Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đã giúp gỡ vướng đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, việc xây dựng, ban hành Thông tư số 16/2023 nhằm hướng đến đơn giản hỏa thủ tục đăng kiểm để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Thông tư số 16 đã đơn giản hoá các thành phần của thủ tục, hồ sơ khi thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Ảnh: TL.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho Sở GTVT nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất trong quản lý đăng kiểm và không để khoảng trống quản lý và nâng cao năng lực thực hiện của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng khẳng định quá trình xây dựng Thông tư, dự thảo thông tư đã lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các đơn vị thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, khai thác phương tiện thủy nội địa.
Thông tin từ Phó Trưởng Phòng Tàu sông Đậu Ngọc Bình cho biết, Thông tư bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Nội dung thông tư giải thích rõ ràng các thuật ngữ, khái niệm như với mô tô nước được định hình là có chiều dài thân nhỏ hơn 4m, sử dụng động cơ kiểu bơm phụt nước.
Nhiều nội dung hồ sơ, thủ tục được giản lược, đơn giản hóa; cụ thể hóa phân cấp, phân quyền thực hiện công tác kiểm định…
Các loại hình kiểm tra (kiểm định) kỹ thuật phương tiện thủy: kiểm tra lần đầu (phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm); kiểm tra chu kỳ (định kỳ, hàng năm, trên đà, trung gian); kiểm tra bất thường; kiểm tra hoán cải.
So với quy định hiện nay, bổ sung loại hình kiểm tra phương tiện đã đóng nhưng không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm và kiểm tra hoán cải.
Phương tiện thủy được đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu ở khu vực nào thì đơn vị đăng kiểm có đủ năng lực, thẩm quyền phụ trách khu vực đó thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định phân cấp rõ nét việc thực hiện đăng kiểm giữa Cục Đăng kiểm và các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc, đơn vị thuộc Sở GTVT.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm không còn trực tiếp kiểm định, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện thủy (nhập khẩu, đang khai thác…) như hiện nay mà chỉ thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của phương tiện.
Về phía Chi cục Đăng kiểm, thực hiện kiểm định phương tiện và đồng thời được phân cấp thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn của tàu. Điều này nhằm giải quyết nhanh nhất hồ sơ, không xảy ra ách tắc trong duyệt hồ sơ thiết kế phương tiện.
Ngoài ra sản phẩm công nghiệp đã được Cục Đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sử dụng cho tàu biển thì được sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.
Tương tự, sản phẩm công nghiệp được Cục Đăng kiểm hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài công nhận kiểu loại để sử dụng cho tàu biển thì được dùng cho phương tiện thủy.
Nhằm giảm thủ tục hành chính, Thông tư cũng quy định việc nộp, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa bằng các hình thức trực tiếp, hệ thống bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến với trình tự, thời hạn giải quyết cụ thể.
Thế Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/go-vuong-dang-kiem-phuong-tien-thuy-noi-dia-post258583.html