Đón thuyền về bến

10:00 | 16/05/2022

Thanh ngồi tần ngần bên bàn trang điểm, nửa muốn đi gặp lại người yêu cũ, nửa ngần ngại. Bao lâu nay, cô lao vào công việc và chăm lo cho bố mẹ, cho con gái, chẳng nghĩ gì đến chuyện yêu đương nữa.


Thanh đưa hai tay chống cằm, mở to mắt tự ngắm mình trong gương. Cô mới hai mươi sáu tuổi, còn rất đẹp, chưa chồng nhưng cũng như gái đã có chồng. Bé Na là kết quả của mối tình đầu khi Thanh còn là nữ sinh, khiến cho gia đình chịu nhiều tủi nhục.

– Con gái con đứa, tí tuổi đầu đã yêu với chả đương, học không lo học. Tôi nói thật với chị nhé, ai có con người đó giữ. Có thể là con trai tôi và con gái chị thích nhau thật nhưng cái thai kia chắc gì đã là của con tôi.

– Chị, sao chị có thể nói thế!

– Sao tôi lại không thể? Này nhé, gia đình tôi luôn dạy con sống phải có chừng có mực, biết cái nào nên cái nào không nên chứ đâu để nó sống buông thả như một số đứa con nhà thiếu giáo dục được.

– Chị!…

– Thôi, chị về cho. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm chứ không hơi đâu ngồi nghe chị kể lể. Mà tôi nói thật, mẹ con chị cứ về đóng cửa bảo nhau, tỉ tê, đe nẹt gì đấy, kiểu gì nó lại chẳng kể ra vài đứa có khả năng làm cha của cái thai đó. Về đi, đừng lôi con trai tôi vào chuyện này.

(Minh họa: HOÀNG ĐẶNG)

Mẹ Thanh nghe những lời đó mà uất nghẹn không nói thành lời. Chị bặm chặt môi đưa đôi mắt buồn buồn nhìn đứa con gái của mình đứng cạnh đang cúi đầu lau nước mắt. Chị giận con một mà thương con mười.

– Về thôi con!

Hai mẹ con Thanh cúi đầu, lặng lẽ đi ra đến cổng còn nghe tiếng nguýt dài trong nhà của mẹ người yêu:

– Ăn chơi đú đởn cho lắm vào giờ bắt con bà đổ vỏ à?

Sau lần đó, Thanh không liên lạc được, cũng không gặp được người yêu nữa. Anh ta như bốc hơi khỏi đời Thanh, khỏi trái đất này. Thanh nghe bạn bè nói đâu như bố mẹ anh ta cho đi du học để khỏi gặp gỡ cô. Thanh đau khổ, muốn tự tử đi được. Nhất là khi trở về nhà, bố chẳng nói gì với mẹ con Thanh. Không la mắng, chửi rủa nhưng rõ ràng bố buồn lắm. Nhìn khuôn mặt bố thẫn thờ Thanh càng cảm thấy mình có lỗi. Bố mẹ khó khăn lắm mới sinh được mình Thanh. Bao yêu thương, hy vọng dồn hết cả vào cô con gái nhỏ. Vậy mà… Cả ngày hôm đó, Thanh nhịn ăn nhốt mình trong phòng, mẹ đứng ngoài cửa thủ thỉ:

– Con à! Chuyện dù không muốn cũng xảy ra rồi. Giờ con có khóc, có đau khổ cũng không giải quyết được việc gì… Lỗi là ở mẹ. Mẹ có lỗi khi không dạy cho con biết những nanh nọc, ngang trái của cuộc đời. Mẹ có lỗi khi dạy con sống phải biết yêu thương và tin tưởng mà không dạy con phải hoài nghi, đề phòng…

Mẹ nói gì nhiều lắm, mà Thanh càng nghe càng thổn thức, nước mắt càng chảy dài, đâu có nghe được hết đâu. Chỉ đến khi Thanh nghe tiếng bố nhỏ nhẹ:

– Mình lại khó thở phải không? Đừng nói gì nữa, cứ để con được bình tâm.

Thanh không nghe tiếng mẹ đáp lại. Có lẽ mẹ cũng đang khóc. Nước mắt mẹ không lã chã rơi như Thanh, mà chảy ngược vào trong.

– Mẹ! Mẹ chuẩn bị đi đâu đó? Cho Na đi theo được không?

Thanh giật mình. Nếu không có con gái và mẹ vào thì có lẽ cô còn chìm trong dòng ký ức buồn đó. Cô ôm con gái vào lòng, hôn lên trán nó, mỉm cười nhìn mẹ như dò hỏi. Mẹ Thanh kéo tay cháu ngoại về phía mình:

– Con cứ đi. Bé Na hãy để ở nhà với ông bà.

Thanh không nói gì, chỉ nhẹ cúi đầu đáp lời mẹ. Bởi Thanh biết, mẹ hiểu Thanh nghĩ gì, muốn gì. Năm ấy, nếu không có mẹ bao dung luôn bên cạnh động viên thì… Thanh lắc đầu, xua đi mớ ý nghĩ cũ chực quay lại. Cô đứng lên, thơm con gái, chào mẹ rồi đi.

Thanh bước vào quán, giai điệu nhẹ nhàng của bài hát quen thuộc khiến cô nhoẻn miệng cười. Cô đưa mắt nhìn quanh. Bỗng cô đứng khựng lại, nụ cười trên môi vụt tắt.

Thanh quay phắt sang phía người đàn ông đang chăm chăm nhìn mình, đôi mắt chất chứa bao căm hận, cô gắt lên:

– Lẽ ra hôm nay tôi không nên đến đây.

– Anh xin lỗi. Nhưng xin hãy nghe anh nói – Đức thiết tha.

Thanh và Đức ngồi đối diện, chẳng nhìn nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ của riêng mình. Ngày xưa, Thanh vẫn muốn một lần gặp lại anh ta để hỏi xem, tại sao năm đó anh ta lại bỏ rơi Thanh như vậy? Thanh muốn gặp lại dù chỉ để nói cho anh ta biết anh ta là thằng hèn. Vậy mà nay gặp lại rồi, cô lại chẳng thể xối xả vào mặt anh ta những căm hận trong lòng như đã từng nghĩ.

– Thanh, hãy tha lỗi cho anh. Chúng ta làm lại được không?

Thanh ngẩng lên nhìn Đức nhếch mép cười. Cô cố giữ bình tĩnh:

– Lúc tôi cần anh nhất, anh ở đâu? Bây giờ cuộc sống của tôi rất bình yên, anh đừng khiến nó trở nên sóng gió.

– Thanh, anh biết sai rồi. Ngày đó, nghe em nói là có thai, anh sợ quá, anh…

– Anh sợ? Còn tôi? Anh sợ nên có quyền bỏ mặc tôi một mình? Anh sợ nên mặc cho mẹ của anh đay nghiến, sỉ nhục mẹ con tôi thế nào cũng được sao?

Thanh mở to mắt tức giận nhìn thẳng vào Đức nhấn từng lời.

– Ngày đó, tôi đã muốn chết đi. Mỗi lời của mẹ anh như muôn ngàn mũi kim châm vào lòng tôi, âm ỉ đau…

– Em, sau khi học xong anh có về tìm em, nhưng…

– Anh tìm tôi để làm gì? Lúc tôi cần anh nhất anh không xuất hiện. Tôi làm sao có thể tiếp tục sống ở đó khi nhà tôi cách nhà anh chỉ một con phố! Thực sự giờ nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao mình có thể vượt qua được quãng thời gian đó.

– Ngày đó, anh còn trẻ, suy nghĩ nông nổi, chỉ sợ có con rồi thì không được đi du học nữa.

– Vậy nên anh có quyền bỏ mặc mẹ con tôi? Anh đúng là đồ hèn. Vậy mà giờ còn dám vác mặt đến gặp tôi sao? Anh muốn làm lại sao? Xin lỗi, tôi chỉ là “đứa vô giáo dục”. Ngày trước, mẹ anh bảo vậy, nên không chấp nhận tôi đấy. Giờ thì tôi lại càng không xứng với anh đâu. Anh học hành đàng hoàng, hẳn hoi, còn tôi, nhờ sự hèn nhát của anh đã không thể tiếp tục học. Cố lắm tôi cũng chỉ học được hết cấp 3. Giờ tôi chỉ là một đứa trồng rau nuôi gà, không xứng với anh chút nào đâu (Thanh mỉa mai). À, mà anh đi gặp tôi thế này đã hỏi ý kiến mẹ anh chưa?

– Em thay đổi nhiều quá!

– Nhờ sự ích kỷ của anh và mẹ anh đấy.

– Anh biết mình sai rồi. Cho anh cơ hội được sửa sai, được không? Với lại, con nó cũng cần có cha.

Vừa nghe vậy, Thanh giận dữ nhìn thẳng vào Đức:

– Anh mà cũng nghĩ được như vậy sao? Đúng, con nó cần có cha. Nhưng đó là ngày xưa, ngày nó nằm trong bụng tôi kìa. Còn bây giờ, nó đã quen sống không có cha rồi. Mà nếu có, cũng không phải là người cha như anh.

– Em nói vậy nghĩa là sao?

– Nghĩa là tôi và anh không còn gì để nói. Chào anh. À, tôi mong anh đừng bao giờ tìm gặp lại tôi nữa.

Thanh nói xong, đứng dậy bỏ đi. Mặc kệ Đức ngồi thẫn thờ một mình. Thanh phóng xe nhanh về nhà, trời về chiều, gió thổi nhè nhẹ, lùa cả vào mắt Thanh cay cay. Cô hít thật sâu rồi thở hắt ra như trút bỏ khối nặng bấy lâu nay bám mãi trong lòng mình. Cô nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến con gái nhỏ, đến vườn rau. Chiều nay là ngày Lực sang lấy rau. Nghĩ đến Lực, tự nhiên lòng Thanh xốn xang. Nghĩ lại câu nói trong quán với Đức, Thanh thấy hai má mình nóng ran: “Nó đã quen sống không có cha rồi. Mà nếu có cũng không phải người cha như anh”. Phải rồi, sẽ không phải người như anh ta.

Thanh về đến nhà, vội thay quần áo rồi ra vườn rau. Thấy cha ngồi thừ bên bộ bàn ghế tre trong chòi, ca nước vối vẫn còn nguyên. Mẹ thì lúi húi xếp gọn những mớ rau. Thanh chào cha, rồi đi ra chỗ mẹ:

– Mẹ, anh Lực chưa sang lấy rau ạ? Mà sao hôm nay nhổ nhiều vậy ạ? Bé Na đâu rồi mẹ?

– Cậu ấy sang rồi, sang từ sớm, nhổ rau giúp luôn. Cậu ấy bảo đợt này mấy mối quen dặn thêm nhiều… Mà khi nghe kể con đi gặp thằng Đức thì cậu ấy buồn buồn, ít nói hẳn. Rồi cậu ấy chở trước một phần rau qua bên đó, đến giờ chưa thấy sang lại. Bé Na thấy lâu, ra bến sông đợi rồi. Cậu Lực thực sự thương con và bé Na đấy.

– Vâng.

– À, thế còn chuyện chiều nay thì sao?

– Con người đó không đáng làm cha bé Na mẹ ạ!

– Thế cậu Lực có đáng không? – Cha Thanh đã đứng đằng sau hai mẹ con từ khi nào. Ông nhặt những mớ rau nhẹ nhàng xếp vào những túi lớn cột lại, thủng thẳng:

– Con định để người ta chờ đến khi nào?

Thanh thẹn thùng, đứng dậy:

– Con ra ngoài kia gọi bé Na về.

Thanh ra đến bến sông, con gái đang ngồi bên vệ cỏ, ngóng sang phía chiếc thuyền con cột bên kia. Thanh ngồi xuống bên con, xoa đầu nó. Con bé nép vào lòng mẹ:

– Hôm nay chú Lực về lâu quá mẹ. Na chờ mãi.

– Lát chú sẽ sang thôi.

Thanh lấy điện thoại, nhắn tin: “Sao anh còn chưa sang lấy rau. Em và cả nhà đang chờ” rồi gửi tới Lực. Cô ngồi bên con, nhìn con thuyền nằm im lìm trên bến. Mới cuối chiều, trăng đã lên. Trăng non đầu tháng mỏng như lưỡi liềm, treo lửng lơ trên bầu trời chiều trong vắt. Gió từ mặt sông thổi vào mát rượi, con bé tựa đầu vào lòng Thanh thiu thiu ngủ. Phía bên kia, có bóng người đi ra bờ sông, con thuyền rời bến, tiến dần về phía bên này.

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy/ Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/don-thuyen-ve-ben-20220514202537864.htm


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ