Mặc dù không làm việc trong bất cứ cơ quan báo chí nào, nhưng anh Nguyễn Văn Công (Hà Nội) đã giành không ít giải thưởng tại các cuộc thi viết, các giải báo chí từ trung ương – địa phương. Đối với anh viết là niềm đam mê, là học hỏi, là công việc luôn cần có sự cố gắng không ngừng nghỉ.
Mỗi một cuộc thi là cơ hội để khẳng định bản thân
Đã không ít lần thất bại, bài viết gửi dự thi không được đăng tải và giành giải thưởng, nhưng không vì thế mà anh Nguyễn Văn Công (Thường Tín, Hà Nội) bỏ cuộc. Đối với anh được tham gia các cuộc thi, được thử sức mình và được gặp gỡ giao lưu cùng các anh chị làm báo đã là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Ngày 19/5/2022 nhằm góp phần lan tỏa tình yêu, cảm xúc, ký ức, kỷ niệm về Thủ đô của những người đã, đang và sẽ gắn bó với “trái tim của cả nước”, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt đã phát động cuộc thi viết Ký ức Hà Nội.
Đối với anh Nguyễn Văn Công, được tham gia các cuộc thi, được thử sức mình và được gặp gỡ giao lưu cùng các anh chị làm báo là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Cuối năm 2022, Ban Thư ký cuộc thi đã nhận được hơn 700 bài viết của độc giả gửi về hộp thư điện tử của cuộc thi. Vượt qua các vòng sơ khảo và chung khảo tác phẩm “Nhớ gánh hàng hoa bán rong” của anh Nguyễn Văn Công đã xuất sắc giành giải Nhất.
Anh chia sẻ: “Tác phẩm như một lời kể về ký ức của bản thân tôi, nhớ về ngày xưa, nhớ bố mẹ đã tần tảo nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi luôn yêu và biết ơn Hà Nội. Hà Nội là nơi chúng tôi gắn bó, sống và làm việc. Nhận được giải thưởng lớn lần đó lại tạo cho tôi thêm động lực để tôi viết thêm những câu chuyện ý nghĩa khác”.
Đoạt giải tại Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội là một trong hàng chục giải thưởng mà anh Công đã nhận được. Gần 10 năm tham gia các cuộc thi viết, các giải báo chí, đối với anh mỗi một cuộc thi là một cơ hội để khẳng định bản thân mình.
Còn nhớ, năm 2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức cuộc thi viết về di sản Văn hóa phi vật thể. Bài viết về di sản văn hóa Hội Gióng là một trong những bài viết đầu tiên anh giành được giải. Dù giá trị giải thưởng rất nhỏ nhưng là nguồn động viên lớn lao, tạo thêm niềm vui trong cuộc sống, thúc đẩy anh có nhiều bài viết trong suốt hành trình sau này.
Mỗi một lần tìm kiếm đề tài, triển khai và hoàn thành các bài viết anh được hòa mình vào cảm giác thi đấu, hồi hộp theo dõi và khi biết tin mình nhận giải thưởng là niềm vui vỡ òa. Nhưng hơn hết anh còn có cơ hội được gặp gỡ các anh chị phóng viên, nhà báo ở các cơ quan báo chí khác. Học hỏi cách làm báo, viết bài chuyên nghiệp, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo, tìm kiếm đề tài, có nhiều tác phẩm, bài viết được giải.
Nhớ về một trong những lần đầu được giải anh Công cho biết: “Tôi nhớ có lần tham gia giải báo chí do Báo Phụ nữ Thủ đô phát động, hầu hết các tác giả đoạt giải đều là phụ nữ. Thời điểm đó tôi là một tác giả trẻ nhất, lại là nam giới, nên để lại ấn tượng đối với ban tổ chức. Tôi may mắn cũng nhận được sự động viên của nhiều anh chị làm báo, giúp tôi cố gắng có thêm nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi”.
Báo Người Lao Động tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Lòng tốt quanh ta” lần 1 năm 2022-2023 vào dịp 21/6/2023 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Công (giữa) vinh dự nhận giải tại cuộc thi.
Để mỗi tác phẩm ngày càng chỉn chu hơn
Anh luôn quan niệm, viết hay không bằng… tay quen, nên nỗ lực viết ngày một nhiều để “lên tay” hơn, cố gắng duy trì thường xuyên để bài sau hay hơn bài trước, rèn luyện khả năng của bản thân. Anh thường tranh thủ ngày cuối tuần, những ngày nghỉ để đi “tác nghiệp”, dành thời gian buổi tối để viết bài, sắp xếp điều tiết giữa công việc và gia đình. Anh dành khá nhiều thời gian để đọc báo, nhất là các cơ quan báo chí tổ chức viết về các cuộc thi. Đọc các tác phẩm mà các anh chị phóng viên đã đoạt giải, chú trọng đến các nhân vật là gương người tốt việc tốt, với hi vọng góp phần lan tỏa những hành động ý nghĩa trong cộng đồng.
Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng Ban Tổ chức (ngoài cùng bên trái) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Giám khảo (ngoài cùng bên phải) trao Giải Nhất cho tác giả Nguyễn Văn Công.
Anh tâm sự: “Các fanpage ở các xã, thị trấn, huyện có rất nhiều thông tin tích cực, có các nhân vật hoạt động xã hội từ thiện, những tấm gương tiêu biểu trong việc học và làm theo lời Bác… Thực tế đã có những đề tài, những nhân vật mà các cơ quan báo chí khác khai thác rồi, mình phải tìm cách khác để khai thác, tránh đi lại lối mòn cũ. Viết theo cách riêng của mình để tạo được chất lượng bài viết. Muốn như vậy thì phải đầu tư thời gian đi tìm hiểu lâu hơn, mất nhiều thời gian viết hơn”.
Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế khi triển khai thì phát sinh không ít khó khăn. Không có thẻ nhà báo cũng không có giấy giới thiệu, nhiều lần đi làm anh đã phải “tay trắng” đi về. Có cá nhân, tổ chức khi anh xưng là cộng tác viên báo này báo kia thì nhân vật đã từ chối trả lời hoặc từ chối khéo. Đã mất công liên hệ, xong lại không được gặp, có đôi lúc nản, nhưng anh vẫn tự nhủ phải cố gắng, tìm người khác, nhân vật khác, luôn nhớ nguyên tắc phải tôn trọng ý kiến riêng tư của mọi người.
Từ khi mới ra trường, không làm gì liên quan đến lĩnh vực báo chí, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Công đã có những bước đi đầu tiên là những giải thưởng báo chí nhỏ, anh dần trưởng thành hơn, ngày càng vững vàng trong nhiều cuộc thi viết. Những thử thách khó khăn đã rèn luyện thêm ý chí để rồi anh tiếp tục không ngừng sáng tạo cho những điều mới mẻ ở phía trước…
Lê Tâm
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/gap-go-cay-viet-tre-khong-chuyen-da-co-khong-it-lan-am-giai-post262057.html