Giải pháp nào cho thực trạng trẻ em nước ta vừa thiếu vừa yếu về kỹ năng sống? Thực ra, biết khéo léo kết hợp công cụ hiện đại và vận dụng trí tuệ của cổ nhân, cha mẹ có thể là người đồng hành giúp con hoàn thiện bản thân mà không lệ thuộc vào cải cách giáo dục.
Có lẽ cha mẹ đã từng thắc mắc kiểu như thế này: “Sao ở trường con tôi không được học kỹ năng này? Sao trường này lại không dạy môn kỹ năng trình bày như trường kia?”…
Thực ra, ngành giáo dục Việt Nam vẫn luôn có cải cách, liên tục cải cách. Nhưng không hiểu sao cặp sách của các con cứ đầy thêm lên như gánh nặng học tập của các con mỗi ngày một tăng vậy. Dường như con được điểm cao mà cha mẹ lại nhận ra con không hề có kỹ năng tư duy độc lập. Các bài văn theo chung một mô tuýp, những câu từ phải học thuộc để được điểm cao, còn sự sáng tạo là một điều gì đó xa xỉ.
Nhiều người học ở nước ngoài về cho rằng chương trình giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn tiểu học tới trung học quá chú trọng vào các môn giáo dục cơ bản như toán, tiếng Việt mà thiếu nhiều đầu tư cho việc dạy kỹ năng sống.
Thực tế, mãi tới năm 2017, Việt Nam mới có công văn hướng dẫn các trường vận dụng đưa bộ giáo trình kỹ năng sống vào các môn học đạo đức công dân, giờ ngoại khoá… coi đó như một phần phụ của những môn phụ. Và cho đến nay có vẻ như kỹ năng sống vẫn là chuyên môn nào đó xa lạ với nhiều trường học ở Việt Nam.
Kỹ năng sống là gì?
Theo UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc) thì “Kỹ năng sống” được định nghĩa là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hàng ngày; nói cách khác là khả năng tâm lý xã hội.
Chúng được nhóm một cách lỏng lẻo thành ba loại kỹ năng: kỹ năng nhận thức để phân tích và sử dụng thông tin, kỹ năng để phát triển cá nhân và quản lý bản thân, kỹ năng tương tác còn được gọi là kỹ năng xã hội để giao tiếp và tương tác hiệu quả với người khác.
Đang băn khoăn về kỹ năng sống sao lại không được chú trọng trong nhà trường thì thấy cô bạn nhắn tin hỏi “Từ tiếng Anh “self esteam” có phải là lòng từ trọng không cậu”? Chợt tôi nhận ra nguồn tài liệu về kỹ năng sống của nước ta còn khó kiếm lắm, ngay cả một từ tương đương để chỉ một kỹ năng cơ bản mà bên Tây đang dạy trẻ em cũng không có.
Cô bạn cho biết, vợ chồng cô phải tự nghiên cứu tài liệu nước ngoài để dạy thêm cho con mình. Cô cho biết trên tài liệu tiếng Anh hướng dẫn cha mẹ giúp con có được khả năng đánh giá bản thân như “7 cách để giúp con đánh giá bản thân”, “10 thủ thuật để giúp con xây dựng sự tự tin”…
Tôi cũng nhớ lại mấy năm trước ông con đánh vật ôn thi nghề môn tin học ra hỏi tôi mấy lệnh cho phần mềm lạc hậu 10 năm trước đó. Thật vô nghĩa khi học vẹt mấy thứ kiến thức mà bên ngoài người ta đã “bỏ vào kho” cách đây cả chục năm. Thật khó cho các thầy cô giáo và cha mẹ khi nguồn tài liệu chính thống về kỹ năng sống còn khá khan hiếm.
Giữa một rừng các quảng cáo về đào tạo kỹ năng sống ngoài nhà trường cho học sinh, sinh viên, con chúng ta thật sự cần học những kỹ năng cơ bản nào?
Trong năm 2017, các tổ chức UNESCO, WHO và UNICEF đã thống nhất 10 kỹ năng sống cơ bản, được xem như cần thiết nhất cho tất cả mọi người.
1.Kỹ năng ra quyết định
2.Kỹ năng giải quyết vấn đề
3.Kỹ năng tư duy sáng tạo
4.Kỹ năng tư duy phê phán / suy nghĩ có phán đoán
5.Kỹ năng truyền thông có hiệu quả
6.Kỹ năng giao tiếp giữa người và người
7.Kỹ năng tự nhận thức bản thân
8.Khả năng thấu cảm
9.Kỹ năng ứng phó với cảm xúc
10.Kỹ năng ứng phó với stress
Trong cuộc sống hàng ngày, phát triển kỹ năng sống giúp con:
– Có những suy nghĩ mới và tìm ra cách giải quyết vấn đề
– Nhận thức được sự ảnh hưởng của các hành động cá nhân và tự chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho người khác
– Xây dựng sự tự tin trong kỹ năng nói hay làm việc nhóm
– Phân tích các sự lựa chọn và đưa ra quyết định
– Nâng cao tính tự giác và trân trọng những người xung quanh
Nhìn vào thực tế của Việt Nam thì giáo dục mầm non đã làm khá tốt việc giáo dục kỹ năng sống cho các con. Tuy nhiên, từ cấp 1 đến đại học thì việc giáo dục kỹ năng sống ở trường lại bị xem nhẹ bởi quan niệm truyền thống “dạy học chỉ coi trọng toán và văn và các môn học lý thuyết”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trẻ em ở các nước phương Tây lại được giáo dục theo kiểu thể thao nhiều, học nhạc hay các môn năng khiếu tự do nhiều hơn toán và văn cho đến tận cấp 3, vậy mà khi lên đại học sinh viên của họ lại viết hay hơn sinh viên của mình đến như vậy? Sao quá nhiều sinh viên Việt Nam lại không có các kỹ năng mà các công ty lớn, chuyên nghiệp cần?
Lại cần cải cách giáo dục tiếp thôi! Nhưng trong lúc đợi nhà nước chỉnh sửa cho chương trình đào tạo thì chúng ta phải tạm chấp nhận tìm phương án bổ sung cho con mình vậy.
Ai dạy kỹ năng sống cho trẻ?
Ngày nay, Internet là một công cụ học tập hiệu quả và tiện lợi. Chả thế mà anh bạn tôi áp dụng đối với con anh ấy khi cháu hỏi những câu vượt quá khả năng hiểu biết của bố. Anh ấy rủ con vào tìm kiếm câu trả lời trên mạng qua Google. Như vậy đồng thời anh cũng dạy con kỹ năng tự học và tìm kiếm thông tin, không quên giúp con xác định đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, không đáng tin cậy.
Ngoài Internet thời hiện đại, thực ra trí tuệ người xưa đã chỉ dụ cho chúng ta: bất cứ ai quanh trẻ cũng có thể là đối tượng giúp trẻ học hỏi, điều tốt thì học theo còn điều dở thì biết để mà tránh.
Đương thời, Khổng Tử từng căn dặn học trò của mình rằng: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, nghĩa là: Ba người đồng hành, ắt sẽ có thầy của ta. Để hiểu rõ hơn về ý tứ căn dặn của người thầy vĩ đại Khổng Tử, ta hãy xem câu chuyện sau:
Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, rất nhiều người tìm đến, mong được bái ông làm thầy. Nước Lỗ có người gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Anh ta vi phạm pháp luận nên bị xử tội chặt một chân. Thấy Khổng Tử, anh ta cứ cà nhắc chống nạng theo sau, mong muốn được gặp Khổng Tử và xin bái Khổng Tử làm thầy.
Khi được tiếp kiến, Khổng Tử nói với anh ta: “Anh làm việc không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt một chân. Mặc dù nay anh cũng đã tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được, thế thì có tác dụng gì?”.
Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý, nên mới mắc sai lầm để bị tội, bị chặt mất một chân. Hôm nay tôi tìm đến Ngài, là vì vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, tôi muốn bảo toàn nó. Trời không nơi nào không che phủ, vạn vật đều được Đất nâng đỡ. Tôi vốn coi Ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ Ngài lại có thái độ như thế này”.
Khổng Tử nghe xong, vô cùng xấu hổ, nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Khổng Khâu ta thực sự nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, tôi vô cùng cung kính lắng nghe và xin được học tập tiên sinh”.
Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến Khổng Tử nữa mà đã bỏ đi. Sau đó, Khổng Tử nói với các đệ tử:
“Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước kia của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người như Thúc Sơn Vô Chỉ thế này, bị mắc tội mà bị chặt mất một chân, vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân. Thế thì người không có lỗi lầm thì còn thế nào. Các trò nhất định phải ghi nhớ, cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới không ngừng tiến bộ”.
Trí tuệ cổ nhân chính là ngọn đèn soi sáng tương lai. Cha mẹ vận dụng lời giáo huấn của người xưa sẽ có thể chủ động giúp con học được những điều chân chính dù chúng đang thụ hưởng nền giáo dục Việt Nam hay bất cứ nơi đâu.
Theo ĐKN