Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

14:07 | 04/12/2024

Sau phản ánh của Văn hiến Việt Nam về những sai phạm tại Di tích Văn hóa Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), UBND huyện Thạch Hà đã tiến hành họp và ra thông báo kết luận khẳng định nhiều sai phạm tại ngôi Đền này.  

Mới đây, UBND Thạch Hà kết luận có nhiều sai phạm diễn ra tại Di tích Lịch sử, Văn hóa Đền Truông Bát. Không chỉ buông lỏng trong công tác quản lý, giao khoán “trọn gói” cho Thủ nhang, vượt quá thẩm quyền mà UBND huyện Thạch Hà còn khẳng định, tại khu di tích này chưa làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với Di tích, chưa lập quy hoạch chi tiết các hạng mục tại Di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tấm biển chỉ dẫn vào di tích không chỉ chứa nội dung phản cảm mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định về quảng bá và giới thiệu di tích.

Khẳng định nhiều sai phạm tại Đền Truông Bát

Thời gian qua, Văn hiến Việt Nam đã có loạt bài phản ánh những dấu hiệu sai phạm tại Di tích Đền Truông Bát. Qua tìm hiểu của Phóng viên, tại khu Di tích này có rất nhiều sai phạm, cụ thể như: Buông lỏng quản lý việc thu chi ở Đền; giao khoán cho Thủ nhang tự thu tự chi, tự quản lý; xây dựng không có quy hoạch, vượt diện tích; tự ý cơi nới xây dựng trên đất đồi.v.v…

Sau bài viết chỉ ra các dấu hiệu sai phạm nêu trên, ngày 29/11/2024, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành văn bản số 471/ TB-UBND, “Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tại cuộc họp ngày 25/11/2024 về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và hoạt động tại Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Truông Bát, xã Ngọc Sơn”.

Một hạng mục công trình được xây dựng không phép tại Đền Truông Bát sau khi Di tích được xếp hạng.

Tham dự cuộc họp có Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các phòng chuyên môn: Quản lý Văn hóa, Thanh tra thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện, Lãnh đạo các phòng chuyên môn UBND huyện và lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn, Ban Quản lý di tích và gia đình ông Ngô Thanh Cẩn là Thủ nhang Đền Truông Bát.

Cuộc họp này đã đi đến kết luận trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về Di sản văn hóa tại Đền Truông Bát đã xẩy ra một số tồn tại, hạn chế như sau:

“UBND xã Ngọc Sơn chưa kịp thời làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích, chưa lập quy hoạch chi tiết các hạng mục tại di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mặc dù đã thành lập Ban Quản lý di tích, tuy nhiên Ban Quản lý chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, còn buông lỏng công tác quản lý, giao khoản cho Thủ nhang quản lý, vượt quá thẩm quyền, trách nhiệm”.

Với kết luận như vậy và để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý tại di tích, UBND huyện Thạch Hà đã giao UBND xã Ngọc Sơn triển khai ngay các giải pháp: Kiện toàn Ban Quản lý di tích; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động Ban Quản lý, quy chế quản lý tài chính, tài sản. Ban Quản lý thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ ngay từ ngày 03/12/2024.

Ngoài ra, UBND huyện Thạch Hà còn yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm túc việc quản lý thu, chi tài chính và tiền công đức, tài trợ cho Di tích theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC, ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 19/3/2023 và hướng dẫn của cấp trên; Tổ chức kiểm kê tài sản, tài chính theo quy định.

Đồng thời UBND huyện yêu cầu triển khai khẩn trương các thủ tục cấp đất và quy hoạch chi tiết đối với di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và quản lý di tích; Chấn chỉnh ngay những sai phạm, hạn chế nêu trên, tuyệt đối không được để phát sinh sai phạm khác.

Cần xử lý nghiêm minh những sai phạm 

Sau thông tin của Văn hiến Việt Nam phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc thanh tra kiểm tra và ban hành thông báo kết luận chỉ ra những sai phạm tại ngôi đền này. Ngoài việc chấn chỉnh các nội dung tồn tại và hạn chế, dư luận đặt ra yêu cầu cần sự vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm minh những sai phạm nêu trên đã diễn ra nhiều năm nay, trả lại môi trường văn hóa lành mạnh, hoạt động đúng với các quy định của pháp luật.

Trong buổi làm việc với phóng viên Văn Hiến Việt Nam, lãnh đạo xã Ngọc Sơn, đồng thời là thành viên Ban Quản lý Di tích, đã thừa nhận các vi phạm kéo dài liên quan đến việc thu chi tài chính tại đền Truông Bát. Ban Quản lý đã buông lỏng, để cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn tự ý quản lý và nộp 230 triệu đồng mỗi năm theo hình thức ‘khoán gọn’…

Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Văn hiến Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Hà, ông cho biết: “Sáng nay, (03/12) đoàn công tác do Thanh Tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng huyện Thạch Hà đã có buổi làm việc với UBND xã Ngọc Sơn, Ban quản lý và Thủ nhang Đền Truông Bát. Tại buổi làm việc đoàn chúng tôi cũng đã giao trách nhiệm xử lý tồn tại hạn chế trong suốt quá trình quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Đền. Chính quyền xã Ngọc Sơn cũng đã thừa nhận những tồn tại, khuyết điểm trước các sai phạm nêu ra và tập trung thực hiện các nhiệm vụ như; hoàn tất thủ tục cấp phép đất đai, quy hoạch… thuê nhà tư vấn quy hoạch các hạng mục di tích trình các cơ quan chức năng phê duyệt; đồng thời hợp đồng lại công tác thủ nhang theo quy định hướng dẫn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch”.

Vấn đề đặt ra lúc này là vì sao một Di tích Lịch sử, Văn hoá cấp tỉnh đã được xếp hạng năm 2011 đến nay, đã đưa vào khai thác sử dụng, thậm chí “giao khoán trọn gói” cho 1 cá nhân và thu ngân sách về địa phương, nhưng Di tích này lại hoàn toàn không có hồ sơ cấp đất, không có quy hoạch xây dựng được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, nhưng vẫn tự ý san núi, bạt rừng, đốn cây trên diện tích hàng trăm ha… nhằm xây dựng nhiều hạng mục kiên cố trong nhiều năm nhưng không bị xử lý? Trách nhiệm thuộc về ai? Đơn vị cá nhân nào? Dư luận cần được biết và có hình thức xử lý cụ thể đối với những sai phạm kéo dài này?

Liên quan đến vấn đề “Mượn hoa cúng Phật” bằng việc “mạo nhận” là nơi “thờ Thân mẫu Quan Hoàng Mười”, làm sai lệch hoàn toàn nhân vật sự kiện lịch sử, có dấu hiệu “buôn Thần, bán Thánh”; rất đông độc giả khắp cả nước đã phản hồi về Tòa soạn Văn hiến Việt Nam thể hiện sự bất bình và mong muốn được làm sáng tỏ, nhằm trả lại sự uy nghiêm nơi đền chùa của văn hóa tâm linh người Việt.

Đối với việc “mạo nhận” này, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thạch Hà cho biết: “Việc lấy danh Thân mẫu Quan Hoàng Mười để gắn vào di tích Đền Truông Bát là việc làm sai. Theo hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2011, đây được gọi là Đền Truông Bát, nơi thờ Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa (Tên thật là Phạm Thị Thoả) quê ở huyện Đỗ Gia, nay thuộc phần đất của huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Bà có chồng tên là Nguyễn Duy Lạc, sống vào thế kỷ XV, một giai đoạn lịch sử biến động của dân tộc Việt Nam​. Bà là người có công lớn trong việc giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho đất nước”.

Tại buổi làm việc với xã Ngọc Sơn, Ban quản lý Đền và Thủ nhang, chúng tôi đã yêu cầu gỡ bỏ ngay các biển bảng cũng như các tài liệu in ấn có liên quan đến nội dung “Đền thờ Thân mẫu Quan Hoàng Mười”, vì đây chính xác là nơi thờ tự Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa. Đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu tháo dỡ ngay tấm biển cắm tại đường tỉnh lộ chỉ dẫn vào Đền, vì nội dung ghi trên tấm biển “Đền Truông Bát thờ Lộc Hoa Công Chúa đạt nghi lễ thờ tam, tứ phụ đạo Mẫu Việt Nam,  do chủ tịch tổng thư ký Unesco công nhận” là sai thực tế và yêu cầu làm lại biển “Đền Truông Bát thờ Lộc Hoa Công Chúa – Di tích Văn hoá, Lịch sử cấp tỉnh”. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Thay lời kết

Như vậy, sau khi Tạp chí Văn hiến Việt Nam có loạt bài phản ánh về sai phạm tại Di tích, chính quyền địa phương đã bước đầu vào cuộc và có kết luận những sai phạm tại Di tích này, đồng thời có chỉ đạo nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên: vấn đề đặt ra ở đây là những sai phạm nghiêm trọng khác chưa được mổ xẻ một cách cụ thể, như việc thu chi tài chính đã có dấu hiệu “chế biến” hồ sơ, đặc biệt trong môi trường văn hóa lại để tình trạng vi phạm nghiêm trọng theo kiểu: “Sinh con rồi sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” (Tục ngữ Việt Nam – PV), đó là  toàn bộ khu vực Di tích đã được xây dựng, đi vào tổ chức hoạt động thu tiền của du khách thập phương, diễn ra kéo dài nhiều năm nay nhưng lại chưa hề được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chưa có quy hoạch xây dựng của cấp có thẩm quyền phê duyệt… Đây là những vi phạm không thể chấp nhận trong môi trường văn hóa, đặc biệt trong khi văn hóa du lịch tâm linh đang phát triển mạnh như ngày nay.

Văn Hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất xung quanh Di tích Lịch sử – Văn Hoá Đền Truông Bát này.

Ngọc Trâm – Trần Hoàng


Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI