Huyện Thanh Oai kiến nghị TP Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết các đề án quy hoạch và tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2028 huyện được công nhận thành quận.
Chiều nay (23/3), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Huyện uỷ Thanh Oai về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Nguyên Hùng nêu 6 kiến nghị, nhóm kiến nghị tập trung về quy hoạch, đầu tư xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất…
Đáng chú ý, huyện kiến nghị TP cho phép lập quy hoạch chi tiết các đề án quy hoạch và tổ chức thực hiện, phấn đấu đến năm 2028, huyện được công nhận thành quận.
Huyện kiến nghị TP cho phép UBND huyện lập quy hoạch, nghiên cứu xây dựng sân golf quy mô khoảng 200ha tại vùng bãi ven sông Đáy; quy hoạch trụ sở huyện, bãi đỗ xe, khu chợ đêm, các khu nông nghiệp sinh thái, đô thị văn minh trong “vành đai xanh”…
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, huyện Thanh Oai có nhiều tiềm năng phát triển thuận lợi nhờ vị trí địa lý; đất đai rộng lớn, màu mỡ; dân số đông, người dân chăm chỉ, sáng tạo; có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với nhiều di tích có giá trị; có 51 làng nghề với nhiều sản phẩm ấn tượng…
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Hà Nội yêu cầu Huyện ủy Thanh Oai tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề đất dịch vụ trong năm nay; xử lý triệt để các sai phạm trong sử dụng đất, nhất là trên đất nông nghiệp; rà soát các khu đất xen kẹt, tập trung chỉnh trang đường giao thông, trồng cây xanh tạo cảnh quan…
Lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh, huyện cần rà soát lại định hướng phát triển, trong đó chú trọng tái cơ cấu và đẩy mạnh đầu tư khoa học, công nghệ vào nông nghiệp; phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế nông thôn và phát triển hợp tác xã kiểu mới…
Bí thư Thành ủy chỉ ra rằng, Hà Nội là Thủ đô, TP hiếm hoi trên thế giới có 1.350 làng nghề. Đây là tài sản rất quý giá. Do đó, chủ trương chung là phải tập trung phát triển làng nghề, gia tăng nguồn thu cho người dân và TP. Để làm được, đòi hỏi sự quan tâm, chung tay thực hiện của các quận, huyện, thị xã, trong đó có Thanh Oai.
“Nếu những huyện như Thanh Oai không sớm có đề án phát huy giá trị của làng nghề, của di tích trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội là có lỗi với tương lai”, ông Vương Đình Huệ nói.
Bí thư Hà Nội lưu ý, huyện phải đặc biệt chú ý chuyển đổi cơ cấu lao động, xây dựng chương trình cụ thể để tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đồng thời phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại; trước mắt có thể thu hút đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp sớm hình thành một trung tâm thương mại trên địa bàn…
Trên cơ sở hỗ trợ của các sở, ngành, huyện cần sớm hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở để đầu tư, phát triển và quyết tâm phấn đấu trở thành quận sinh thái vào năm 2030.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ.
Theo quyết định, ông Bùi Hoàng Phan, SN 1969, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thôi giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm nhiệm kỳ 2020-2025, đến nhận công tác tại huyện Thanh Oai, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Quyết định 241/QĐ-TTg ban hành ngày 24/2/2021, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Hà Nội có 5 huyện gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.
Đến nay, 5 huyện này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án đầu tư, xây dựng huyện trở thành quận.
Theo Vietnamnet