GS Vũ Khiêu – Người của cõi trăm năm

10:52 | 02/10/2021

Thế là đến mùa xuân 2015, GS Anh hùng Vũ Khiêu bước vào tuổi bách niên và đã thành người của “cõi trăm năm”. Nhưng nhìn cách ông sống và làm việc, ít ai nghĩ Vũ Khiêu đã thuộc về cái cõi huyền thoại này. Vóc dáng lực lưỡng, đôi mắt tinh anh, bước đi nhanh nhẹn, nụ cười tươi sáng, giọng nói rành rọt âm vang, lịch làm việc tiếp khách dày đặc, hôm nay ở Hà Nội, ngày mai đã về thăm Bình Định, tuần này ở Hòa Bình, tuần sau đã ở Đà Lạt, tháng trước về Nam Định, tháng sau tới Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Vũ Khiêu đang sống, làm việc và tận hưởng cuộc đời thực với sự cường tráng, khôn ngoan và minh mẫn lạ thường, như một người không biết đến giới hạn của thời gian, tuổi tác…


Cuối tháng 10 năm 2014 vừa qua, cái tin GS Vũ Khiêu, ở tuổi 99, đã đoạt giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc vận động sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định” do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức, đứng trên hai nhà thơ thế hệ chống Mỹ Dương Trọng Dật và Lê Quang Trang, hai tác giả đoạt giải Ba, đã làm mọi người kinh ngạc. Hóa ra, bậc trưởng lão của giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở ngưỡng cửa tuổi trăm năm không hề coi mình là kẻ bề trên mà vẫn sẵn sàng tham gia thi thố bình đẳng với các bạn trẻ hậu sinh trong một cuộc thi văn chương với mong muốn đoạt giải cao cũng như sẵn sàng chấp nhận thất bại. Cái thật đáng quý ở GS anh hùng Vũ Khiêu là niềm vui sống hồn nhiên như thế ở một con người được coi là đạo cao đức trọng.

Ông sẵn sàng làm tất cả những gì mà cuộc đời cần và ông còn có thể đóng góp: biên soạn sách, làm văn bia về truyền thống dân tộc cách mạng, viết lời giới thiệu cho một tập sách, đi thăm thú động viên một cơ sở khoa học, nghệ thuật, kinh tế, một làng quê, viết lời giới thiệu cho một tác giả trẻ, viết bài đề cao thành tựu mới của một nhà khoa học lão thành, đặt tên cho một đứa trẻ, làm câu đối động viên một văn nghệ sĩ, một lãnh đạo, một doanh nhân…, chẳng nề hà chuyện lớn nhỏ cao thấp hay thiên hạ đàm tiếu thế nào. Niềm vui lớn nhất của Vũ Khiêu là lúc nào cũng thấy học vấn, trí tuệ, tài năng sáng tạo của mình có ích cho cuộc đời, có ích cho mọi người.

Chẳng thế mà bậc học giả giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996, cây đại bút của hàng chục bộ sách tầm cỡ như Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật, Bàn về văn hiến Việt Nam, Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hóa, Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Văn hiến Thăng Long… hiện vẫn miệt mài đọc, dịch, nghiên cứu, sáng tác không ngơi nghỉ. Trong buổi lễ mừng thượng thọ 98 tuổi của ông tổ chức tại Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2013, Vũ Khiêu từng hào hứng tuyên bố: “Trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của Trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó”.

Vị GS Anh hùng này đã nói là làm, ông nhanh chóng khởi động những công trình hằng tâm đắc nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được trước đây như các công trình về Nho giáo, Phật giáo, nhất là Phật giáo đại thừa và về văn học cổ Việt Nam, những công trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, với niềm tin rằng bây giờ ông vẫn đủ thời gian để hoàn thành.

Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Khiêu trang trọng treo trong căn phòng làm việc ở nhà ông một chữ “trí” thật to đẹp, ở dưới là câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri” (con người sinh ra đã khao khát tri thức, học hành là để có tri thức, rồi khốn khổ cũng vì tri thức). “Trí” là mục tiêu phấn đấu trọn đời của ông, là công việc hàng ngày của ông, bất chấp mọi trở lực chủ quan và khách quan. Nhưng với GS Vũ Khiêu, mục tiêu cuộc đời không chỉ có một chữ “trí” và chữ “trí” chỉ đẹp khi đi kèm với chữ “tâm”. Ai cũng biết, GS Vũ Khiêu đã từng bị “lên bờ xuống ruộng” thế nào vì chữ “trí”, chữ “tâm” trong quá khứ và sự trọng vọng lớn mà ông có được hiện nay từ lãnh đạo Đảng nhà nước, bạn bè đồng nghiệp và nhân dân khắp nơi trong cả nước chính là vì ông là một trí thức trung thành, bền bĩ phấn đấu theo vẻ đẹp của hai chữ “trí”, “tâm”.

Vũ Khiêu còn được mến mộ vì ông không hề là một học giả “tháp ngà” hay “nô bộc” mà là một học giả tôn trọng cuộc sống, một học giả cách mạng phóng khoáng. Ở nước ta, ông được xem là GS hàng đầu của hàng loạt lĩnh vực khoa học xã hội như triết học, mỹ học, xã hội học, văn hóa học…nhưng các công trình của ông trong các lĩnh vực này không bao giờ là những lý luận giáo điều, tư biện mà là những gì đã được kiểm nghiệm trong cuộc sống, phong phú và tươi xanh như cuộc sống.

Đối với Vũ Khiêu, khoa học xã hội không phải là cái gì xa xôi, cao siêu mà thực ra rất gần gũi quen thuộc bởi là những điều được khám phá tổng kết từ chính cuộc sống con người. Cuốn Đẹp hơn 50 năm trước của ông bị phê phán kịch liệt do đã tiếp cận được lý luận mỹ học tiên tiến của nhà mỹ học lỗi lạc người Hungari Lucas, nhận diện cái đẹp trên cơ sơ chân thiện mỹ của cuộc sống, vượt qua mọi rào cản giả dối, bất cập của ý thức hệ. Gần đây, công trình nghiên cứu về kẻ sĩ, trí thức Việt Nam trong lịch sử của Vũ Khiêu cũng bị kêu ca vì đã hết lời ca ngợi phẩm chất độc lập, bất khuất và ý thức chủ động chấp nhận số phận “đa ưu hoạn” vì dân vì nước đã trở thành một truyền thống đẹp của giới trí thức Việt Nam. Nhưng đó lại là những “điểm ngời sáng” đáng tự hào trong cuộc đời khoa học của Vũ Khiêu.

Đã 20 năm nay, ngoài nghiên cứu khoa học, GS Vũ Khiêu còn là người viết phú, câu đối, các bài minh trên chuông khánh, văn tế, văn bia, chúc văn…rất nổi tiếng. Không phải là người có vốn chữ Hán và văn học cổ uyên thâm, nhưng do rất chịu mày mò nghiên cứu học hỏi, Vũ Khiêu đã nhận thấy giá trị to lớn của các thể văn biền ngẫu cổ và quyết làm sống lại nó trong cuộc sống hiện đại. Hàng trăm áng văn của Vũ Khiêu thuộc các thể văn này đã ra đời và rất được yêu thích.

Cuối năm 2010, Vũ Khiêu đã tự bỏ tiền túi ra in cuốn sách Trường Sơn máu lửa, vạn đại anh hùng tập hợp các áng văn về đề tài Trường Sơn và anh hùng liệt sĩ của ông và tặng hàng vạn bản cho các nghĩa trang, các đền thờ, các di tích liên quan đến anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khắp 63 tình thành trong cả nước. Có thể các áng văn cổ thể của Vũ Khiêu không phải bài nào cũng hay, các nhà Hán học vẫn có thể bắt bẻ ông nhiều chỗ về chữ nghĩa niêm luật ở một số bài, nhưng không thể không công nhận Vũ Khiêu là người viết nhiều nhất và có nhiều áng văn cổ thể xúc động lòng người, được nhiều đối tượng yêu thích truyền tụng nhất. Gắn mình với một lĩnh vực văn chương tưởng đã lạc điệu ở đời sống hiện đại, biến nó thành nơi mình có thể thỏa sức tung hoành, độc chiếm bảng vàng từ tuổi ‘thất thập cổ lai hy” như Vũ Khiêu là điều hiếm người làm được…

Băng tình yêu cuộc sống, sự say mê khoa học, tinh thần lao động bền bĩ, khát khao đóng góp không mệt mỏi cho cuộc đời cộng với chút ưu ái của tạo hóa, ở ngưỡng cửa của cõi trăm năm, quả GS anh hùng Vũ Khiêu đã vượt qua nhiều giới hạn của đời người, làm bất lực cả thời gian, tuổi tác, biến huyền thoại thành sự thực, đem sự sống, mùa xuân tới cõi trăm năm…

 

Nguyễn Thế Khoa

Video hay


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn