Cảm hứng và những bài học cuộc sống luôn đến từ bất kỳ hiện tượng mạng xã hội nào, chỉ cần ta thật sự cầu thị. Từ hai người đàn ông với mức độ “phủ sóng” cao trên các trang báo mạng thời gian gần đây, chúng ta cũng có thể học được bài học không bao giờ cũ về gia đình.
Người đàn ông muốn hành đạo cứu thế nhưng không thể cảm hóa được vợ mình
Có vẻ như sẽ là chưa đầy đủ nếu chỉ nhìn nhận vụ ly hôn nghìn tỷ của những người sáng lập Trung Nguyên đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng những ngày vừa qua trên khía cạnh tiền bạc hay tình nghĩa. Nổi bật trong đó là sự khác nhau về hệ tư tưởng, quan điểm, chí hướng của hai người đã từng chung một con đường.
Người ta nói “sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”, thật ra đôi khi chính người đã thay đổi cũng không hiểu vì sao mình đổi thay, càng không biết sau này mình sẽ suy nghĩ khác như thế nào. Quan điểm, chí hướng của bản thân mỗi người rồi đều có thể sẽ có những bước ngoặt, nhưng đó không nên trở thành lý do để vợ chồng đem nhau ra tòa và đào sâu cái hố ngăn cách không thể san lấp.
Câu chuyện thành công của Trung Nguyên luôn gắn liền với hình ảnh “thuận vợ thuận chồng” của hai doanh nhân bản lĩnh và hai người bạn đời đồng lòng. Thế nhưng từ khi ông Vũ có bước ngoặt trong chí hướng, đặt sứ mệnh của mình và Trung Nguyên lên cao hơn nữa, thì một cuộc chiến về tư tưởng và quyền lực đã bắt đầu.
Ông Vũ đã nhận ra cái mà ông cho là chân mệnh của mình, đã quyết làm việc lớn vì cộng đồng, vì nhân loại. Sau vài năm tu tập, ông đã mong muốn làm nên cà phê đạo như trà đạo của người Nhật, qua đó truyền đi những thông điệp thiện lành. Có thể coi đó là khát vọng bình thiên hạ – bước cuối cùng trong những việc mà người quân tử đặt chí tại nơi cao xa nên làm trong cuộc đời mình. Chẳng có gì sai trái và viển vông khi muốn mang lại điều tốt đẹp cho thế giới này.
Nhưng Đạo của Thiên Địa thì khách quan và không bao giờ thay đổi, muốn trị quốc hay bình thiên hạ thì phải tu thân rồi tề gia cho tốt. Có vẻ ông Vũ đã hiểu khái niệm tu thân khi đã tìm thấy con đường tu tập rũ bỏ chấp trước, dục vọng tầm thường. Nhưng cái kết quả của tu thân ấy phải thể hiện ra ở việc tề gia. Một người chồng có đam mê mà bỏ bê vợ con thì sẽ khó giữ được tiếng nói có trọng lượng trong căn nhà đáng lẽ mình phải là cái trụ vững chãi.
Trong phiên tòa căng thẳng xử vụ ly hôn nghìn tỷ, bà Thảo nói rằng “đã là hôn nhân thì phải đúng bản chất”. Bà muốn người chồng của mình phải sống cùng mình, cùng quan tâm, lo lắng cho gia đình, con cái. Có lẽ sự “thoát tục” quá triệt để của ông Vũ đã khiến bà Thảo thấy chênh vênh và lo sợ. Bà không tin tưởng rằng chí hướng mới của chồng có thể đảm bảo an toàn cho những gì ông và bà đã bỏ công sức ra tạo dựng. Người phụ nữ truyền thống, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng vẫn luôn khao khát và tìm kiếm sự an toàn từ người chồng của mình.
Hơn nữa, người đàn ông vốn được ví như Trời cao vang công chính lại dùng những lời lẽ nặng nề với vợ, chỉ trích và ôm mãi trong lòng nỗi hận vì vợ bắt mình đi khám tâm thần. Thế thì sự từ bi đạt được trong tu thân chưa thể hiện được ra thành sự khoan dung trong tề gia mất rồi.
Người xưa quan niệm rằng, người quân tử đều thực hành chính trị, từ những việc nhỏ nhất như đối nội trong gia đình, bởi chính trị chỉ là giúp người khác làm các việc cho chính. Thế nên tề gia cũng là làm chính trị. Và phần gốc của đạo là chính tâm, thành ý. Muốn vợ tôn trọng và tin tưởng mình, người đàn ông phải đối đãi bằng tâm thái chân thành và tin yêu. Làm được việc nhỏ cho tốt mới làm được việc lớn, yêu thương chân thành với người bên cạnh mình mới có thể yêu thương cả thiên hạ, đạo hiển hiện sáng láng từ những điều nhỏ bé nhất, bản thân chính thì mới chính được người khác.
Thế nên, càng đặt ý chí tại nơi cao xa thì người quân tử càng phải ưu tiên giữ mình cho tốt đẹp, mẫu mực mọi mặt. Người ta thường hay làm ngơ tật xấu của mình mà đi chỉ trích tật xấu của người. Làm người quân tử phải ngược lại, trách mình trước, trách người sau. Để vợ không thể hiểu và tin tưởng, cảm nhận được sự vững chãi, an yên trong gia đình, thì việc trị quốc, bình thiên hạ đâu thể dễ dàng và bền vững được.
Người đàn ông có tất cả bởi biết tề gia
Ở bên kia địa cầu, vị được cho là người đàn ông quyền lực nhất thế giới cũng đã công khai khát vọng bình thiên hạ không kém phần lớn lao của mình. Trong thông điệp liên bang 2019 của Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã khẳng định, ông muốn cùng người dân Mỹ “tạo ra một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21” và thuyết phục các nghị sĩ “lựa chọn sự vĩ đại” cho nước Mỹ, một quốc gia “phải là niềm hy vọng, là lời hứa, là ánh sáng và vinh quang giữa tất cả các quốc gia trên thế giới”.
Trong những lần phát ngôn tôn vinh Chúa của mình, ông Trump thể hiện mong muốn không chỉ “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà còn phải là quốc gia dưới Chúa, đạt thành tựu nhờ ơn Chúa và từ đó truyền đi những ân điển của Chúa từ những hành động đúng đắn của Hoa Kỳ cho toàn thế giới.
Xét về khía cạnh đức tin và khát vọng thực hiện điều họ cho là sứ mệnh của mình, cả ông Trump và ông Vũ đều là những người đang từng bước “bình thiên hạ” với hoài bão lớn lao có thể khiến nhiều người chưa hiểu được ngay. “Mọi sự so sánh là khập khiễng”, chỉ từ quy mô của biển lớn mà hai người đàn ông đang bơi trong đó cũng thấy một sự khác biệt. Nhưng cả hai sẽ đều phải tuân theo một quy luật chung, muốn bình thiên hạ thì phải tề gia.
Tổng thống Trump trái ngược với ông Vũ, khi đoạn đời trước đây của ông đầy những chuyện thị phi về tình ái và gia đình. Người ta mỉa mai hình ảnh chú ngựa bất kham của ông. Nhưng đến lúc chí hướng của ông thay đổi, khi ông nhận ra mình phải làm gì đó vì chẳng có ai làm để thay đổi xã hội Mỹ và thậm chí là thế giới, người ta mới bắt đầu thán phục kết quả tề gia của ông bấy lâu nay. Và ngay trong quá trình thực hiện chí hướng mới của mình, ông Trump cũng cho thấy mình là người biết cách học hỏi và sẵn sàng thay đổi cách hành xử với vợ.
Ông Trump có một đại gia đình bao gồm các mối quan hệ con riêng, con chung phức tạp. Thêm vào đó là khối tài sản khổng lồ luôn là quả bom nổ chậm cho mọi sự êm ấm trong gia đình. Nhưng giới truyền thông thiên vị và luôn tìm cách đả kích Trump lại chưa bao giờ “săn” được thông tin xích mích, mâu thuẫn nào giữa những người con và những người phụ nữ cả mới lẫn cũ của đương kim tổng thống.
Người vợ đầu tiên mà ông Trump tin tưởng giao phó những chức vụ quan trọng trong việc làm ăn, sau này vẫn là bạn tâm giao và cố vấn đáng tin cậy trong chiến dịch tranh cử của ông. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Melania Trump cũng là một doanh nhân thành công, mạnh mẽ và độc lập.
Bà cũng đã từng thổ lộ rằng bà thật sự không muốn ông Trump làm tổng thống, nhưng vẫn vui mừng và động viên khi ông đắc cử. Melania chấp nhận vai trò mới với rất nhiều áp lực bằng sự điềm tĩnh và chậm rãi đủ để bản thân dần thích nghi.
Người ta nói Melania là người phụ nữ đầu tiên được vinh danh ở một ví trị trang trọng mà lại bình tĩnh và từ tốn đến vậy. Đối diện với những công kích của báo giới, lỗi vạ miệng của chồng, bà đều cư xử rất khôn ngoan. Khi điều bà không hề muốn lại là chí hướng mới của chồng, bà đã sẵn sàng hy sinh và thích nghi. Đó là phẩm chất cao quý của mệnh phụ phu nhân, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng người chồng phải thật sự tạo được niềm tin và an tâm thì vợ mới có thể sẵn sàng hiến dâng đến vậy.
Với khối lượng công việc khổng lồ, ông Trump chẳng dành nhiều thời gian cho các con, nhưng như lời các con ông, ông luôn xuất hiện khi họ cần. Ông định hướng, tạo điều kiện và duy trì các nguyên tắc để vợ thực hiện thiên chức của mình thật tốt. Người đàn ông nghĩ lớn làm lớn, muốn tề gia không nhất thiết phải làm những việc tỷ mỷ, nhưng quan trọng nhất là phải luôn tạo được cảm giác có trách nhiệm, an toàn, tin tưởng và được tôn trọng, yêu thương cho vợ con mình.
Những bậc thánh nhân dành cả cuộc đời để cầu đạo, hành đạo, tạo dựng di sản muôn đời hay làm nên những kỳ tích, phần nhiều đều làm được tốt việc tề gia. Kể cả với những bà vợ tai quái, có phần ngang ngược vô lối như phu nhân của Abraham Lincoln hay triết gia Socrates, họ vẫn luôn dành cho vợ sự tôn trọng và nhường nhịn rộng lượng.
Trong Tứ thư bình giải có đoạn:
Điều gọi là ‘trị nước trước hết điều chỉnh nhà mình’ ấy là nhà mình không giáo dục được mà có thể giáo dục được người khác, điều đó không có. Cho nên bậc quân tử không ra khỏi nhà mà thành tựu được việc giáo dục dân nước.
Thế nên muốn cảm hóa người khác trước hết phải cảm hóa được người nhà mình. Không cần thuyết giảng dài dòng cao siêu, thậm chí không cần ra khỏi nhà mà vẫn thành tựu việc cảm hóa người khác.
Sứ mệnh cao cả không chỉ là ở việc bạn cứu giúp được bao nhiêu người ở thời điểm này, mà còn là di sản bạn để lại để có thể làm bài học giúp điều chỉnh cho chính ngôn hành của con người bao thế hệ sau. Những gì bạn đối với những người thân cận nhất quanh bạn sẽ là bản công trạng được lưu lại dễ dàng và truyền cảm hứng nhất.
Theo ĐKN