Đọc sách: Milan Kundera lên chuyến tàu bất tử

12:24 | 30/09/2023

Có một nhà văn từ hơn ba chục năm qua luôn đứng đầu danh sách ứng cử viên của giải Nobel văn chương. Hàng năm, khi hội đồng Nobel xướng tên người duy nhất đoạt giải, người hâm mộ ông lại thêm một lần thất vọng và trách giận hội đồng Nobel. Và họ hoàn toàn bất bình với hội đồng Nobel khi rốt cuộc tượng đài văn chương đó đã ra đi ngày 11.7.2023, thọ 94 tuổi. Nhà văn đó là Milan Kundera.


Gia tài văn chương của Milan Kundera gồm mấy chục cuốn sách, không nặng về trọng lượng giấy in mà nặng về tư tưởng và cảm xúc. Ông được đánh giá cao ở tiểu thuyết và tiểu luận, mỗi tiểu luận đều là nguyên vẹn một cuốn sách dày dặn. Tiểu luận của ông sinh động, mang chứa nhiều câu chuyện, nên có thể đọc như tiểu thuyết. Còn tiểu thuyết của ông thì đọc như tiểu luận. Trong tiểu thuyết ấy các nhân vật hư cấu và có thật giao tiếp với nhau, các tình huống hư cấu và hiện thực giao nhau, các chi tiết đời sống được đặt bên những nghị luận về văn chương, mỹ thuật, âm nhạc thành một thể tổng hợp. Điển hình của hình thức tiểu thuyết này là cuốn Sự bất tử. Ở đó, tiểu thuyết và tiểu luận hài hòa ở mức độ cao, vừa mài sắc tư duy người đọc, vừa đem đến những rung cảm tuyệt đẹp.

Tiểu thuyết Sự bất tử mở đầu bằng một khoảnh khắc: “Người phụ nữ ấy độ tuổi sáu mươi, sáu lăm… Bà ta mặc đồ tắm đi dọc bể bơi và khi đi qua anh chàng huấn luyện viên cách chừng bốn năm thước, bà ta quay đầu về phía anh chàng, nhoẻn cười và làm cử chỉ của một bàn tay. Tim tôi se thắt. Nụ cười và cử chỉ đó là của một cô gái hai mươi! Cánh tay bà ta bay lên thật nhẹ nhàng, quyến rũ. Giống như bà ta đùa giỡn tung cho người tình một quả bóng nhiều màu… Dù thế nào chăng nữa cái khoảnh khắc ấy… bà ta không nhớ gì đến tuổi tác của mình. Nhờ cái cử chỉ ấy, chỉ trong vòng một giây, một chút gì là bản chất sự duyên dáng của bà ta không bị ảnh hưởng bởi thời gian đã lộ ra…” (trang 7 – 8).

Trong suốt tiểu thuyết, cử chỉ vẫy tay này truyền qua nhiều nhân vật, qua thời học sinh cho đến tuổi trẻ, đến thời cao tuổi của họ, rồi được nhắc lại ở cuối sách theo một cấu trúc vòng tròn.

Tên sách là Sự bất tử, tất nhiên tác giả phải tái hiện những khoảnh khắc bất tử (như cái vẫy tay của người đàn bà ở trên) và bàn luận về sự bất tử. Từ chuyện có thời những người mẹ theo đạo nhắc nhở trẻ con: “Chúa nhìn thấy con đấy” để chúng không dám nói dối, không có những cử chỉ vụng trộm khi ở một mình… đến việc “ngày nay con mắt của Chúa đã được thay bằng ống kính”. Một ca mổ gây chết người khiến công chúng đòi đặt máy quay trong các phòng mổ – đó cũng là “con mắt giám sát của Chúa”, để ghi lại từng khoảnh khắc, lưu giữ nó, và như vậy khiến nó trở thành bất tử.

Trong đời sống, người săn ảnh ẩn nấp ở khắp nơi và ai ai cũng có thể bị chụp trộm. “Một giây trong đời thay vì biến thành hư vô như tất cả những giây phút khác của cuộc đời, thì sẽ mãi bị bứt khỏi dòng chảy thời gian, và có thể một hôm, vì một sự ngẫu nhiên ngu ngốc nào đấy nó sẽ sống lại, giống như người chết chôn cất chưa kỹ” (trang 48).

Milan Kundera đưa người đọc về những thế kỷ trước, khi chưa có ống kính xung quanh, để tiếp cận thi hào Đức Goethe. Cô bé Bettina mê thơ ông, và khi lớn lên, lấy chồng rồi, cô vẫn bị ám ảnh và điên cuồng tiếp cận ông. Kundera ghi lại cả tiếng cười bất tử, câu nói bất tử của Bettina mạt sát bà vợ của Goethe. Sau này, khi Goethe đã mất, Bettina bịa thêm nhiều ý trong những bức thư nàng gửi cho Goethe, đưa xuất bản tập sách năm 1835 và tâm niệm mình đã bất tử, nhưng lại quên đốt những bức thư thật đi. Nhiều thập kỷ sau, người ta tìm ra những bức thư gốc và phát hiện ra rằng nàng đã xuyên tạc. Việc nàng quên đốt thư gốc được Kundera luận: “Con người nghĩ đến sự bất tử lại quên nghĩ đến cái chết” (trang 108).

Chạm đến những nhân vật bất tử, Kundera thả cho trí tưởng tượng tự do khôn cùng. Ông cho Goethe và Hemingway, hai người ở hai thời đại khác nhau, gặp gỡ và đàm luận. Đây là hai con người mà sách viết về họ có hàng trăm cuốn, và thật trớ trêu, sách ấy lại được quan tâm hơn chính tác phẩm của họ. Kundera để cho Hemingway luận về sự bất tử: Để khuất mắt công chúng ồn ào và đặt điều “tôi phải chuyển sang ở Cuba. Khi được giải Nobel, tôi từ chối đến Stockholm nhận giải. Tôi đang nói với anh là tôi phỉ nhổ vào sự bất tử, và tôi xin nói thêm rằng: khi lần đầu biết cái sự đó đang vây bọc tôi, tôi đã khiếp sợ hơn cả khi nghĩ về cái chết. Con người có thể chấm dứt cuộc đời. Nhưng không thể chấm dứt sự bất tử. Chỉ cần sự bất tử đặt anh lên tàu, thế là anh đã không thể rời khỏi nó, thậm chí nếu có thể tự bắn vào mình thì anh vẫn nằm lại trên boong tàu cùng với vụ tự sát của mình, và đó là một cơn ác mộng thật sự” (trang 118).

Có sự bất tử tuyệt vời, có sự bất tử ngẫu nhiên và giản đơn… Nhưng Kundera còn chỉ ra một sự bất tử khác, làm đối trọng. Ông kể chuyện tổng thống Mỹ Jimmy Carter xuất hiện trên truyền hình, chạy thể dục cùng với một nhóm cộng sự và vệ sĩ, muốn chứng tỏ cho công chúng thấy sự trẻ trung mãi mãi. Nhưng bất ngờ ông bị đau tim, “cái miệng méo xệch khốn khổ”. “Như thế là ông ta bước vào sự bất tử mà chúng ta gọi là sự bất tử lố bịch. Tycho Brahé là một nhà thiên văn vĩ đại, nhưng đến nay chúng ta chỉ nhớ về ông một chuyện là trong bữa tiệc tối trọng thể tại cung điện hoàng gia ở Praha, ông ta ngại đi toa lét giữa chừng bữa ăn nên cố nhịn tiểu, cuối cùng bọng đái vỡ tung, lập tức ông ta giành được sự bất tử lố bịch của kẻ tuẫn tiết vì xấu hổ và nước tiểu…” (trang 73).

Kundera còn dẫn thêm một số trường hợp bất tử lố bịch khác, và luận về nhiều vấn đề khác nữa, nhưng phương pháp tiểu thuyết của ông là không kể sự việc mà luận về sự việc, không đơn thuần phản ảnh hiện thực mà là suy ngẫm về hiện thực. Nó đánh thức và kích hoạt sự sắc sảo có thể đang ngủ yên trong người đọc. Từng trang văn của ông mang nặng sức chứa, cho nên dù gây cảm hứng tuyệt vời thì cũng không thể đọc liền một hơi. Nó đòi hỏi sự nhấm nháp mỗi lần vài ba chương rồi phải dừng lại ngẫm ngợi. Đó là thứ essence tinh chất của văn chương, không còn làm phiền người đọc bằng những đống nguyên vật liệu. Câu chuyện trong sách cũng không đơn thuần chỉ là luận đề, tác giả tài tình dẫn dắt người đọc qua những chuyện tình, không chỉ tay ba tay tư, mà thậm chí là… tay năm và hơn nữa, như một mạng lưới được dệt bằng bàn tay khéo léo bậc thầy.

Đấy là lý do khiến rất nhiều người yêu văn chương đã chọn Milan Kundera là nhà văn được yêu thích nhất của thời đại, nhà văn trí thức nhất trong các nhà văn.

Vì vậy, người dịch tiểu thuyết và tiểu luận của Kundera phải là người gọi ra được cá nhân nghệ sĩ và cá nhân nhà lý luận ở ông. Phải là những câu chữ thật sự nghệ sĩ đi cùng với tư duy lý luận sắc bén. Đã có khoảng mười lăm cuốn sách của Kundera được dăm người biên dịch chuyển ra tiếng Việt, nhưng người tiếp cận được phong cách tác giả ở khoảng cách gần nhất là Ngân Xuyên, qua bản dịch những tiểu thuyết Sự bất tử, Chậm, Căn cước và tập truyện Sách cười và lãng quên… Người đọc đang đón chờ tiểu thuyết Trò đùa và vở kịch Jacques và Ông chủ của Milan Kundera qua bản dịch của Ngân Xuyên.

Hồ Anh Thái

Nguồn: Daibieunhandan.vn

https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/doc-sach-milan-kundera-len-chuyen-tau-bat-tu-i344886/?fbclid=IwAR3dcFhbmBrEgyb-0XRvFrxHTMnEfTyN8yKlk_Y0HmWC_SrYuEXoaBZYGqw_aem_AbqlS3__5cmaR02pEfHDkniw3YSC6brM2RsYgu_oYRR8kmSo1slvqSClgMzrAQCR0gQ

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.