Sáng nay (22/4), Tp. Hà Nội khởi công Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, quy mô bao gồm tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng.
Theo Kinh tế đô thị, dự án được cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu từ năm 2012. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng, đến nay Dự án mới chính thức ấn định được thời điểm khởi công, dự kiến được thực hiện trong 4 năm.
Theo VnExpress, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy; điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn tuyến xấp xỉ 5,1km; với các hạng mục: Cầu chính (bề mặt 19 mét), cầu dẫn (bề mặt 7 mét) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.
Đoạn tuyến đi bằng sẽ có chiều dài trên 3km; điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng ra từ 53,5 – 63,5 mét với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 – 6 mét. Dải phân cách giữa rộng 4 mét sẽ dùng làm nơi bố trí trụ đường Vành đai 2 trên cao.
Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Tổng vốn đầu tư là hơn 9.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.000 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng 3.000 tỷ và các chi phí khác.
Để thu hồi vốn, nhà đầu tư được khai thác 96 hécta đất tại khu Sài Đồng A, quận Long Biên; nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện dự án khu đô thị mới trên khu đất 130 hécta tại các xã Tân Hội, Liên Trung (huyện Đan Phượng); bổ sung quỹ đất 291 hécta ngoài đê sông Đuống (quận Long Biên và huyện Gia Lâm) để thực hiện sân golf Sông Đuống; và các quy đất khác do thành phố xác định, theo Dân Trí.
Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài 43,6km. Đường chạy qua các điểm khống chế sau: Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Ngã Tư Vọng – Trường Chinh – Ngã Tư Sở – Láng – Cầu Giấy – Bưởi – Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Đông Hội – cầu chui Gia Lâm – khu công nghiệp Hanel – Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên đường vành đai 2 là cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù. |
Tổng hợp