Để giữ gìn, bổ sung kho tư liệu của triều Nguyễn, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã hiến tặng những sách quý mà họ đã sưu tầm. Và thông qua các hoạt động văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu đến công chúng và mong muốn lan tỏa những ấn phẩm giá trị này.
Vào giữa tháng 4 vừa qua, tại di tích Tàng Thơ Lâu, vốn là thư viện dưới triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) đã tiếp nhận các ấn phẩm, tài liệu, sách báo được các tổ chức, đơn vị hiến tặng, nhằm góp phần làm phong phú, bổ sung cho nguồn tư liệu quý về triều Nguyễn và Thừa Thiên Huế.
Công chúng tham quan trưng bày sách, tư liệu tại di tích Tàng Thơ Lâu. Ảnh: baovanhoa
Làm phong phú thêm kho tài liệu về triều Nguyễn
Sau gần một tháng phát động chương trình hiến tặng, tiếp nhận tài liệu, sách… với chủ đề “Dấu ấn Tàng Thơ Lâu trong chúng ta”, TTBTDTCĐ Huế đã tiếp nhận hơn 110 ấn phẩm hiến tặng. Những ấn phẩm này với nhiều chủng loại khác nhau, như sách nghiên cứu, tài liệu, thư tịch, trong đó có những sách quý là bản gốc Hán Nôm ngày xưa, các địa bạ, sách liên quan đến thơ vua và các tác phẩm của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục…
Đại diện gia đình nhà nghiên cứu Phan Thuận An tặng bản gốc tập “Ngự tiền văn phòng châu bản 1938-1939”.
Có thể kể đến như Sở Văn hóa Thể thao, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội đã trao tặng các bộ sách quý. Cùng các cá nhân, nhà nghiên cứu tại Huế và các nơi cũng hiến tặng nhiều tư liệu quý: Nhà nghiên cứu Phan Thuận An tặng bản gốc tập Ngự tiền văn phòng châu bản 1938-1939, với 94 tờ châu bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp; nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh tặng văn bản Sai phái về việc giữ gìn lăng tẩm triều Nguyễn (chữ Hán) năm Minh Mạng 3 (1822); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tặng 3 đầu sách về Lịch sử văn hóa Huế; nhà sưu tập Nghiêm Giang Anh, Hội cổ vật Thăng Long – Hà Nội tặng sách Thọ mai gia lễ (chữ Hán) bản sao năm Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Đại thứ 12, năm 1937…
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Phước Hải Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Từ thời vua Khải Định, khi ông chủ trương thành lập Bảo tàng Khải Định năm 1923 nhà vua đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân có những hiện vật cổ, có ý nghĩa, giá trị đưa về triều đình bổ sung cho bảo tàng.
Các chuyên viên bảo tồn, phục chế các văn bản và sách quý tại di tích Tàng Thơ Lâu.
Và việc hiến tặng hiện vật, tài liệu có giá trị lan tỏa từ lịch sử cho đến nay. Riêng chuyên về sách, nhiều năm qua đã có nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu tại Huế và các nơi đã trao tặng, bổ sung thêm nguồn tư liệu quý. Điều này đã góp phần lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, hệ thống tư liệu của Tàng Thơ Lâu ngày càng được bổ sung”.
“Hiện nay TTBTDTCĐ Huế cũng hợp tác với các trung tâm lưu trữ trong toàn quốc, cùng các cá nhân, tổ chức như Viện Viễn Đông Bác cổ, Viện Hán Nôm, Viện Sử học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Đây là những đơn vị có lưu giữ loại cổ vật hết sức đặc biệt là các loại văn bản bằng giấy. Những cuốn sách cổ này là nguồn tài liệu quý hiếm, khi tồn tại trong bảo tàng là cổ vật, nhưng khi được số hóa thì trở thành những tư liệu thuyết minh cho diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp cận ở góc độ xin làm phó bản hoặc làm bản điện tử, photo để bổ sung ngày càng phong phú nguồn tư liệu liên quan đến triều Nguyễn và Huế lưu trữ tại Tàng Thơ Lâu. Qua đó, kỳ vọng Tàng Thơ Lâu trở thành điểm đến của các nhà nghiên cứu, sinh viên thực tập, những công chúng đam mê các thông tin về triều Nguyễn và Huế xưa”, Phó Giám đốc TTBTDTCĐ Huế nói.
Di tích Tàng Thơ Lâu từng được xây dựng vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng, với lối kiến trúc khoa học đáp ứng tốt nhất chức năng lưu trữ và bảo quản các sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Sau khi trùng tu, năm 2021, TTBTDTCĐ Huế đã đưa vào sử dụng và tổ chức nhiều hoạt động và trở thành nơi lưu giữ tư liệu, các nghiên cứu về triều Nguyễn và di sản văn hóa Huế.
Nâng tầm giá trị của sách cổ
Không chỉ làm phong phú nguồn sách, tư liệu quý để phục vụ công chúng tại di tích Tàng Thơ Lâu, nhiều năm qua TTBTDTCĐ Huế cũng đã tiếp nhận nhiều sách cổ quý hiếm từ các nguồn hiến tặng khác nhau và được lưu giữ, bảo quản như các cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Mong muốn thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm thì những sách cổ quý hiếm này sẽ được giới thiệu đến công chúng, góp phần phát huy giá trị của sách cổ.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết: “Năm 2021 TTBTDTCĐ Huế đã tiếp nhận một bộ sưu tập sách quý do nhiều đơn vị, tổ chức hiến tặng và được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đơn vị chưa có dịp giới thiệu đến công chúng. Lần này, nhân sự kiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, tại không gian di tích Điện Long An, TTBTDTCĐ Huế tổ chức trưng bày và giới thiệu đến công chúng 11 sách cổ là bản gốc trong bộ sưu tập nói trên và những sách quý hiếm khác đã được hiến tặng. Trong đó, phải kể đến là bản gốc Ngự chế minh văn cổ khí đồ được chính ông Hoàng Việt Trung (hiện là Giám đốc TTBTDTCĐ Huế hiến tặng)”.
Ảnh: minh họa
Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, thời vua Minh Mạng đã cho đúc 33 món đồ đồng phỏng theo hình dáng đồ vật của các triều Thương, Chu, Hán, với ý nghĩa thể hiện hùng tâm xây dựng Đại Nam thành một quốc gia cường thịnh, thái hòa. Nhà vua viết nội dung và đề dưới đáy các cổ khí này, sau đó Bộ Công vẽ ra để lưu giữ. Những nội dung chữ Hán mà vua Minh Mạng ghi lên cổ khí là những lời khuyên, lời răn đối với công việc giáo dưỡng dân chúng, với việc trị quốc…, tất cả được in thành sách.
Theo công bố thông báo Hán Nôm năm 2004, hiện Việt Nam chỉ còn hai bản của sách này, một bản photo lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một bản có ký hiệu lưu ở Viện Hán Nôm, cùng một bản gốc lưu trữ ở Pháp. Điều này cho thấy sách cổ Ngự chế minh văn cổ khí đồ thời Minh Mạng mà TTBTDTCĐ Huế được hiến tặng là bản thứ 3, và mộc bản cuốn sách này vẫn còn được lưu ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt.
Ngoài ra, TTBTDTCĐ Huế cũng sẽ trưng bày cuốn sách gốc Thánh chế thi lục tập, tập hợp 39 bài thơ của hoàng đế Minh Mạng do cựu thẩm phán Andue de Cuozet, sống tại Marseille (Pháp) hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tiếp nhận, bảo quản. Cuốn sách này bị một người lính Lê Dương vào Hoàng cung lấy đi từ những năm 1880, sau đó thất lạc nhiều nơi. Hay đặc biệt hơn là sách bản viết tay rất đẹp của Bộ Lễ với nội dung viết về cách bài trí không gian thiết đặt bàn án, bài vị tại Đàn Nam Giao nhà Nguyễn…
“Thông qua những hoạt động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, sách cổ và việc tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm này có ý nghĩa đặc biệt kết nối dòng chảy quá khứ và hiện tại, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế nhấn mạnh.
L.T.Đ (t/h)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/gioi-thieu-va-lan-toa-nguon-sach-quy-cua-trieu-nguyen-toi-cong-chung-post245940.html#p-2