Hai ‘mãnh hổ’ cao nguyên vừa ra đi

8:34 | 09/05/2019

Hai vị chỉ huy đánh trận tài ba ở miền đất Tây Nguyên, hai “mãnh hổ” đã sát cánh bên nhau cả trong chiến trận khốc liệt và khi hóa giải những oan khuất. Hai con người ấy vừa mất tại TP Đà Lạt.


Vợ chồng Thiếu tướng Bùi Minh Hớn

Treo thưởng đầu Bùi Minh Hớn 20 ngàn USD

Thiếu tướng Bùi Minh Hớn (quê xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vừa qua đời ở tuổi 85 tại TP Đà Lạt vì tuổi già sức yếu. Ngày tiễn ông về với đất, các bậc cao niên, bạn hữu ôn lại chuyện xưa: “Mới vài ba tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng tay này gan góc lắm! 13 tuổi đã làm giao liên, sau đó băng rừng Trường Sơn hàng tháng trời để ra Bắc học tập, huấn luyện rồi trở về chiến trường tỉnh Lâm Đồng, lần lượt làm Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn trưởng.

“Chú Hớn đã chỉ huy hàng trăm trận đánh táo bạo, hiệu quả; uy danh lan rộng khắp vùng. Cánh sinh viên chúng tôi phục chú sát đất. Ngày đó lực lượng của ta khá mỏng so với địch nên mỗi lần vô tình chạm trán, quân ta thường đánh cầm chừng rồi rút về căn cứ để bảo toàn lực lượng cho những trận đánh lớn. Riêng chú Hớn, hễ gặp địch là dàn trận đánh quyết liệt. Chú còn bắc loa khiêu khích câu nhử quân địch ra để diệt. Có tài trong bài binh bố trận và dũng mãnh trong chiến đấu, nên mỗi lần xuất quân là yên tâm thắng trận, ông Nguyễn Trọng Hoàng, nguyên Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng hồi tưởng.

Để tham gia trận đánh lịch sử vào TP Đà Lạt dịp Tết Mậu Thân năm 1968, chàng trai Bùi Minh Hớn đã phải bỏ dở đám cưới của mình. Ông kể do điều kiện công tác bận rộn nên đơn vị chỉ có thể sắp xếp cho họ tổ chức vào chiều 30 Tết. Vì phải đi công tác đến tận ngày cưới mới được về nên mọi việc chuẩn bị đều phải nhờ đồng đội lo giúp. Phòng cưới bằng lá và vải dù được tạo dựng, cô dâu Nguyễn Thị Mai cũng nhờ người quen ở Đà Lạt mua giúp một ít bánh kẹo và thuốc lá gửi vào khu căn cứ để đồng đội đến chia vui. Thế nhưng, ngay trước thời điểm tuyên hôn, chú rể được lệnh cấp tốc lên đường chỉ huy một cánh quân đánh vào Đà Lạt. Phải đến 4 tháng sau, hai người mới gặp lại nhau ngoài mặt trận và “động phòng hoa chúc”.

Bùi Minh Hớn được ví như “mãnh hổ” của cao nguyên bởi sự táo bạo, gan dạ, dũng cảm. Địch vừa căm tức vừa nể sợ ông. Sau nhiều phen bị các đơn vị do Bùi Minh Hớn chỉ huy đánh cho tan tác và bị Tư lệnh Quân đoàn 2 của Việt Nam cộng hòa liên tục phê bình, dọa cách chức, Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức đã tuyên bố trao thưởng 20.000 USD cho người nào lấy được đầu Minh Hớn!

Sát cánh hóa giải những oan khuất

Về mối thâm giao với đại tá Vũ Linh, có lần chú Hớn kể: Năm 1972, Mai (vợ chú Hớn) bị địch bắn bị thương rồi bắt giam, may mắn là con trai của chúng tôi được đồng đội cõng chạy thoát. Địch cho người giả giọng vợ tôi phát trên đài và trên máy bay kêu gọi… chiêu hồi. Dư luận xôn xao về vấn đề này nên tôi phải nhờ anh Vũ Linh (Trưởng ban An ninh Đà Lạt, tổ trưởng Tổ Điệp báo A2) vào cuộc làm rõ sự thật. Qua mạng lưới tình báo, anh đã triển khai xác minh một cách cẩn trọng và báo tin cho tôi: “Yên tâm đi, cô ấy không khai một lời”.

Tôi và anh Linh cùng phối hợp công tác từ năm 1969, gắn bó như môi với răng. Đã tinh thông nghiệp vụ lại hoạt động trên địa bàn này khá lâu nên anh nắm rõ tình hình địa phương như trong lòng bàn tay; giỏi xoay xở, tạo thế hỗ trợ cho cánh bộ đội chúng tôi có cái ăn để kiên trì bám trụ địa bàn; xác định đúng “tọa độ” tiến công… Nhờ vậy mà chúng tôi có nhiều trận thắng giòn giã.

Sau khi miền Nam được giải phóng, chúng tôi tiếp tục gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh với Fulro. Tội ác giết người, cướp bóc mà Fulro gây ra cho cán bộ, chiến sĩ và người dân vô tội nhiều không kể xiết. Chứng kiến cái chết thảm khốc của đồng đội và người dân, đại tá Vũ Linh cũng uất hận lắm. Thế nhưng khi trực tiếp chỉ huy đánh án trong chuyên án F101, anh Linh cùng Ban chuyên án đã sáng suốt chọn giải pháp “Điệu hổ ly sơn” câu nhử, giăng bẫy bắt sống Ya Duck (Phó Thủ tướng thứ nhất của Fulro) cùng 9 sĩ quan cấp cao khi vừa rời khỏi sào huyệt của “Trung ương Fulro” ở vùng núi rừng Bidoup (Lâm Đồng). Mặc dù chỉ là cấp phó nhưng tất cả quyền lực nằm trong tay Ya Duck, biệt danh “Hùm xám Tây Nguyên”, lúc nào cũng có hàng chục cận vệ với súng ống lăm lăm hộ tống.

Thiếu tướng Bùi Minh Hớn (người thứ 2 từ trái sang) và Đại tá Vũ Linh (người thứ 4)

Sau quá trình công thu phục Ya Duck, ta tổ chức 7 chuyến câu nhử nữa, bắt thêm hơn 60 sĩ quan cầm đầu, gần như làm tê liệt hệ thống tổ chức, chỉ huy của Fulro; gọi về hàng ngàn tên, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề Fulro, chấm dứt cuộc đấu tranh với Fulro ròng rã 17 năm trời (1975 – 1992) trên đất Tây Nguyên. Anh Linh cho rằng lực lượng Fulro chủ yếu là người thiểu số Tây Nguyên, vì thiếu hiểu biết mà bị lợi dụng, do đó bằng mọi giá phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cài bẫy bắt sống, cảm hóa để đưa họ về với cuộc sống an lành trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và hạn chế tổn thất xương máu cho cả hai bên.

Chuyên án F101 được đánh giá là chuyên án lớn nhất, thành công nhất, là huyền thoại về chiến công của công an trong cuộc đấu tranh với Fulro. Thế nhưng một số người lại dựng lên những chuyện “động trời” về Đại tá Vũ Linh trong quá trình đánh án khiến ông phải chịu nhiều oan trái. “Cái nghề của anh Linh là dụ địch, dùng địch, lợi dụng địch để đánh địch… Đó là chiến lược, là sách lược của người chỉ huy, của người làm nghề tình báo, chứ không phải như một số người dựng chuyện không đâu, lũng đoạn nội bộ gây oan khuất cho anh ấy”, thiếu tướng Bùi Minh Hớn từng khảng khái.

Sau khi về hưu, Tướng Hớn là Ủy viên BCH T.Ư Hội Cựu chiến binh (phụ trách địa bàn Tây Nguyên). Chất lính trong ông vẫn hừng hực, vẫn “quân lệnh như sơn”, nói là làm và không chùn bước trước cái xấu. Có lần, khi đi kiểm tra cơ sở, phát hiện chính quyền địa phương có sai trái, ông quyết làm cho ra nhẽ để đòi lại công bằng cho hội viên và các hộ nghèo. Ông đã cùng một số tướng lĩnh lên tiếng đề nghị minh oan cho đại tá Vũ Linh. Thế nhưng việc chưa thành thì hai cụ vừa mất vì những căn bệnh của người già tại TP Đà Lạt, chỉ cách nhau vài ngày.

Có thể ở thế giới bên kia, hai cụ lại sát cánh cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và luôn không khoan nhượng với cái ác, cái xấu…

Sau khi về hưu, Tướng Hớn là Ủy viên BCH T.Ư Hội Cựu chiến binh (phụ trách địa bàn Tây Nguyên). Chất lính trong ông vẫn hừng hực, vẫn “quân lệnh như sơn”, nói là làm và không chùn bước trước cái xấu.

 

Theo Tienphong

Video hay


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”