Giải thích thêm về nhân vật lịch sử Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc

9:06 | 04/11/2021
Ảnh minh họa.

1. Xác định rõ người mẹ đã sinh ra 3 Hoàng tử tuấn tú của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), chính là bà Phi Vũ Thị Vượng, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay. Người thứ nhất là Trần Quang Xưởng (Chiêu Đạo Vương). Người thứ 2 là Trần Ích Tắc (Chiêu Quốc Vương). Người con út là Trần Nhật Duật (Chiêu Văn Vương). Như vậy, Trần Ích Tắc là anh, trên Trần Nhật Duật.

2. Trần Ích Tắc là người đầu tiên ở nước ta thành lập trường Tư thục, bên cạnh Quốc Tử Giám. Chính ông chu cấp cho những trò nghèo, sau trở thành những danh nhân hàng đầu của đất nước, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu…

3. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), vua Trần bị Thoát Hoan truy đuổi ráo riết, thua liên tiếp mấy trận Nội Bàng, Vạn Kiếp, Đại Hoàng. Riêng trận bến đò Phú Tân, Trần Quang Khải thua trận, mất mát khá lớn. Toàn bộ Thanh Hóa và Nghệ An đều đầu hàng. Vua Trần phải dùng kế mỹ nhân, sai người đưa công chúa An Tư, em gái ngài làm “quà tặng” cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan, hy vọng có thể làm “mềm” đi tình hình chiến sự, để ta có thời gian củng cố, tìm đối sách khác.

Các sách sử cho thông tin, An Tư công chúa lấy Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt), sinh được 2 con. Cũng thời điểm ấy, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên đem con gái họ Lý (mang họ Trần) dâng tặng Thoát Hoan. Sử ta không chép. Nhưng văn bia ở mộ Trần Túc Viên ghi rõ điều đó. Như vậy, cùng lúc Thoát Hoan lấy 2 cô gái Việt, sinh con nối dõi tổ tông Nguyên Thái Tổ Hốt Tất Liệt. Do đó, kết luận rằng, ở thời điểm ấy, đã có sự hòa huyết của hai dòng máu Việt-Mông.

4. Ngay trong năm 1285, Chiêu Quốc Vương, Đại tướng quân Trần Ích Tắc trấn giữ vùng Đà Giang, Trần Nhật Duật trấn giữ trại Thu Vật gần biên giới. Khi thấy quân Thoát Hoan tràn sang tiến công mãnh liệt, giao chiến bất lợi, Trần Nhật Duật phải bỏ trại Thu Vật, rút quân về phía sau. Trần Ích Tắc nói với vua Thánh Tông rằng “Nhật Duật làm phản rồi”. Thực tế thì lúc đó, tên Trần Văn Tôn, con trai Thượng thư Trần Trọng Trưng (hoặc Vi), người Tống, đã đầu hàng Thoát Hoan. Chính hắn dẫn đường cho Thoát Hoan tấn công thẳng xuống Vạn Kiếp. Ta thua trận này. Thế nghĩa là Trần Ích Tắc luôn bên cạnh vua, như một người tham mưu tin cẩn nhất.

5. Các vị Hoàng thất đầu hàng, có người thoát, có kẻ bị Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn cho mai phục, bắn chết trên đường gần biên giới, như Trần Kiện bị Nguyễn Địa Lô dùng tên độc bắn trúng đầu gối. Lê Tắc là cận thần thân tín, cố gắng kéo xác Trần Kiện sang bên kia, mai táng. Chính Lê Tắc là người đương thời, chứng kiến nhiều sự việc. Khi sống sót chạy sang Tàu, Lê Tắc viết lại tất cả vào cuốn AN NAM CHÍ LƯỢC, để chúng ta ngày nay có tư liệu đối chiếu, tham khảo. Câu hỏi đặt ra là, nếu không được lãnh đạo cao cấp nhất sắp đặt kế hoạch cho Trần Ích Tắc “chạy trốn”, thì tại sao vua Trần lại không sai người mai phục, hoặc đuổi theo giết chết Trần Ích Tắc, một nhân vật rất tài giỏi, còn “nguy hiểm” hơn đám tôn thất kia nhiều, rất nhiều? Sử sách có chép được chi tiết này hay không?

6. Tại sao luật pháp nhà Trần rất nghiêm khắc, bất kỵ thân sơ, lại không xóa tên xóa họ của Trần Ích Tắc, như đối với những người khác, mà chỉ ghi là “Ả Trần”, tức là hèn nhát như đàn bà mà thôi? Chẳng phải là người ta cũng đã có ý để lại một chi tiết rất quan trọng, để đời sau chúng ta phải suy ngẫm, phải tư duy để tự lần tìm ra sự thật hay sao?

7. Cha con Trần Ích Tắc ở bên phía đối phương làm những việc gì? Ai biết mà ghi lại? Tất cả mọi người, kể cả những người chép sử, chẳng qua cũng chỉ biết hiện tượng, chỉ nghe nói, chứ bản chất sự việc nó như thế nào, ai biết?

8. Trần Ích Tắc sống, hoạt động gì ở bên đối phương? Bây giờ tôi nói đây. Trong nhiều năm âm thầm xây dựng lực lượng, Trần Ích Tắc tất nhiên là đã “chỉ đạo” cho con trai ông là Trần Hữu Lượng, trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh. Lượng xưng Đế, lấy quốc hiệu ĐẠI HÁN, thu nạp người Bách Việt đã Hán hóa vào tay mình, phục vụ sự nghiệp của mình, chẳng phải là vô cùng khôn khéo, tài lược hay sao? Người trần mắt thịt ai biết được thâm ý của cha con Trần Ích Tắc! Hữu Lượng đã chiếm được phủ Thái Bình, nay thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), xưng Đế.

Nếu muốn quay về đoạt ngôi nhà Trần lúc bấy giờ, có lẽ cũng chẳng mấy khó khăn, nếu không muốn nói là dễ như trở bàn tay. Sao thế? Hữu Lượng có binh hùng tướng mạnh, có tới sáu bảy chục vạn quân, hạm đội thuyền bè lớn bé, rất nhiều. Ở nước ta, lúc bấy giờ là Trần Dụ Tông trị vì, chỉ biết chìm đắm trong váy lĩnh quần hồng, ăn chơi hưởng lạc, đất nước đang cực kỳ khó khăn. Việc mua quan bán tước lấy tiền bù đắp vào ngân khố quốc gia nghèo kiệt, là chuyện xảy ra ở đời vua Trần Dụ Tông.

Khởi nghĩa nông dân nổi lên liên tiếp, tiểu biểu là cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ. Một chính quyền hư nát như thế, mất lòng dân như thế, nếu Trần Hữu Lượng đem binh hùng tướng mạnh về giành lấy ngôi báu, chắc chắn là rất dễ dàng. Trong cuộc chiến với Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng 3 lần cho sứ giả về Đại Việt yêu cầu Dụ Tông gửi quân góp sức, nhưng Dụ Tông không giúp được gì. Lấy gì mà giúp? Tôi nói nếu như muốn về ngồi lên ngôi báu, với Trần Hữu Lượng lúc bấy giờ dễ như trở bàn tay là vậy đấy. Nhưng tại sao Trần Hữu Lượng không làm?

9. Đất đai Trần Hữu Lượng làm chủ là cả một không gian rộng lớn, gồm gần như toàn bộ đất đai nước Nam Việt cũ, từ trung lưu sông Trường Giang đổ về biên giới nước ta. Nhìn ngược lên bản đồ, quý vị có thấy rằng nước Đại Việt, về mặt thực tế, đã bao gồm gần như toàn bộ Lưỡng Quảng rồi ư? Giả sử như Trần Hữu Lượng giành chiến thắng ở trận thủy chiến vô cùng ác liệt trên hồ Bà Dương, đánh bại Chu Nguyên Chương, thì lịch sử đã như thế nào?

10. Bạn hỏi lấy gì chứng minh rằng Trần Ích Tắc trá hàng? Câu hỏi này quý vị nên hỏi mấy cụ tình báo thời ta, như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Pham Xuân Ẩn thì rõ. Thành quả của cha con Trần Ích Tắc như tôi vừa nói đấy, hầu như chưa từng có trong lịch sử. Đó là chưa kể đến chiến lược khôn khéo xây dựng lực lượng ngay trên đất giặc, trong lòng giặc, tinh vi, hiệu quả, giành được thắng lợi vô cùng to lớn, khiến Đại Việt nhỏ bé được bình an. Chẳng phải công lao của cha con Trần Ích Tắc vĩ đại lắm hay sao?

11. Ngày nay Trung Quốc đã dựng phim nhiều tập về cuộc chiến của Trần Hữu Lượng với Chu Nguyên Chương, thủy tổ nhà Minh. Họ chọ một diễn viên có khuôn mặt nom rất khó coi, để đóng vai Trần Hữu Lượng. Thế là họ có ý đểu lắm đấy. Cũng như gần đây họ vẽ chân dung Hoàng Đế Quang Trung cổ dài mõm chim (Cảnh trường điểu chuế), ngầm chế diễu người anh hùng dân tộc của ta. Họ đem treo ở Bảo tàng Bắc Kinh, cho cả thế giới đến xem đấy. Vậy các ông vẫn bảo đó là sự thật hay sao? Ví như gần đây, Trung Quốc xua 60 vạn quân vượt biên giới đánh phá Việt Nam (1979-1988), họ hô hoán rầm lên, tuyên truyền rằng Việt Nam tấn công họ. Họ đưa vào sách GK để truyền bá cho lớp trẻ, nhiều năm, khiến sự thật lịch sử bị đánh tráo. Các cụ nghĩ sao? Đúng cả chứ?

12. Việc trá hàng, chẳng phải chỉ riêng có Trần Ích Tắc đâu. Cuộc chiến lần thứ 3, chính vua Trần Thánh Tông đã sai Hưng Ninh Vương Trần Tung (anh trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) thay mặt vua sang xin hàng. Thoát Hoan tin tưởng là vua Trần đã sợ hãi mà hàng thật, nên lơ là chủ quan. Quân Trần tập kích bất ngờ vào ban đêm, quân Nguyên thua đau. Thoát Hoan vô cùng tức giận, muốn dốc toàn lực quyết sống mái một trận.

Các tùy tướng của ông ta khuyên can mãi, Thoát Hoan mới thôi. Đấy là sự thật lịch sử được nhà Nguyên ghi chép. Lần trá hàng này, Trần Tung (tức Tuệ Trung Thượng Sĩ) có công đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là một cuộc trá hàng ở quy mô nhỏ, chiến thuật, chứ không thể so sánh với cuộc trá hàng ở tầm chiến lược công phu như với Trần Ích Tắc. Ở đời Trần, rất nhiều người tài giỏi, nhưng không ai có thể thay thế Trần Ích Tắc làm tốt nhiệm vụ bí mật này. Đó là điều chắc chắn!

13. Cuối cùng là vấn đề nội dung bài thơ, thể hiện tâm sự của Trần Ích Tắc. Ở trên, tôi đã nói qua rồi. Người xưa quan niệm “Thi dĩ ngôn chí” (Thơ để nói cái chí của tác giả). Trần Ích Tắc viết:

Bỏ nước ra đi nhớ tự ngày,
Lòng trung canh cánh, có trời hay.
Chẳng qua Vi Tử buồn Ân mất,
Há phải Văn Công trốn nước ngoài.
Nghề mọn cơ cầu noi kiếp trước,
Tiếng thơm sử sách để sau này”!

Hai câu đầu, tác giả thể hiện tâm sự của chính mình, kẻ buộc lòng phải bỏ nước ra đi, nhưng tấm lòng trung với vua với nước vẫn luôn canh cánh, luôn thường trực, chẳng lúc nào khuây. Tâm sự này, ai hiểu được ta? Chỉ có trời xanh kia thấu hiểu mà thôi. Phải bỏ qua những lời ong tiếng ve, chê bai khinh khi của người đời. Mặc họ. Ta cam chịu thầm giấu nỗi đau ấy trong lòng.

Câu 3, diễn giải thêm cho rõ, rằng cái việc ta phải sang đất khách, “chẳng qua (cũng ví như) Vi Tử buồn Ân mất”. Vi Tử là ai vậy? Vi Tử, chính là anh trai của vua Trụ nhà Ân. Chu Vũ Vương diệt Trụ, nhà Ân mất. Vi Tử là người mất nước, chẳng buồn lắm hay sao? Nhưng Vi Tử không muốn chết theo nước. Ông nhẫn nhịn làm quan cho Chu Vũ Vương, sau được Vũ Vương cho làm vua nước Triều Tiên.

Câu thứ 4, tác giả viết, “Há phải Văn Công trốn nước ngoài”. Thế nghĩa là tác giả cho rằng, cái việc ông phải chạy sang nhà Nguyên, không thể ví như việc Văn Công trốn sang nước ngoài, để rồi sau đó, có cơ hội lại trở về nước, lên làm vua. Văn Công, tức Tấn Văn Công đời Chiến Quốc. Nước loạn, công tử Trùng Nhĩ bỏ nước sang nước khác. Khi có cơ hội, Trùng Nhĩ về nước Tấn, lên làm vua, xưng là Tấn Văn Công. Trần Ích Tắc nói rằng ta khác Tấn Văn Công, chỉ mưu toan cái việc về nước làm vua. Ở Đại Việt, ta có những người anh em làm vua rồi. Ta muốn làm vua ở xứ khác, như Vi Tử kia. Và thực tế, cha con Trần Ích Tắc đã làm nên sự nghiệp vô cùng to lớn, mở rộng đất đai tới Trường Giang. Chỉ tiếc rằng người Hán đã chiến thắng trong cuộc đấu sống còn cuối cùng. Thi nhân kết luận:

Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước,

Tiếng thơm sử sách để sau này!

Quả là một sự hy sinh vĩ đại, làm nên một sự nghiệp vĩ đại. Chúng ta, thế hệ cháu con, phải có trách nhiệm trả lại tiếng thơm cho Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. Chỉ có như vậy, mới thể hiện được trách nhiệm to lớn và thiêng liêng với người xưa vậy!

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, chép sử và nghiên cứu lịch sử là hai phạm trù khác nhau. Do nhiều lý do, khách quan và cả chủ quan, các sách sử nước ta, dẫu căn bản đã là những tư liệu rất quý báu, truyền đến đời sau. Tuy nhiên, bộ sử nào cũng còn nhiều khiếm khuyết,, thậm chí là còn những sai sót nghiêm trọng. Những khoảng lặng, khoảng trống, kể cả những hố đen bí ẩn còn tồn nghi, những bình luận mang sắc thái cá nhân, có đúng, có sai, khiến đời sau phải vất vả tìm kiếm, nhằm khai mở sự thật lịch sử.

Đó là công việc của của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Nếu vấn đề chưa được sáng tỏ, thì cần có sự chung tay góp sức, phát hiện, của cả nhân dân và các nhà khoa học, nhiều đời, nhiều năm. Cũng không nên có thái độ kỳ thị, tỉnh bơ, coi thường người khác. Cái tâm của người cầm bút, phải được cộng hưởng với cái tâm của người đọc. Nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh triều Hậu Lý, trải ngàn năm, nếu không được sự quan tâm của nhân dân, của giới nghiên cứu, biết đến bao giờ mới sáng tỏ? Vụ án Lệ Chi Viên, 22 năm sau, mới được vua Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan.

Nhưng bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị lộ, “kẻ đồng mưu với chồng là Nguyễn Trãi” phải sáu trăm năm sau nữa mới được làm sáng tỏ. Thế nên, Không nên hoàn toàn tin tưởng vào những trang viết trong sách vở. Ngụy tạo, giả dối. bịp bợm, đầy cả ra đấy! Huống nữa, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, binh pháp từ xa xưa đã có rồi. Công việc tình báo để biết đối phương đang làm gì, chuẩn bị đánh mình như thế nào, đời nào chả có, nước nào chả có. Ai cũng hết sức đề phòng. Nhưng phòng tránh như thế nào, lại là câu chuyện khác.

Không thể để ngài Trần Ích Tắc phải ôm mãi nỗi nhục không đáng có là hàng giặc. Tiếng thơm của cụ sẽ được trả lại, như mong ước của chính cụ, và của muôn người vậy!

 

Vũ Bình Lục

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng