Hai cha con thấy ông lão có vẻ kỳ lạ nên vội đuổi theo, đuổi được không xa thì nghe thấy âm thanh rúng động, bụi bay tứ tung,… tất cả phía sau đều bị chôn vùi…
Ở Ninh Hạ, Trung Quốc, có một tàn tích thành phố cổ tại thôn Tỉnh Nguy (còn gọi là ‘thôn Tỉnh Ngộ’), thị trấn Miếu Thai, quận Huệ Nông, thành phố Thạch Chủy Sơn,. Theo truyền thuyết địa phương, nơi đây chính là một thành phố nổi tiếng của Tây Hạ trong lịch sử có tên là Thành Tỉnh Nguy. Vào thời điểm đó, nước Tây Hạ dùng nó như một thành trì quân sự để chiến đấu chống lại quân Liêu và Kim. Cuốn ‘Càn Long Ninh Hạ phủ chí – Di tích lịch sử’ có ghi: “Thành Tỉnh Nguy, dưới chân núi Tỉnh Nguy, do Tây Hạ xây dựng, cách 140 dặm về phía Tây Nam.”, ‘Núi Tỉnh Nguy’ chính là núi Họa Thạch hiện nay ở Trung Quốc.
Theo ‘Tây Hạ thư sự’ do học giả Ngô Quảng Thành thời nhà Thanh biên soạn: ” Năm Tống Thiên Thánh thứ hai (1024 sau Công Nguyên), vào tháng 2 mùa xuân, Hạ quốc công Đức Minh cho xây Thành Tỉnh Nguy ở Định Châu”, “Định Châu” là phần phía Bắc của Ngân Xuyên ngày nay.
Trong những năm 1960 và 1970, các chuyên gia đã thực hiện hai cuộc khai quật khảo cổ tại đây, kết quả khẳng định đây là thành trì của Tây Hạ. Nơi đây sau đó trở thành địa điểm di tích văn hóa trọng điểm trong thế kỷ 21 được bảo vệ của Trung Quốc.
Vậy thành phố này vì sao lại hoang phế? Tất cả các ghi chép lịch sử đều không chỉ rõ. Ví dụ, trong cuốn ‘Minh – Nhất thống chí’ và ‘Sóc vạn chí’ có ghi lại: “Thành phố hoang tàn Tỉnh Nguy ở Hà Đông, chưa biết rõ nguyên nhân” . Nhưng người dân sống ở khu vực này từ lâu đã lưu truyền về quá trình thành phố này bị hủy diệt.
Hai cha con thoát nạn nhờ đuổi theo người bán táo, lê
Họ kể lại rằng vào thời Tây Hạ, có một gia đình ở thành Tỉnh Nguy, con trai đi làm ăn xa, con dâu ở nhà hầu hạ bố mẹ chồng. Mặc dù con dâu hết sức hiền lương hiếu thuận, nhưng vẫn bị mẹ chồng dùng mọi cách gây khó khăn để mắng chửi. Bố chồng tâm địa hiền lành nhìn thấy cảnh này không nở nên thường xuyên thuyết phục mẹ chồng nhưng bà chẳng nghe chút nào.
Một hôm, khi cô con dâu đang gánh nước vào buổi sáng, thì nhìn thấy một ông lão râu tóc bạc trắng. Ông lão xách cái giỏ vừa đi vừa hô lớn, “zǎo lí, zǎo líle” (có nghĩa là: ‘táo lê, táo lê đi’ hoặc ‘rời khỏi đây sớm, rời khỏi sớm đi’). Nhưng vì ông đang cầm trên tay cái giỏ nên ai cũng nghĩ là ông đang bán quả táo và lê, người trên đường không ai quan tâm và để ý đến ông.
Cô con dâu gánh nước về nhà định đổ vào thùng chứa thì nhìn thấy bố chồng, cô nói: “Bố, lúc con đi gánh nước có gặp một ông lão râu tóc bạc trắng rất kỳ quái, mới sáng sớm đã rao bán táo, lê. Bố chồng nghe xong trong tâm hiện lên cảm giác kỳ lạ
khó tả, nghĩ rằng ông lão kia chắc không phải người thường, như có một thế lực mạnh mẽ nào đó thôi thúc ông tìm hiểu rõ việc này. Đây có thể chính là ‘Giác quan thứ sáu’ hoặc ‘Trực giác’ mà người hiện đại thường nhắc đến. Ông liền hỏi lại: Ông lão đó ở đâu? Mau đưa bố đến xem! Cô con dâu đổ nước vào thùng chứa, rồi dẫn bố chồng đến chỗ lúc nãy ông lão xuất hiện.
Khi hai cha con vừa đến nơi thì ông lão đã xách giỏ bước ra khỏi thành, vẫn vừa đi vừa hô to “zǎo lí, zǎo líle”. Cả hai nhanh chóng đuổi theo ông già râu trắng. Nhưng kỳ lạ là rõ ràng thấy ông lão cách đó không xa nhưng dù đuổi thế nào cũng không thể theo kịp. Cả hai lúc này mới tin rằng ông lão không phải người bình thường nên càng tăng tốc đuổi theo.
Hai cha con đuổi theo ông lão ra khỏi thành Tỉnh Nguy không bao xa thì đột nhiên, mặt đất rung chuyển dữ dội, trong phút chốc bụi mù nổi lên bốn phía, âm thanh tựa như trời long đất lở, toàn bộ thành Tỉnh Nguy sụp đổ chìm xuống đất. Một thành phố đang yên đang lành trong nháy mắt biến thành phế tích, ngoại trừ một già một trẻ chạy theo ông lão râu trắng ra khỏi thành, thì tất cả những người trong thành đều chết hết.
Nhìn thành Tỉnh Nguy đổ nát phía sau, lúc này 2 cha con mới bừng tỉnh hiểu ra, ông lão kia vốn không phải bán táo lê gì, mà là muốn dùng từ đồng âm để cảnh báo mọi người hãy mau rời khỏi đó sớm vì tai họa sắp xảy đến. Đáng tiếc, cả thành phố không ai quan tâm đến ông lão, và cũng không ai hiểu được huyền cơ bên trong lời hô lớn của ông. Sau đó hai cha con này đem sự việc về ông lão lưu truyền lại, mong muốn thế hệ mai sau không lặp lại những sai lầm tương tự.
Vì không hiểu được ý tứ của lời cảnh báo mà nhiều người trong thành phải bỏ mạng, nên người đời sau đổi tên Thành Tỉnh Nguy thành Thành Tỉnh Ngộ để các thế hệ mai sau nhớ mãi bài học này. Vì vậy Thôn Tỉnh Nguy này sau còn có tên gọi khác là Thôn Tỉnh ngộ. Vào giữa những năm 1980, khi thẻ căn cước thế hệ đầu tiên được phổ biến ở Trung Quốc, thì trên thẻ căn cước của dân làng vẫn ghi là “Thôn Tỉnh Ngộ, thị trấn Miếu Thai, quận Huệ Nông, thành phố Thạch Chủy Sơn.”
Thật ra trong lịch sử, trước khi các đại tai nạn phát sinh sẽ luôn có Thần linh hoặc người tu luyện đến cứu người, nhưng thường thì không thể nói rõ, chỉ có thể dùng nhiều phương pháp kể cả đồng âm để điểm hóa hay gợi ý cho con người. Có thể cứu được hay không thì phải xem người này có ngộ ra hiểu và tin hay không. Trong sự tích của Thành Tỉnh Nguy, người trong thành không nhận ra điểm hóa của người đến cứu, nên cuối cùng chỉ có rất ít người sống sót và truyền lại những bài học của lịch sử từ đời này sang đời khác.
Theo Secret China