Hà Tĩnh: 55 năm chiến tích làng K130 huyền thoại

9:32 | 13/08/2023

55 năm (1968 – 2023) đã trôi qua, nhưng hình ảnh trong đêm 13/8/1968 xóm Hạ Lội tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe qua vẫn luôn trong kí ức của người dân nơi đây.


Thời gian đã xóa nhòa các hố bom thay bằng những thảm cỏ non xanh tươi, đung đưa trong gió. Di tích Miệu Mướp đã được phục hồi ngay trên nền đất mà 130 ngôi nhà đêm 13/8/1968 phải tháo dỡ lát đường cho xe qua. Một khu phố văn minh, yên bình đã được mọc lên trên chính mảnh đất một thời là tọa độ lửa của bom rơi, đạn lạc.

Vị trí bến phà dã chiến làng K130 năm 1968

Từ xóm Hạ Lội… đến làng K130
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đường tỉnh lộ, quốc lộ: 1A, 15A, 8A… cùng với nhiều địa danh: Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Cầu Nhe, Cung đường 21, Cống 19, Cầu Địa Lợi, Cầu Roong, Phà Linh Cảm… đã trở thành những “tọa độ lửa”. Hàng ngàn chiếc xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào miền Nam buộc phải di tản, nép mình vào bìa rừng, ven làng từ Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc chờ đêm đến để hành quân tiếp. Đoạn đường qua xóm Hạ Lội, xã Tiến Lộc (nay là Tổ dân phố K130, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) trước đây nằm giữa ba bề ruộng nước, địa hình thấp trũng, gần Cầu Già, là điểm giao thông huyết mạch đường sông, đường quốc lộ 1A nối liền Bắc – Nam. Xác định được tầm quan trọng của vị trí này, đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng gồm máy bay, tàu chiến các loại, ngày đêm bắn phá hòng cắt đứt huyết mạch giao thông của quân và dân ta chi viện lương thực, thực phẩm và vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Tác giả ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Chương, 92 tuổi đời, 69 tuổi Đảng

Ông Nguyễn Văn Chương, 92 tuổi đời, 69 tuổi Đảng hồi tưởng kể: “Những tháng cuối năm 1968, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, Quốc lộ 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị phá huỷ hoàn toàn. Trước tình hình đó, nhận được lệnh của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông họp bàn mở khẩn cấp một con đường xế, làm phà vượt sông để cho xe tránh Quốc lộ 1A đoạn từ Cổ Ngựa đến Cầu Già. Tại xóm Hạ Lội, chủ trương đó đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ. Với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc”, ông Lê Bá Kiên là người xung phong dỡ nhà trước, tiếp đến bà Đinh Thị Trí (hồi đó 69 tuổi), hiến bộ ván hậu sự mới mua, rồi đến hàng chục, hàng trăm gia đình lần lượt tự dỡ nhà để lát đường, làm phà. Chỉ trong 8 tiếng đồng hồ đêm ngày 13/8/1968, tuyến đường xế dài 1,2km cùng bến phà đã được bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân làm xong. Chiếc xe ô tô đầu tiên chở xăng, lương thực và đạn dược chuyển bánh trên đường xế rồi xuống phà qua sông an toàn trong sự vui mừng xúc động của nhân dân và bộ đội.

Từ đêm đó trở đi, hàng đoàn xe nối nhau qua đường xế, qua phà, vận chuyển hàng hoá ra tiền tuyến một cách an toàn, không còn ùn tắc, sa lầy như trước… Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân trong một đêm dỡ 130 ngôi nhà làm đường xế, làm phà cho xe chở hàng ra tiền tuyến, tỉnh Hà Tĩnh đặt tên xóm Hạ Lội là làng K130, và chiến dịch vận chuyển này là chiến dịch K130”.

Theo hồ sơ lưu trữ của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh về Di tích lịch sử quốc gia làng K130: Trong cuộc kháng chiến, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có xóm Hạ Lội gần 19.000 quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, nhiều công trình phúc lợi dân sinh bị phá hủy hoàn toàn… Gia đình ông Chung Huấn ở xóm Hạ Lội bị bom ném trúng, 4 người thiệt mạng tại chỗ, trong đó có vợ ông Chung đang mang thai.

Nhân dân xóm Hạ Lội tháo dỡ nhà làm đường xế năm 1968

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Đi trên những con đường nhựa, đường bê tông nhẵn bóng, trong gió chiều mùa thu thổi lên từ cánh đồng lúa xanh tốt mát dịu, ông Nguyễn Văn Tiến – Bí thư Chi bộ Đảng và ông Trần Văn Hiền – Tổ trưởng Tổ dân phố K130 vui mừng chia sẻ với chúng tôi: Ghi nhớ sự đóng góp của nhân dân xóm Hạ Lội với sự kiện 130 ngôi nhà làm đường cho xe ra tiền tuyến, năm 2006, Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định xếp hạng làng K130 là Di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc đã đầu tư xây dựng di tích giai đoạn 1 với các hạng mục: Nhà lưu niệm gắn với khuôn viên nhà văn hóa Tổ dân phố K130 có diện tích rộng khoảng 20.000m2 với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Đường trục chính dẫn vào làng làm theo đúng con đường ngày xưa cha ông tháo dỡ nhà lát đường rộng 7m, thảm nhựa. Hiện Tổ dân phố K130 có 342 hộ, 1320 nhân khẩu. Hoạt động của Chi bộ Đảng, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… hàng năm được xếp loại xuất sắc. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đều được nhân dân hưởng ứng tích cực, đạt kết quả tốt. Kỷ niệm 55 năm chiến tích làng K130 (13/8/1968 – 13/8/2023), thời gian qua đã có nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm chiến tích làng K130.

Di tích Miệu Mướp đã được phục hồi, ngay trên nền đất mà 130 ngôi nhà đêm 13/8/1968 phải tháo dỡ lát đường cho xe qua

Qua xem các hiện vật, hình ảnh cảnh dỡ nhà lát đường cho xe qua trong nhà truyền thống, đặc biệt được gặp và trò chuyện với các ông Phan Tiến Lự, Nguyễn Văn Chương… trên 90 tuổi – nhân chứng lịch sử sống, chúng ta thêm quý trọng, biết ơn công lao nhiều thế hệ trước trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là ý chí, niềm tự hào “ý Đảng, lòng dân” ăn sâu vào máu thịt mỗi người cán bộ và người dân…

Sau khi tham quan di tích, nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước nên đặt ở đây một tấm bia ghi chiến tích làng K130; khôi phục lại bến thuyền Miệu Mướp; xây dựng cổng và đấu nối đường chính vào nhà truyền thống (hiện đang đi nhờ đường nhà văn hóa Tổ dân phố K130); làm tiếp 400m đường xuống bến phà; cấp kinh phí thuê bảo vệ để ngày đêm trong coi hiện vật, quét dọn vệ sinh cho khu di tích. Điều mong muốn của chính quyền, người dân Tổ dân phố K130 là cần có một giải pháp để người dân nơi đây được dùng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

Du khách đến xem hình ảnh, hiện vật nhà truyền thống K130

Thiết nghĩ, những mong muốn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tổ dân phố K130 là hoàn toàn hợp lý, phản ánh đúng thực tế của Di tích lịch sử quốc gia làng K130, cần sớm được tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc quan tâm đầu tư xây dựng để K130 xứng tầm là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hiện nay và sau này.

Quốc Tuấn (Hội Nhà báo Hà Tĩnh)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/55-nam-chien-tich-lang-k130-huyen-thoai-post260145.html

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào