàn ngư dân và khách thập phương tập trung về cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tổ chức Lễ hội Nghinh Ông.
Phần quan trọng nhất của lễ hội này là lễ rước Ông, diễn ra vào hôm nay, nhằm ngày 15/2 âm lịch. Sáng nay, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang hoàng cờ hoa, neo đậu dưới bến sông từ từ tiến ra khơi.
Trên đường ra biển, nếu gặp cá Ông phun nước thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục đọc lời cầu nguyện, rồi “xin Keo”. Khi xin được keo tức là đã gặp được “Ông” và họ rước “Ông” về đất liền.
Cũng như nhiều tỉnh, thành có biển vùng ĐBSCL và Nam Bộ, Nghinh Ông ở Cà Mau là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc và lớn nhất trong năm của ngư dân miền biển. Bà con nơi đây dâng lên “Ông” mong muốn được mưa thuận gió hoà, trúng mùa khai thác.
“Hằng năm, năm nào đúng ngày rằm tháng 2 cũng phải cúng, đi nghênh Ông. Rồi mời ông về cúng, bà con cũng cầu nguyện cho mùa màng được bội thu, làm ăn phát tài, phát đạt”, ông Nguyễn Tấn Biểu – Chánh Vạn Lăng Ông Nam Hải, cho biết.
Lễ hội Nghinh Ông tại Sông Đốc là lễ hội Nghinh Ông lớn nhất được tổ chức trên địa bàn tỉnh Cà Mau, diễn ra từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch hàng năm (năm nay rơi vào ngày 19 đến 21/3 dương lịch).
Linh vật được suy tôn trong lễ hội là cá Ông (còn gọi là cá voi) – loài cá thường cứu giúp ngư dân vượt qua cơn hoạn nạn lúc gặp hiểm nguy trên biển.
Lễ hội Nghinh Ông gồm 2 phần, phần lễ do lăng Vạn Lăng Ông Nam Hải phụ trách, phần hội do chính quyền địa phương tổ chức. Khách thập phương về với lễ hội còn được tham gia vào các trò chơi dân gian, thi ẩm thực, xem ca múa nhạc, sân khấu cải lương…Các hoạt động mang tính cộng đồng nêu trên góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội, thắt chặt mối đại đoàn kết của cộng đồng các cư dân miền biển trên địa bàn.
Tại miền biển Sông Đốc, ngư dân phát hiện xác cá Ông trôi giạt vào bờ năm 1925. Sau đó, ngư dân đã cất giữ xương cốt thờ trong lăng Vạn Lăng Ông Nam Hải.
Ngoài bộ xương cá Ông to nêu trên, Vạn Lăng Ông Nam Hải hiện đang trưng thờ 4 bộ xương cá Ông khác. Hàng năm ngư dân và chính quyền địa phương nơi đây đều tổ chức lễ hội như đã nêu trên./.
Theo VOV