Một trận động đất mạnh 8,2 độ richter kéo theo sóng thần lan rộng khắp thế giới hồi năm ngoái khiến giới khoa học bất ngờ.
Mới đây, các nhà khoa học của Viện Công nghệ California (Mỹ) tuyên bố đã phát hiện ra nguồn gốc của đợt sóng thần lan khắp thế giới xảy ra hồi tháng 8 năm ngoái sau trận động đất mạnh 8,2 độ richter gần quần đảo South Sandwich ở Đại Tây Dương.
Giới khoa học không khỏi bất ngờ vì sóng thần này gây ra bởi một trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 47km – độ sâu mà khó có thể gây ra sóng thần. Ban đầu trận động đất được ghi nhận chỉ có cường độ 7,5 độ richter, nhưng sau đó được điều chỉnh lên 8,2 độ richter.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, trận động đất thực chất là tập hợp của hàng loạt trận động đất liên tiếp trong vòng vài phút. Một trong số các trận động đất đó có cường độ 8,2 độ richter và tâm chấn chỉ cách mặt đất 15km.
Mặc dù trận động đất có cường độ rất mạnh, nhưng các hệ thống theo dõi gần như không phát hiện ra bởi vì nó bị vùi lẫn trong các sóng địa chấn do các trận động đất khác gây ra.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, trận động đất “âm thầm” này đã gây ra sóng thần lan khắp thế giới, trải rộng đến Bắc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, lan tới cả những bờ biển cách xa 10.000km.
Mặc dù đợt sóng thần này không gây thiệt hại lớn, song các nhà nghiên cứu cảnh báo, những trận động đất phức tạp kiểu này tiềm ẩn rủi ro lớn bởi chúng khó phát hiện. “Nếu chúng ta không sử dụng đúng dữ liệu, chúng ta không thể biết điều gì tiềm ẩn bên trong”, Zhe Jia, một nhà nghiên cứu địa chấn tại Viện Công nghệ California, cảnh báo.
Theo sputniknews