Góc thiêng của Vũ Tuyên Hoàng

11:30 | 06/10/2018

Tôi có dịp may nhiều năm làm việc với Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà khoa học lớn của đất nước. Một viện sĩ quốc tế nhưng rất mực giản dị gần gũi. Tôi được đại hội cử làm Ủy viên Đoàn chủ tịch và được phân công phụ trách phía Nam của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam do anh làm Chủ tịch. Chúng tôi đã nhiều lần đi với nhau, nhiều buổi ngồi với nhau, ăn với nhau, làm việc với nhau… Anh rất nhẹ nhàng, tôi vẫn đùa anh như “con mèo”, nhưng lòng anh rất kiên nghị. Điều gì đúng anh ủng hộ làm đến nơi. Nói về tài năng trí tuệ của anh, nhất là lĩnh vực giống lúa thì người ta đã phong anh là “ngôi sao thần nông” là “Viện sĩ của lúa”, chuyện này thì có thể viết thành truyện dài nhiều tập.


Gần 12 giờ đêm ngày 26 tháng 2 năm 2008, tôi nhận được điện từ Hà Nội của GS. Ngô Đạt Tam, người bạn, người anh chí cốt của tôi và của anh Hoàng. GS. Tam thảng thốt:

–         Phú ơi, Vũ Tuyên Hoàng mất rồi.

–         Trời ơi, sao? Tôi sửng sốt như bị sét đánh.

–         Mất rồi, mới mất lúc 10 giờ đêm nay.

Mới 18 ngày trước, mồng 3 Tết, anh Vũ Tuyên Hoàng còn comlê-cavat đến nhà tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh chúc Tết chúng tôi. Bình thường, hàng ngày anh vẫn ăn mặc chỉnh chu, ít nhất là sơ mi cavat, còn thường là áo vest khoác ngoài.

Hôm ấy anh tâm sự khá lâu, tôi nhớ anh đề cập đến việc nếu biến đổi khí hậu diễn ra thì làm sao để đồng bằng sông Cửu Long không mất đi vị thế số 1 về nông nghiệp. Giống lúa gì thích hợp, làm gì để chống mặn. Anh lo dòng Cửu Long bị chặn, mặn sẽ xâm nhiễm.

Anh bâng khuâng lo lắng nếu vì công nghiệp hóa mà mất ruộng là điều phải cân nhắc. Công nghiệp nào lợi hơn thu nhập từ cây, con thì hãy lấy đất. Anh nói: Đất là máu thịt, là quê hương, là mẹ của tổ quốc, là gốc của văn hóa. Nông nghiệp vẫn là cứu cánh của những thập niên này.

Biết tôi có quan hệ gần gũi với Thủ tướng, anh dặn tôi nhắc Thủ tướng sớm cho quy chế về tư vấn phản biện; anh nói: “phản biện là tiến lên”. Anh nói nhiều điều, kể cả chuyện của cơ quan Liên hiệp Hội, anh buồn về chuyện có ít người không chịu làm việc, cứ muốn khuynh đảo mất đoàn kết, anh mong một sự đoàn kết nhau thật sự…

Đến khi anh mất, tôi được phân công cùng các anh trong Đoàn chủ tịch túc trực bên linh cữu anh, khi đó tôi mới chiêm nghiệm rằng đấy là những điều trăn trối gởi lại của anh.

 

***

Hôm nay, đã sáu năm anh về thế giới bên kia, về nơi tiên cảnh, tôi ngồi viết những dòng này để nhớ anh, một trong những con người mà tôi rất quý mến, kính trọng. Tôi không viết về tài năng, về công lao to lớn trong lĩnh vực khoa học và quản lý khoa học của anh. Tôi muốn viết về  một góc riêng của Vũ Tuyên Hoàng mà tôi gọi đó là một “góc thiêng”.

Lúc sinh thời anh vẫn thường nói: Cái mãi mãi thanh xuân của đời người là tình yêu và trí tuệ. Trí tuệ của anh rất siêu phàm, anh có bốn ngoại ngữ: Nga, Anh, Hoa và Pháp. Anh đọc nhiều, hiểu rộng và đã góp trí tuệ cho ngành khoa học nông nghiệp ở tầm quốc tế.

Còn tình yêu. Con người không có tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người, yêu gia đình và những người thân thiết nhất là tình yêu đôi lứa, tình chồng vợ thì cuộc sống sẽ già nua và nhàm chán và trở nên thực dụng, vật chất.. Nói cách khác cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không có tình yêu, không có tổ quốc. Năm 2001, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ Thời gian của anh, anh ghi ở trang đầu: “Thơ là tình yêu, tình yêu là thơ”.

Vũ Tuyên Hoàng đã thể hiện tình yêu của mình trong những áng văn, những vần thơ và những bức họa, và hiển nhiên anh trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Về thơ, ngoài tập Thời gian đã xuất bản, anh có hơn 20 tập thơ in chung với nhiều nhà thơ. Về văn, anh viết nhiều và một phần được tuyển in trong tập Tản mạn đường dài của anh.

Về hai chữ “quê hương”, Vũ Tuyên Hoàng đã viết: “lũy tre, cánh đồng xanh, con đường thôn xóm quanh co, dòng sông trong mát ta đã tắm và đùa chơi tuổi nhỏ…” và “dù có nằm trên nhung lụa, ăn bơ, sữa, mọi thứ sang trọng trên đời, người Việt Nam yêu nước đi xa vẫn cứ thèm rau muống luộc chấm nước tương, canh cua, cà muối đậm đà, rau đắng mắm kho, những thứ giản dị biết bao. Quê hương là thế, chùm khế ngọt đơn sơ và sâu nặng trong tâm khảm mỗi người.”([1])

Trên 300 trang sách của “Tản mạn đường dài” gồm 99 bài chọn từ hơn 400 bài anh viết trong gần 10 năm trên các báo là những bài viết về quốc tế và trong nước. Anh “tản mạn” từ xứ người, về Việt Nam, đi từ Bắc vô Nam, nhưng cái đề tài không thể thiếu trong Vũ Tuyên Hoàng vẫn là cây, con, là “cây khế”, là “khoai lang”, là “cây keo lai”… Qua đó thấy anh quan sát chắt lọc cuộc sống rất chi tiết tỉ mỉ và luôn có những chuyện rất đời thường cụ thể, đúng là văn của nhà khoa học.

Thơ của anh còn đường dài hơn, mênh mang hơn, nhưng đúng là anh vẫn dành những rung động của con tim qua những vần thơ về tình yêu. Tất nhiên, thơ của anh vẫn phảng phất những cánh đồng, những cây lúa và gởi ở đó những tình cảm, những nét rung của Viện sĩ khoa học. Bài thơ “Nôi xanh” là một minh chứng:

Đây cò lửa và bên kia cò bẹ

Cò trắng cổ cao ngất nghểu cành tre

Chọn giống lúa trên những cánh đồng vui thế              

Chim gọi nhau phơi phới chiều nay

Ruộng gặt xong đã sớm đường cày

          Ngày mai sẽ tiếp mùa gieo hạt.

Thơ tình của anh nồng nàn say đắm, là những ký ức của một thời trai trẻ, là nốt ngân của hiện tại. “Ôi lấp lánh đầy những sao kỷ niệm, ta mênh mông thương nhớ một trời xanh”

và:

“Anh muốn xin mảnh nắng

Phất phơ đâu lưng trời

Làm tấm khăn gửi tặng

Em ở nơi xa vời”

(“Gởi em nơi xa vời” – Vũ Tuyên Hoàng)

Hoặc là:

“Nếu em là bông hồng

Anh sẽ làm ngọn cỏ

Xanh bước chân em

Nếu em là bông sen

Anh sẽ làm bùn nâu đáy nước vun gốc cho em

Nếu em là cánh chim

Anh sẽ làm ngọn gió

Nâng cánh em đến bốn phương trời”.

(“Nếu”… – Vũ Tuyên Hoàng)

“Tình yêu là thơ, thơ là tình yêu”, đó là tuyên ngôn, là định lý cuộc đời của Vũ Tuyên Hoàng, nó bên anh và luôn luôn bên anh. Tình yêu và thơ đã chấp cánh cho anh, nâng bổng, dâng cao những suy nghĩ, những nung nấu đầy sáng tạo trong anh, và cũng từ nhiệt huyết đó, từ tình yêu cháy bỏng đó đã giúp anh trở thành nhà khoa học lớn.

Sau tết năm 2008 là những rét buốt, giá lạnh, cái lạnh nàng bân thâm da thấu thịt, nhìn những hàng cây thong dong bên đường trong giá sương, Vũ Tuyên Hoàng bật thốt lên :

Bao giờ cho nắng lên sưởi ấm

Tôi nghiệp hàng cây đứng mãi trông

Như thể đứng mong những kiếp người

Đừng mong nhiệt huyết mãi thông thôi.

Có lẽ anh đã thấy được, đọc được những diễn biến trong cơ thể mới thốt lên như vậy. Nhưng rồi tình yêu lại đến, nhiệt huyết lại dâng trào. Trong buổi sáng chủ nhật ngày 16 tháng 02 năm 2008, buổi sáng Chủ Nhật cuối cùng anh ở trong căn nhà  thân yêu ở Kim Mã Thượng, ngồi nhìn trời sương của mùa xuân Hà Nội đang buông xuống góc vườn nhỏ xinh sau nhà, anh xúc cảm viết vội bài thơ “Gởi em” để tặng cho người vợ thân yêu của mình :

“Anh đắm mình trong sương gió xuân

Một tia nắng sáng hồng trên má

Anh gọi em yêu bao nhiêu lần !

ó

Có phải mùa xuân đến với đời

Với anh từ những năm xưa ấy

Bây giờ rạo rực vẫn không nguôi

                       ó

Ở xa, anh nhớ lắm em yêu

Mong nhớ bên em ấm rất nhiều

Mùa xuân sương gió bay ban sớm

Như thuở ban đầu anh biết yêu

Anh ghi rõ ngày 16/2/2008 (chủ nhật) và ký tắt chữ H

Chỉ mấy ngày sau anh nhập viện và mười ngày sau khi viết những dòng thơ cháy bỏng này, anh vĩnh viễn ra đi. Đọc những dòng thơ của anh mới thấy rằng anh đã nhìn trước sự ra đi, nỗi nhớ, nỗi yêu khi phải “ở xa”. Anh vội vã ra đi, nhưng chắc chắn anh kịp mang theo mùa xuân, tình yêu và anh để lại tình yêu sâu sắc cho những người thân yêu và cho đời.

Tôi nghĩ rằng Thơ, Họa, Văn đã hòa trong máu của anh, nói cách khác là cái gien di truyền có sẵn từ khi lọt lòng, bởi cha anh là nhà văn – ông Vũ Ngọc Phan, mẹ anh là nữ thi sĩ Hằng Phương, cả 2 đều nổi tiếng. Chị của anh, bà Vũ Giáng Hương (từng là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam), một họa sĩ có tên tuổi. Anh là người con đã tích đủ cả văn, cả thơ, cả hội họa.

Đặc biệt anh vẽ rất tài hoa. Tôi muốn dành góc thiêng này để viết về những tài hoa nghệ sĩ của anh, nói cách khác là tình yêu bao la của anh gởi cho đời.

Anh vẽ cả sơn dầu, màu nước chì, mực… đặc biệt là ký họa chân dung. Nghe nói hồi còn học sinh, anh tản cư theo cha và sống cùng các họa sĩ lừng danh: Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc… chính những danh họa này đã vỡ lòng cho anh những nét vẽ đầu tiên. Tất nhiên nếu không có “máu”, không có “gien” trong người thì Vũ Tuyên Hoàng không thể trở thành họa sĩ được.

Anh có biệt tài vẽ chân dung rất nhanh. Anh thích, anh quý ai, nhất là người đẹp, anh rút giấy trong cặp ra, cây viết mực trên túi, vẽ ngay, chỉ 5 – 10 phút là xong bức chân dung. Thông thường họa sĩ vẽ chân dung thì vẽ khuôn mặt trước rồi vẽ mắt, mũi, miệng sau.

Theo hội họa thì chia mặt ra làm 4 để cân phân rồi vẽ, nhất là cái tai, cái miệng. Vũ Tuyên Hoàng thì vẽ 2 con mắt trước, anh nói: “Hồn của một người ở đôi mắt. Khó có đôi mắt nào giống mắt nào. Ghi được hồn ở mắt là vẽ được 50% chân dung của họ”.

Một lần đến chỗ tôi làm việc, tình cờ gặp cháu nội tôi, cháu Trình Quang Hưng, năm đó mới 5 tuổi, cháu khoanh tay “Chào ông”. Vũ Tuyên Hoàng quay lại nhìn cháu: “Ồ, xinh quá”. Thế là anh bảo cháu ngồi yên, anh lấy tờ A4 vẽ ngay. 10 phút sau, một bức chân dung ngay ngắn, anh đề tặng bé Trình Quang Hưng và ký tặng.

Chúng tôi vô cùng xúc động. Bức vẽ đơn giản nhưng sắc sảo, có hồn, là kỷ niệm vô giá cho chúng tôi. Tôi nhiều lần chứng kiến anh vẽ tặng cho các bạn tôi. Sau khi anh ra đi, nhiều người đã đưa lên mạng những chân dung anh vẽ tặng họ, những người bạn sơ giao không gặp lại lần thứ 2 với những chân dung đẹp và những mẩu chuyện kèm theo rất chân tình, sâu sắc và cảm động. Đó là một ấn tượng không bao giờ quên trong nhiều người.

Mọi người còn nhớ năm 2000 tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Asean do Việt Nam đăng cai và ông là một trong những người chủ trì hội nghị. Trong buổi tiệc chia tay, Vũ Tuyên Hoàng dừng ăn trong bữa tiệc, lấy giấy vẽ ngay chân dung bà Tổng thư ký người Indonesia và kịp đứng lên tuyên bố rằng: “Các bạn ra về, những hình ảnh tươi đẹp mãi mãi còn lại”. Anh tặng bà Tổng Thư ký bức chân dung do anh vẽ trước sự ngạc nhiên thán phục của đại biểu là các nhà khoa học 10 nước Asean.

Tôi biết rằng trong hội họa, anh thích nhất là hoa, thiếu nữ, trẻ em và anh vẫn không bao giờ quên những cánh đồng, những đám lúa vàng trĩu hạt. Anh vẽ lúa, vẽ tre, vẽ các cô thôn nữ, vẽ cánh đồng và những đàn cò bay… Bức tranh Mùa gặt, anh vẽ 2 cô gái dịu dàng gánh lúa đi trên con đường làng uốn lượn giữa 2 cánh đồng vàng ửng.

Anh khoe với tôi và hỏi : “Ông thấy thế nào?” Tôi thật sự thích thú nhất là dáng điệu nhẹ nhàng, dịu dàng với 2 gánh lúa trên vai của 2 cô thôn nữ. Tôi nói: “Phải đặt nó là “Vũ điệu ngày mùa” thì đúng hơn”. Anh cười tỉm: “Lãng mạn quá!”

Vâng, thơ và họa của anh đầy chất lãng mạn đấy chứ.

Thế mới thấy cây lúa và ruộng đồng đã là một phần máu thịt, một phần yêu thương trong anh.

Tác giả Khánh Dũng trong bài “Sâu lắng nghệ thuật” đã bình về tác phẩm hội hoạ của Vũ Tuyên Hoàng như sau :

Tranh của ông giản dị nhẹ nhàng nhưng đầm thấm, lắng đọng. Hầu như ông không bao giờ sử dụng những gam màu mạnh, màu nóng, thể hiện sự dữ dội, táo bạo. Có những bức tranh ông vẽ biển thì đó cũng là cảnh biển thanh bình với những con sóng bạc đầu lao xao dưới nền trời xanh yên ả.

Nhưng đó lại là thế mạnh của ông trong những bức tranh tĩnh vật. Ông cho chúng những sắc thái mới, màu sắc mới, góc cạnh mới, do đó những bức tĩnh vật của ông hết sức sống động, tươi tắn. Ông có biệt tài vẽ ký họa, đó là điểm gặp nhau giữa tính chuẩn xác của một nhà khoa học và sự tài hoa của một họa sĩ trong ông .

Sau khi đưa anh về nơi yên nghỉ cuối cùng ở Mai Dịch, tôi trở lại nhà thắp hương, chào anh để trở về miền Nam. Tại đây, tôi rất xúc động được xem bức họa “Hoa cúc” là bức vẽ cuối cùng của anh. Hồng Nga, vợ anh đã cho tôi biết anh vẽ nó chỉ trước khi ngã bệnh có vài ngày, chính xác là ngày 17/2.

Hôm đó, anh đi về làng Mộ Trạch (Hải Dương) là đất tổ của họ Vũ để dự giỗ tổ. Sau tết là những ngày rét buốt thâm da thấu ruột, anh vừa ra đến cánh đồng Bình Giang thì gặp một bà già gánh hoa cúc đại đóa đi bán. Hoa là một thứ anh thích, nhưng thường anh ít mua.

Việc chọn hoa, mua hoa tươi hàng ngày là của Hồng Nga, anh chỉ tận hưởng, ngắm nghía. Nhưng hôm nay, có lẽ vì hoa cúc trồng ở đất tổ và cảm thương bà già trong giá rét đi bán từng nhánh hoa kiếm sống nên anh cho dừng ô tô và mua hết gánh hoa của bà, anh không mặc cả, bà già nói bao nhiêu anh trả bấy nhiêu.

Hồng Nga đã cắm và chưng tất cả các phòng trong nhà vẫn không hết hoa, đem hoa đất tổ họ Vũ cho những nhà hàng xóm. Chị chăm chút cắm vào 1 bình to những cánh cúc đại đóa đẹp và tươi nhất. Anh Hoàng thích quá liền lấy đồ nghề màu nước ra vẽ. Sau gần trọn buổi, anh vẽ xong và gọi vợ đến hỏi: “Bé có thích không ?” như là anh vẽ để tặng chị bức tranh này. Đây là bức họa cuối cùng, bó hoa đất tổ họ Vũ đầy yêu thương anh để lại cho vợ cho con, và chỉ sau 9 ngày, anh vĩnh viễn ra đi.

Tôi một lần hỏi anh: Sao anh không ký họa cho tôi. Anh cười: “Với anh không cần ký họa, tôi đã khắc hình anh kỹ rồi, sẽ ngồi vẽ màu nước mà không cần nhìn anh”. Vâng, với anh cũng vậy anh Hoàng ơi, trong tôi đầy ắp kỷ niệm về anh, tôi không vẽ được như anh, nhưng tôi có thể tả từng chi tiết trên khuôn mặt hiền hòa của anh.

Tám năm trước, biết tôi xây dựng Khu du lịch sinh thái Sao Việt ở Núi Thơm (Phú Yên), anh đã chọn các loại cây trái: xoài, ổi lai lê, táo, sapôchê, cam, bưởi… từ Viện cây lương thực miền Bắc gởi một xe tải vào tặng chúng tôi.

Tôi đã trồng thành một vườn cây ăn quả đến 2ha trong khu du lịch. Ổi trắng lai lê, táo đã nhiều năm cho quả sai trĩu và ngọt, dòn, ngon ai cũng thích. Mùa xuân này, vườn xoài nở đầy hoa, hoa nở  thành mảng. Đứng trên bờ cao nhìn xuống, màu xanh của lá, màu trắng, màu tím của hoa xoài đan xen nhau như một bức tranh mùa xuân trải dài. Tôi ngắm nghía “bức tranh” này và lòng rung động thật sự. Phải chăng đây là bức họa thiên nhiên sống động và rất xinh đẹp mà Vũ Tuyên Hoàng đã tặng lại cho tôi, cho Khu du lịch Sao Việt, cho quê hương Phú Yên của tôi Anh Hoàng ơi, tôi nhớ anh!

Tháng 2/2014

(Kỷ niệm 6 năm ngày mất của anh Vũ Tuyên Hoàng)

——————————————————-
([1])  Quê hương, trong “Tản lạn đường dài” của Vũ Tuyên Hoàng. Trang 247

 

VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI