Ngày 22/12, đại diện nhiều hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch cho hay đang khẩn trương làm việc với đối tác, lên kế hoạch sớm khai thác trở lại đường bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, sẵn sàng cho việc khôi phục giao thương, thúc đẩy đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế, …
Theo kịch bản mới nhất, giai đoạn 1 (dự kiến 15 ngày, bắt đầu từ 1/1/2022), Việt Nam sẽ mở 9 đường bay quốc tế với điểm đến là những thị trường truyền thống của các hãng hàng không Việt Nam cũng như của các hãng sở tại gồm: Việt Nam – Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đoàn Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định việc mở lại đường bay quốc tế thể hiện quyết tâm khôi phục lại mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Trước mắt sẽ thí điểm những đường bay quốc tế trên tinh thần thực hiện từng bước, tránh gây tâm lý lo ngại, băn khoăn trong dư luận, để người dân yên tâm mở cửa lại an toàn và bền vững. Giai đoạn sau sẽ nâng dần số đường bay quốc tế.
Khẳng định việc mở lại đường bay quốc tế là giải pháp sống còn của Vietnam Airlines, vì trước đại dịch, các đường bay quốc tế chiếm 65% tổng doanh thu của hãng, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa xác nhận hãng đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nguồn lực từ bán vé, tiếp viên, phi công… Thời gian qua, hãng cũng đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm thành công, với việc phòng chống dịch Covid-19 trên các chuyến bay luôn được ưu tiên hàng đầu.
Vietnam Airlines đã chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm chuyến bay cất cánh, đặc biệt là bay quốc tế. Hiện hãng vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc phục vụ nhu cầu của khách từ Việt Nam sang các nước này; kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay, chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu.
Nằm trong kế hoạch tái khai thác các đường bay quốc tế, đại diện Bamboo Airways cho biết đối với khu vực Đông Bắc Á, từ ngày 1-1-2022, hãng sẽ khai thác đường bay thẳng thường lệ giữa Hà Nội với Narita (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc). Hãng đang xúc tiến kế hoạch bay hằng ngày và tiến tới mở thêm nhiều tuyến bay mới như TP HCM – Tokyo, cũng như từ Hà Nội, TP HCM – Osaka (Nhật Bản) vào cuối năm 2022 ngay khi thị trường hồi phục.
Với khu vực châu Âu, trong tháng 1-2022, ngay khi các điều kiện cho phép, Bamboo Airways dự kiến khai thác bay thương mại thường lệ Hà Nội, TP HCM – London (Anh, qua sân bay Heathrow). Hãng cũng dự kiến đưa vào khai thác các đường bay Hà Nội, TP HCM – Frankfurt (Đức) với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần; Hà Nội, TP HCM – Munich (Đức) với với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần trong tương lai gần.
“Về tần suất khai thác, trong giai đoạn đầu, hãng khai thác theo phân bổ tần suất của Chính phủ. Khi thị trường phục hồi, hãng sẽ bay hằng ngày và tiến tới mở thêm nhiều tuyến bay mới kết nối Việt Nam với Mỹ, châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… ngay khi các điều kiện cho phép” – đại diện Bamboo Airways thông tin.
Với hãng hàng không “tân binh” trên thị trường là Vietravel Airlines, đại diện hãng cho hay ngay sau khi mở cửa lại sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ và chuyến thuê bao (charter) đến các thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc. Với các thị trường này, Vietravel Airlines sẽ tiến hành ký kết và chỉ định các tổng đại lý của hãng (GSA) trong tháng 1-2022. Theo kế hoạch của hãng, trong quý II/2022 sẽ nhập về Việt Nam thêm máy bay hiện đại dòng A321 Neo để phục vụ nhu cầu phát triển và phục vụ mạng đường bay quốc tế.
LKLinh