Giải thưởng VHNT “Thành tựu trọn đời” Nguyễn Đình Thi năm thứ 2 được tổ chức trong tháng 11 năm 2021 vừa qua, đã được trao cho nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948 – 2011) và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (sinh năm 1945). Đây là hai nhà thơ nổi bật với những cách tân thơ vừa dân tộc vừa hiện đại, nhất là với hai tập thơ “Hỡi cô cắt cỏ” của nhà thơ Đỗ Nam Cao và “Một mai gió chở tôi về” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.
Nhân sự kiện ý nghĩa này, tôi trong những ngày “cầm tù” bởi COVID đã may mắn có trong tay tập bản thảo những bài thơ mới nhất của ông “Người câu gió” để thêm một lần nữa ngắm lại bức chân dung thơ của ông, tiếng lòng của ông cất lên trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh của nhân loại.
Giữa sự hỗn mang của bầu khí quyển nhân loại đậm nỗi âu lo dịch bệnh, trong tháp ngà nghệ thuật cô đơn của mình, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn điềm nhiên làm “Người câu gió”, cứu chuộc những “Trái tim đêm”. Câu chuyện về ông khiến tôi nhớ đến Santiago – nhân vật văn học trong tác phẩm “Ông già và biển cả” của Hemingue, trên hành trình “săn cá” đơn độc, mang về đất liền thứ “rác rưởi của biển cả”, một bộ xương cá trắng hếu, trơ trụi, nhưng “trong lều ông lão vẫn ngủ và mơ về những con sư tử”. Trong tận cùng thất bát cuộc đời, tuổi tác sụp xuống, con người vẫn không thôi mơ ước, viết nên những tâm tư cháy bỏng.
Với thơ, Hoàng Vũ Thuật không đi theo con đường tiền nhân. Ông lạ hóa bản thể, tự khai khoáng và chạm trổ sinh lộ cho riêng mình, đem sinh mệnh cho những vần thơ tươi ròng sự sống. Ông không tìm cách thay đổi quá khứ, bởi lịch sử dù mê lầm hay minh triết thì đều mang một giá trị căn cốt, đó là cách đóng dấu khuôn mặt xã hội của từng thời kì. Loài người đi từ hỗn mang, trong hoang vu, giữa đớn đau để trút bỏ lớp thú, đến với văn minh. Vì thế ông đã thay đổi tương lai. Thi sĩ cũng không kêu than về những điều tồi tệ hay đau đớn mà ông phải gặp trên đường. Hoàng Vũ Thuật nhìn thật sâu vào những đau đớn ấy, để xác quyết: Đau đớn không phải là một cản đường mà là một món quà. Tập thơ “Người câu gió” ông đang ấp ủ sẽ trình làng bạn đọc vào năm mới 2022 vì thế là một món quà từ đau đớn, dĩ nhiên cả hạnh phúc trần ai, nhàu nhò, bầm dập và trên tất cả, nó tỏa ra thứ ánh sáng triết học từ một vầng trán hiền nhân.
Tập thơ của ông trải dài trên suốt hành hành trình đi tìm, đến và mở ra vô biên: “Trầm hương – Khúc luân vũ – Và bất tận”. Tôi rất thích cách mà Hoàng Vũ Thuật thức nhận càn khôn, và ông đã lan tỏa trí tuệ của mình cho độc giả một cách rộng lòng. Ông không phải là một kẻ hào phóng với nỗi đau bản thể hay keo kiết trước cảm xúc của đám đông. Mà trải lòng mình độ lượng giữa nhân gian để chờ một làn gió thơm gieo hạt hương quấn quýt, dội rửa những nỗi buồn từ xó tối tâm hồn. Con người tưởng có mà lại “không”. Khi thấy mình “không”, ấy là lúc đã đạt tới cảnh giới đắc địa của thiền tâm. Ông lấy “không” mà nói có, một cách phủ nhận để khẳng định sự hiện của cá nhân trên dương giới vô lượng.
“Không ai nhận ra lối đi của gió
không ai nhận ra gương mặt gió
anh nhẫn nại ngồi câu trên đồi”
Lối tư duy hiện sinh, khai khoáng từ bao thời đại cùng gương mặt của hiện tại, hun hút cõi hồn. Ngôn ngữ sắc sảo của ông như một thứ dẫn dụ, tỏa ra công năng vô biên, khiến tôi khi đọc luôn tự tìm cách chất vấn mình. Trong “Người câu gió”, ông để độc giả vi vút theo cánh gió, đi suốt hơn 100 gương mặt thơ ông sẽ tìm thấy con đường xuyên tim mình và mở ra thế giới: “Gió vô hồi ngàn sau chưa hết/ có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người”. Con người nhận ra mình nhỏ bé như một phân tử “hữu hạn kiếp người”, còn bên ngoài kia là vô thủy, vô chung đến “gió vô hồi ngàn sau chưa hết”. Con người càng tầm vóc, xử thế càng giản dị. Bình thản, khiêm cung làm nên nhân cách ông. “Mùi bùn lam lũ thanh tao mùi bùn lung linh hơn những ngôi sao xa/ mùi bùn sinh nở/ mùi bùn thơm tho đất đai mùi bùn mạch máu nóng hổi/ mùi bùn yêu/ mùi bùn/ khi ý nghĩ em hóa thạch/ đôi tay mềm vắt qua cánh đồng như sông sẽ trồi lên tim tím triệu năm/ người đời gọi cúc bùn bùn”.
Ông, người nghệ sĩ với trái tim trầy xước, ngòi bút rớm lệ, để “chì chiết” trang viết. Một kiểu trí thức đa mang, ưu thời mẫn thế, trăn trở lịch sử dân tộc “bốn nghìn cây số”, không thản nhiên trước những vấn đề xã hội bức bối. Tiếng nói dũng cảm của một nhà thơ trí tuệ như ông thật đáng được trân trọng:
“bốn nghìn cây số xuyên thủng lớp vỏ não tạo hóa đã sắp đặt
tôi tư duy thì tôi tồn tại (*)
mặc xác
tôi hiểu rõ hạnh phúc là tồn tại”
“Người đàn ông muộn mằn cái gì cũng muộn/ như sống lại nếp sống thời trung cổ/ đôi khi gặp ông trên trang giấy Hán Nôm cây bút lông chim &/ nghiên mực đen/ nếp nhăn hằn lên vầng trán/ đôi mắt chảy máu”
Dường như những câu thơ nói tráng chí của kẻ sỹ “sinh bất phùng thời”. Thật thế, ông đã có những cơn tao loạn lịch sử bể dâu. Ông đi ngược chiều tất cả, tìm an trú trong “pho sách cổ”, mài mực đời mình đến bật máu trong mắt, cắt nếp nhăn trên vầng trán. Những oán ân đời người đã tạc vào dáng đá im lìm, mong dòng suối kia đưa những giọt muộn phiền chảy trôi biển cả. “Cánh chim/ gãy cánh giữa bầu trời” là một hình tượng ám ảnh. Cánh chim gẫy làm đôi, một nửa nhỏ máu cùng lệ đá, nửa kia bơ vơ giữa bầu trời, không biết đâu là bờ bến, níu nài. Nỗi tự cảm mơ hồ trí tuệ bị vô hình hắt hủi, cầm cố.
Ông là người thi sỹ dũng cảm.
Lawrence từng nói: “Thi ca là cái bóng được chiếu bởi những ngọn đèn đường của trí tưởng tượng”. Đúng vậy, thi ca vừa là sản phẩm được kết tinh từ trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sỹ, cũng có thể là những phiền muộn trong lòng người nghệ sỹ phơi bày ra. Ông đã “sống”, đã “yêu”, đã “mọc”, từ những trinh bạch đầu đời.
Hoàng Vũ Thuật từng thừa nhận: “Thơ tôi kén độc giả”. Đó là sự bộc bạch, có thể là niềm tự hào, có khi lại là trăn trở. Nhưng dường như ông sinh ra để vừa vặn cho những vần thơ kén độc giả. Ông cho rằng “Ý niệm sinh từ tưởng tượng” và khao khát vẽ một bức tranh về sự sống vĩ đại. Nghệ thuật được gieo trồng trong sự tưởng thưởng của công chúng, mỗi người sẽ có mỗi con đường đến với ông, tùy trí tưởng tượng và trái tim của họ dành cho huyết lệ của ông. Và dù trong số ấy có những kiểu tiếp nhận: nhìn, ngắm, thưởng, thì người thi sỹ vẫn tìm thấy hạnh phúc trong cõi sáng tạo bất tận vì thơ ông đã gọi ong quay về, lên hương như cánh mỏng nhụy thơm. Có những loài ong thợ, làm mật đến tận diệt, quyên mình cho ngọt ngào để đi vào cái chết. Hoàng Vũ Thuật cũng là một kiểu tuẫn mình cho thơ. Thơ là tình yêu, sự sống, là tôn giáo của ông.
“Người câu gió”, với hơn một trăm gương mặt, là những lát cắt thơ Hoàng Vũ Thuật, người lên tiếng cho những gì chưa ai cất tiếng. Vì thế ông xứng đáng là đại biểu thơ, gương mặt mới của thơ đương đại theo trường phái tượng trưng siêu thực, nhưng vẫn ấm áp cuộc đời, đầy ắp nhân cách nghệ sỹ, trăn trở thời cuộc, xót xa số phận nhân dân và khao khát một thế giới nghệ thuật trong ngần, không có chỗ cho mầm ác cơ hội. Thơ ông đã phá tung lề luật thơ từ trước đó, thổi vào một luồng gió mới, ươm mầm sự sống. Ta thấy trên trang viết mà ông “chì chiết” với con chữ, là sự hiện diện của lịch sử, luân hồi vũ trụ, trái tim run rẩy bản thể, tư tưởng nóng giãy, niềm yêu đắm đuối và trên tất cả là thứ ánh sáng triết học tỏa ra từ vầng trán thanh bạch.
Đọc ông, tôi thấy như có “Thơ dâng” của Targo, có bình minh rực rỡ, ánh trăng chan chứa, trăn trở lịch sử của Puskin, nhưng tôi được thấy những điều chưa từng thấy. Giọng điệu riêng, ấy là sự sáng tạo, là thành công của người làm nghệ thuật. Nếu chỉ dừng lại ở triết lý, thì thơ ông cũng bình thường, nhưng mang chất triết học, thì ông đã đạt được ở tầm kính ngưỡng. Những trầm ai thế cuộc, thấu tỏ tận tường, tư tưởng nhiệm mầu đã thức nhận trong thế giới nghệ thuật của ông thứ ánh sáng trí tuệ. Tôi trân trọng ông bởi tinh thần quý tộc nội tâm. Dù đã đi đến buồn đau tận huyệt của trần gian mà ngôn từ vẫn toát lên vẻ sang trọng, quý phái, vẫn tỏa ra thứ ánh sáng thanh bạch. Ông nói quá khứ, phanh trần hiện tại, tỏa ấm tương lai. Những câu chuyện đã qua, đang sống và sẽ đến, dù có khốc liệt bão tố thế nào, rồi cũng phải tan thôi, dưới dây câu của “Người câu gió”.
12/12/2021
Theo CAND