Dốc lòng làm sống lại đồ chơi dân gian

9:06 | 29/08/2022

Trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy của các em thiếu nhi Thủ đô mỗi dịp Trung thu tháng Tám. Nhờ có sự kết nối giữa bảo tàng và các nghệ nhân dân gian, nên việc bảo tồn, hướng dẫn các em thiếu nhi làm đồ chơi truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học đã làm sống lại đồ chơi dân gian.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các bạn nhỏ cách vận hành đèn kéo quân.

Hết lòng giữ gìn nghề làm đồ chơi truyền thống

Ông Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt lướt nhẹ trên chiếc đèn kéo quân được làm từ tre nứa và giấy bóng.

Ông Quyền cho biết, từ nhỏ ông đã được chơi và làm đồ chơi dân gian theo sự hướng dẫn của người lớn. Sau này, đồ chơi công nghiệp bán sẵn nhiều, phong trào làm và chơi đồ chơi dân gian bị lắng xuống ông đã vận động những người biết làm đồ chơi truyền thống trong thôn tiếp tục duy trì làm diều, đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy… để cho con cháu vui chơi.

Trước đó, năm 2007 ông Nguyễn Văn Quyền được Bảo tàng Dân tộc học mời tham gia trình diễn và hướng dẫn làm đèn kéo quân. Sau khi tham gia chương trình ở bảo tàng, ông Quyền thấy được ý nghĩa nhân văn, tính giáo dục trong việc giới thiệu, hướng dẫn trẻ em làm đồ chơi dân gian nên ông càng say mê hơn. “Đây là những đồ chơi do các cụ truyền lại, nó gắn bó với tôi từ thời ấu thơ và ăn sâu trong tiềm thức của tôi”, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.

Ông Quyền cho rằng, để đồ chơi dân gian được trẻ em biết đến nhiều hơn cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đánh thức đam mê của công chúng.

Cũng theo ông Quyền, ở nhà các ông bố, bà mẹ hãy cùng học và làm đồ chơi dân gian, hiểu ý nghĩa của từng loại đồ chơi để giáo dục, hướng dẫn các con. Nếu tất cả cùng chung tay, góp sức với các nghệ nhân, chắc chắn đồ chơi dân gian sẽ được khôi phục và phát huy.

Còn với nghệ nhân Nguyễn Thị Hương Thủy, nhà ở số 17, ngõ 44, phố Đỗ Quang, Cầu Giấy (Hà Nội) lại có một cơ duyên khác khi chị bùi ngùi chia tay nghề làm báo để đến với nghề làm hoa đất. Tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đã từng làm ở một tờ báo ngành, nhưng sau đó chị Hương Thủy đã bỏ nghề làm báo và bén duyên với nghề làm hoa đất.

Từ năm 2012 đến nay chị đã gắn bó với Bảo tàng Dân tộc học và mỗi mùa trăng tháng Tám, chị lại cùng các cộng sự hướng dẫn, dạy trẻ em làm hoa đất. Chính nghề làm hoa đất đã mang lại cho chị sự thư thái, sâu lắng, tĩnh tại qua từng sản phẩm được bàn tay tài hoa khéo léo của chị tạo ra.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương Thủy (người mặc váy trắng) hướng dẫn các bé nặn con giống bằng đất nặn.

Nghệ nhân Hương Thủy cho biết, lúc mới được mời tham gia hoạt động của bảo tàng, chị cũng chỉ mong muốn được thử sức ở môi trường mới dù vẫn có sự đắn đo, ngần ngại.

Khi tham gia trình diễn, hướng dẫn làm hoa giấy, hoa đất ở Bảo tàng Dân tộc học không ngờ được công chúng đón nhận một cách hào hứng, tích cực điều này đã tiếp thêm động lực cho nghệ nhân Hương Thủy, có sự tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, phù hợp với nhu cầu của trẻ em.

Qua những chương trình do bảo tàng tổ chức chị Thủy cũng hiểu và nắm bắt được nhu cầu của công chúng đối với loại hình sản phẩm của mình. Bởi vậy trước khi đến với Bảo tàng Dân tộc học, nghệ nhân Hương Thủy thường dành ra ba tháng để tìm hiểu, chuẩn bị các mẫu.

Được biết nghệ nhân Hương Thủy đã có sự cải tiến trong cách tạo hình những con giống đáng yêu, với những chi tiết đặc thù, dễ nhận biết nhưng cũng rất đơn giản để trẻ em có thể tự làm. Với nghệ nhân Hương Thủy, điều tâm đắc khi tham gia hoạt động ở Bảo tàng chính là được giới thiệu, hướng dẫn trẻ em cách tạo ra các sản phẩm bằng giấy và đất nặn để các em thêm yêu thích và trân trọng những đồ chơi do chính mình làm ra.

“Tôi mong muốn các chương trình, hoạt động sự kiện của Bảo tàng Dân tộc học dành cho thiếu nhi được tổ chức với quy mô, phạm vi lớn hơn, để các nghệ nhân được cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc giới thiệu về các sản phẩm thủ công truyền thống”, nghệ nhân Hương Thủy cho hay.

Sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi

Chị An Thu Trà, cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học cho biết: Hơn 20 năm qua, các nghệ nhân trên cả nước đã cùng bảo tàng kiên trì, duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồ chơi dân gian. Bảo tàng luôn tìm tòi, thuyết phục, kết nối, tạo không gian để các nghệ nhân có cơ hội trình diễn, giới thiệu đồ chơi truyền thống đến du khách trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của các món đồ chơi có nguy cơ thất truyền như ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây, trống bỏi…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương Thủy (người ngồi thứ 2 từ trái sang phải) cùng các cộng sự chuẩn bị vật dụng để hướng dẫn trẻ em cách làm các sản phẩm từ đất nặn.

Đón Trung thu năm nay, Bảo tàng Dân tộc học cũng sẽ tổ chức các hoạt động làm đồ chơi dân gian. Đây không chỉ nhằm giới thiệu đến công chúng vẻ đẹp, ý nghĩa của các món đồ chơi truyền thống mà còn muốn kể cho các bé những câu chuyện về nghề làm đồ chơi thủ công gắn liền với từng nghệ nhân.

Nhiều nghệ nhân đã gắn bó với Bảo tàng Dân tộc học trên dưới 10 năm như ông Nguyễn Văn Quyền (nghệ nhân làm đèn kéo quân), chị Nguyễn Thị Hương Thủy (nghệ nhân làm hoa đất), ông Nguyễn Văn Hòa (nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi)…  Nhiều người đã chứng kiến nguy cơ biến mất của các món đồ chơi dân gian nên họ đã có sáng kiến cùng Bảo tàng Dân tộc học khôi phục, duy trì, phát triển một số đồ chơi truyền thống nhằm giới thiệu đến công chúng.

Mỗi món đồ chơi được gìn giữ đến ngày nay đều gắn với những câu chuyện truyền nghề, giữ nghề của từng nghệ nhân. Những câu chuyện này được chính các nghệ nhân chia sẻ thông qua hoạt động trình diễn, hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm.

“Đến đây các bạn nhỏ sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn làm những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đen con thỏ, mặt nạ giấy bồi, diều rô… Du khách có cơ hội thưởng thức những màn múa lân sư sôi động và trải nghiệm thử tài múa lân của các em nhỏ. Những bạn thích khám phá ẩm thực được làm thử bánh dẻo, giã cốm theo kỹ thuật dân gian. Bên cạnh đó, công chúng có cơ hội chơi một số trò chơi truyền thống như: Nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, đi goòng, ô ăn quan…”, chị An Thu Trà cho hay.

Thông qua hoạt động này, Bảo tàng Dân tộc học mong muốn công chúng hiểu thêm về sức sống của các đồ chơi dân gian được duy trì bởi sự đam mê giữ nghề, truyền nghề, lan tỏa vẻ đẹp của đồ chơi đến thế hệ trẻ trong bối đất nước đang cảnh hội nhập quốc tế.

Trong hai ngày 3 và 4/9/2022 (tức ngày 8, 9/8 âm lịch) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Trung thu – Sức sống đồ chơi dân gian”.

Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/doc-long-lam-song-lai-do-choi-dan-gian-20220828072013960.htm


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth