Mua đất hóa giá và sử dụng ổn định gần 30 năm qua, nhưng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của gia đình một thương binh ở thị trấn Vĩnh An – huyện Vĩnh Cửu vẫn chưa được giải quyết.
Điều đáng nói, trong đó có nhiều lần nộp hồ sơ theo yêu cầu của UBND huyện Vĩnh Cửu sau khi cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát và khẳng định, đất gia đình người thương binh này đang sử dụng đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Lạm quyền
Trở về từ chiến trường Campuchia, vợ chồng thương binh Nguyễn Công Rậc (SN:1958, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai) tiếp tục tham gia xây dựng công trình thủy điện Trị An. Sau khi công trình hoàn thành, đơn vị – Xưởng xây lắp Trị An bán hóa giá cho thửa đất để làm nhà ở và sản xuất.
Sau khi mua hóa giá, gia đình ông Rậc làm nhà ở, kho chứa vật liệu xây dựng, trồng tràm và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Rậc có đăng ký kê khai với cơ quan quản lý địa phương vào tháng 7/1993. Tiếp đó, năm 1999, theo chủ trương chung, gia đình ông Rậc một lần nữa đi đăng ký kê khai và được Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh Đồng Nai tổ chức đo vẽ thực tế và xác nhận diện tích đất mà gia đình ông Rậc mua hóa giá của Xưởng xây lắp Trị An là 3.425,4m2, trong đó có 300m2 thổ cư thuộc thửa 07, tờ bản đồ 28 thị trấn Vĩnh An.
Thửa đất chỉ phát sinh tranh chấp khi Ban chỉ huy quận sự huyện Vĩnh Cửu cho xây dựng trụ sở làm việc và đưa xe vào lấy đất mang đi, tạo thành những hố sâu và tận dụng làm hồ nuôi cá. Quá bức xúc gia đình ông ông Rậc đã làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Vĩnh Cửu.
Tại buổi hòa giải do UBND huyện Vĩnh Cửu tổ chức, phía ông Rậc trưng ra bằng chứng nguồn gốc thửa đất liên quan đến việc mua hóa giá của Xưởng xây lắp Trị An, còn phía Ban chỉ huy quân sự huyện thì đưa ra văn bản tạm giao đất của UBND huyện Vĩnh Cửu ký ngày 2/7/2001.
Liên quan đến văn bản tạm giao đất cho Ban chỉ huy quân sự huyện của UBND huyện Vĩnh Cửu, Phòng TNMT huyện sau đó đã có văn bản báo cáo gửi UBND huyện, trong đó khẳng định: “Việc UBND huyện Vĩnh Cửu có văn bản số 513/UBH ngày 2/7/2001, giao khu đất có diện tích 19.550m2, tại khu phố 8, thị trấn Vĩnh An cho Ban chỉ huy quân sự huyện sử dụng là không đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3, Điều 23 Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001”.
Việc trưng dụng đất có nguồn gốc mua hóa giá của gia đình ông Rậc tạm giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện không đúng quy định là vậy. Thay vì sửa sai, UBND huyện Vĩnh Cửu xem như chuyện đã rồi, một mặt vẫn giữ nguyên văn bản vi phạm thẩm quyền này, mặt khác đi “ngã giá” hoán đổi cho ông Rật một thửa đất khác.
Sai lại chồng sai, việc hoán đổi này sau khi được thực hiện lại phát hiện cũng không đúng theo quy định pháp luật. Vì vậy để tiếp tục sửa sai, việc hoán đổi đất này sau đó đã được chuyển sang hình thức giao cấp đất và buộc ông Rậc phải thanh toán số tiền không nhỏ cho Nhà nước theo quy định.
Có dấu hiệu hành dân?
Về phần diện tích còn lại, sau nhiều lần đăng ký theo yêu cầu của Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu (2007), của UBND Thị trấn Vĩnh An (2013), Văn phòng đăng ký đất đai – Chi nhánh huyện Vĩnh Cửu (2015)… việc cấp giấy CNQSDĐ của gia đình ông Rậc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Năm 2017, ông Rậc làm đơn kiến nghị gửi Phòng TN&MT huyện về việc xin cấp giấy CNQSDĐ. Theo đó, các cơ quan chuyên môn huyện Vĩnh Cửu, thị trấn Vĩnh An và Ban chỉ huy quân sự huyện, Văn phòng đăng ký đất đai họp và thống nhất đồng ý cấp giấy CNQSD phần đất còn lại này cho gia đình ông Rậc.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Cửu, qua kiểm tra, rà soát, Thanh tra huyện có ý kiến, đất của gia đình ông Rậc đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ theo Điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 19, Điều 2, Nghị Định 01/2017/NĐ-CP quy định về việc cấp giấy CNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, Thanh tra huyện kiến nghị UBND huyện có văn bản trả lời để gia đình ông Rậc liên hệ UBND thị trấn Vĩnh An lập thủ tục cấp giấy CNQSDĐ theo quy định pháp luật.
Ngày 23/1/2019, UBND huyện có văn bản 444/UBND-NC hướng dẫn gia đình ông Rậc liên hệ UBND thị trấn Vĩnh An làm thủ tục để được cấp Giấy CNQSDĐ.
Theo đó, ông Rậc đã làm đầy đủ thủ tục và được UBND thị trấn Vĩnh An thẩm định và cho niêm yết công khai 15 ngày theo quy định. Kết thúc thời gian niêm yết, UBND thị trấn Vĩnh An chuyển hồ sơ xin đăng ký cấp giấy CNQSDĐ cho Phòng TN&MT xem xét.
Tuy nhiên, sau 2 năm “ngâm” hồ sơ, Phòng TN&MT không những không cấp Giấy CNQSDĐ mà còn tham mưu cho UBND huyện đưa diện tích 1.800m2 đất còn lại của gia đình ông Rậc làm trụ sở Đội Thanh tra giao thông. “Ý tưởng” bất thường này của Phòng TN&MT huyện gặp ngay sự phản ứng gây gắt từ phía dư luận, đơn giản vì trụ sở Đội Thanh tra giao thông vừa mới xây dựng xong.
Đây không phải là lần đầu tiên Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu tiếp tục đề xuất trưng dụng phần đất còn lại của gia đình ông Rậc. Trước đó, Phòng TN&MT huyện này cũng đã đưa phần đất còn lại này vào diện quy hoạch đất quốc phòng. Tuy nhiên ngay khi nhận được đề xuất này, Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu đã có văn bản từ chối tiếp nhận. Cụ thể, trong văn bản 60/BCH-TM gửi UBND huyện Vĩnh Cửu, thị trấn Vĩnh An và Phòng TN&MT, Ban chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Cửu thể hiện rõ quan điểm: “Về phần quy hoạch sử dụng là đất quốc phòng do UBND huyện cập nhật. Hiện nay, Ban chỉ huy quân sự huyện không có dự án, chủ trương mở rộng nào đối với phần diện tích đất này, đề nghị UBND huyện, các cơ quan chuyên môn rà soát, điều chỉnh cho phù hợp”.
Thiết nghĩ, sau hàng loạt những bất thường của các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Cửu trong gần 30 năm qua, UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm can thiệp, xử lý dứt điểm những bức xúc trong dư luận, cũng như đảm bảo quyền vào lợi hợp pháp cho gia đình người thương binh.
Theo Báo Sức khỏe & Môi trường