Tôi thấy rằng ăn thịt chó hay không là lựa chọn cá nhân. Nhưng nuôi chó mới là vấn đề, có thể khiến người khác phát dại theo cả nghĩa đen và bóng.
Sáng nay, tôi mở cửa nhà và hết sức giận dữ. Số là con chó nhà nào đó đã chọn ngay bậc cửa nhà tôi để làm nơi trút những bãi chất thải hôi thối của nó.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đón một ngày mới không vui vẻ chút nào như thế. Tổ dân phố ý kiến nhiều lần. Nhưng những nhà nuôi chó vẫn thả rông thú cưng của họ, hoàn toàn không rọ mõm, để chúng tự do tè bậy và phóng uế; còn chủ thì ung dung, vì “nó không ị trước cửa nhà mình là được”. Trẻ con nhà tôi mỗi chiều không dám chạy nhảy trước sân nhà vì sợ chó đuổi và phân chó.
Tôi thật không hiểu nổi, giữa TP.HCM, đô thị đang ngày một phát triển, cộng đồng văn minh vẫn có những người giữ lối sống hoang dã, nuôi chó, mèo, chăn gà, thiếu điều nuôi thêm con heo… không hề quan tâm chúng có gây hại và khó chịu cho bà con xung quanh hay không.
Người ta vẫn đang tranh cãi sau văn bản của UBND TP.Hà Nội không khuyến khích người dân ăn thịt chó. Người thì hưởng ứng kịch liệt nói rằng ăn thịt chó là man rợ, người thì cho rằng có thể yêu chó theo từng món, ăn thịt chó là nhiều chất bổ. Tôi thì cho rằng, ăn hay không ăn thịt chó là tự do lựa chọn của mỗi người, ai làm người đó chịu, người ta có quyền làm những gì pháp luật không cấm mà không ảnh hưởng tới ai.
Vì ăn thịt chó, người ta ăn ở quán nhậu, ăn ở bếp nhà họ, có mang tới nhà bạn ăn đâu mà bạn lo? Người ta ăn vào bụng người ta, có mắc bệnh gì người đó cũng mang trách nhiệm. Cùng lắm, bạn có thể ngửi mùi mắm tôm, riềng sả bay trong không khí một chút. Trong khi đó, những con chó đang bị thả rông bừa bãi, không biết đã chích ngừa dại hay chưa cứ chạy lông nhông, thoải mái ị đái khắp khu dân cư mới đáng lo.
Nó có thể bất thình lình khợp cho bạn một cái, hoặc tặng bạn cả đống phân dưới gót giày. Giữa việc chọn lựa ngửi mùi rựa mận, mắm tôm riềng sả và việc bị buồn bực, phát điên mỗi ngày vì những con chó chạy lang thang, tôi sẵn sàng chọn vế đầu tiên.
Năm nào loa phường cũng ra rả bài ca phải mang chó mèo nuôi đi chích ngừa, rồi mang rọ mõm cho chó nếu dắt đi nơi công cộng, không để chó mèo phóng uế bừa bãi… Thế nhưng việc kiểm tra, nghiêm khắc xử lý với những trường hợp vi phạm quá lỏng lẻo. Chúng ta hình như chỉ biết ban hành văn bản, còn xử phạt chế tài như thế nào sau đó thì tính sau, hên xui.
Tôi cho rằng, nhà nào đảm bảo được việc nuôi chó giữ nhà, chó cảnh an toàn – phải nhấn mạnh “an toàn” – vì rất nhiều trường hợp chó nhà nuôi cắn chết chủ nhà, cắn chết em bé trong nhà… thì hãy tiếp tục. Đồng thời, cần nghiêm túc xem xét chuyện nuôi chó này có ảnh hưởng bà con xung quanh. Nếu câu trả lời là không, thì nên chấm dứt việc tỏ ra yêu động vật, bằng cách nuôi chó một cách hoang dã, ngay giữa khu dân cư đông đúc trong thành phố.
Đó là nuôi chó làm cảnh và chó giữ nhà, còn nếu không phản đối thịt chó, có thể nghĩ đến việc nuôi chó để thịt quy mô chuyên nghiệp như trang trại bò, heo, gà, có kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng, cho ăn thức ăn an toàn…
Tập tục ăn thịt chó ở Việt Nam ở nhiều vùng miền bén rễ từ bao đời, nói bỏ ngay trong ngày một ngày hai chỉ vì một hai văn bản thì khó mà thành. Chi bằng, thay vì cấm, hãy làm cho việc ăn thịt chó trở nên sạch sẽ, an toàn hơn; người ăn nó cũng không có cảm giác áy náy khi vừa ăn thịt “một người bạn trung thành” của một gia đình nào đó…
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Theo Thanhnien