Theo thông tin từ Cổng thông tin Thành ủy TP HCM, UBND thành phố vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương liên quan đến hướng tuyến Vành đai 4 TP HCM phạm vi kết nối giữa hai nơi.
Cụ thể, UBND TP HCM đã thống nhất phương án giữ nguyên hướng tuyến, đoạn tuyến kết nối với cầu Phú Thuận phía tỉnh Bình Dương. Vị trí kết nối giữa hai dự án thành phần đường Vành đai 4 TP HCM trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương tại trước mố cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn thuộc địa phận xã An Tây (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Để đồng bộ và khai thác hiệu quả đường Vành đai 4 TP HCM giai đoạn 1 và giai đoạn hoàn thiện, UBND TP HCM cho biết cần lưu ý quy mô đầu tư giai đoạn 1, đối với những đoạn tuyến giữ nguyên theo hiện trạng. Nghiên cứu phương án nâng cấp, cải tạo đảm bảo khai thác vận tốc 100 km/h đồng bộ trên toàn tuyến đường Vành đai 4 TP HCM, đáp ứng năng lực thông hành, phát huy hiệu quả đầu tư.
Với mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện, cần rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ về quy mô mặt cắt ngang đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án của đường Vành đai 4 đã được lãnh đạo các địa phương thống nhất.
UBND TP HCM cho biết, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP HCM thuộc địa bàn hai địa phương, thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan của tỉnh Bình Dương nhằm thống nhất các yếu tố kỹ thuật, chuẩn xác điểm khớp nối giữa hai dự án thành phần, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc theo quy định.
Sơ đồ tuyến đường Vành đại 4 TP.HCM.
Trước đó, theo cách tư vấn đề xuất, tổng thể hướng tuyến của đoạn Vành đai 4 sẽ đi về phía Đông Nam so với đồ án quy hoạch chung TP HCM. Tuyến được nắn lại một số đoạn tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành… Phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn hai. Tổng chiều dài tuyến theo cách này khoảng 17,12 km, giải toả 160 ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính gần 14.000 tỷ đồng.
Ngoài phương án trên còn hai hướng tuyến khác cũng được nghiên cứu, trong đó phương án một tuyến gần như đi trùng quy hoạch, dài 17,6 km. Tuy phạm vi giải toả ít với khoảng 121 ha nhưng đi trùng nhiều đường hiện hữu, dẫn đến số trường hợp phải di dời nhiều nhất với hơn 1.100 hộ. Cách này cũng có chi phí đầu tư cao nhất với khoảng 25.000 tỷ đồng nếu đi trên cao và gần 17.800 tỷ khi đi bằng mặt đất.
Phương án còn lại là đi về phía Đông Nam, tổng chiều dài 16,95 km. Đây là hướng thẳng, ngắn và hạn chế thấp nhất qua các khu dân cư, tổng đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Phương án này trước đây được đánh giá khả thi, nhưng theo liên danh tư vấn, tuyến sẽ cắt ngang khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên khó khăn thực hiện.
Theo kế hoạch được các địa phương liên quan thống nhất, trong năm nay dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quý 4 năm 2024. Dự kiến, công trình cơ bản hoàn thành năm 2027, khai thác một năm sau đó.
Vành đai 4 tổng chiều dài gần 200 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi địa phương chủ trì thực hiện đoạn qua địa bàn theo hình thức PPP. Tại TP HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).
An Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/giu-nguyen-huong-tuyen-duong-vanh-dai-4-giua-tp-hcm-va-binh-duong-post255861.html