Kết thúc ngày thi đầu tiên (2/6) kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười tại TP.HCM, đề thi ngữ văn khiến giới nhà giáo nức lòng, còn thí sinh thích thú khi được thoát khỏi những đề văn thực tế nửa vời kiểu giáo điều…
Điều đọng lại sau ngày thi đầu tiên của kỳ thi này chính là đề thi ngữ văn được đánh giá cao, khơi gợi được cảm xúc của cả người dạy và người học văn. “Quá đỉnh”, “đề văn làm chúng ta không thất vọng”… là những dòng chủ lưu trên mạng xã hội của rất nhiều giáo viên dạy văn ngay sau buổi thi.
Quen nhưng không cũ
Vẫn với cấu trúc quen thuộc, nhưng đề thi làm thí sinh thấy phấn khởi, thích thú khi đọc đề và làm bài. Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Điện Biên cho biết: “Câu hỏi nghị luận văn học đưa ra yêu cầu viết về tình cảm gia đình, em thấy gần gũi. Em liên hệ thực tế câu chuyện gia đình mình để đưa vào bài làm”. Còn thí sinh Ngọc Nhi (Trường THCS Đống Đa) nói: “Em thích nhất là câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh nhìn vào hình vẽ các cây, từ đó bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ đối với ai đó nổi bật hơn mình”.
Đề văn lần này còn thuyết phục cả người dạy văn. Thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân) nhận định: cách ra đề không gây quá nhiều bất ngờ bởi vẫn đúng như cấu trúc trong những năm gần đây nhưng thu hút và được đánh giá rất hay. “Câu nghị luận xã hội tương đối hay, tôi thích nhất câu này. Vấn đề được chọn cho mỗi cây cũng khá thú vị… Đến câu nghị luận văn học ra dạng đề mà học sinh THCS rất thích, dạng đề tạo nhiều cảm xúc để viết. Đây cũng là hai tác phẩm học sinh rất thích trong chương trình học nên dễ dàng thăng hoa khi viết”, thầy Đức Anh phấn khởi nói.
Thầy Nguyễn Hữu Dương, Trường THPT Vĩnh Viễn, khẳng định: nội dung đề thi khá hay, gần gũi, có tính giáo dục, thời sự, tạo được hứng thú và cơ hội để học sinh phát huy khả năng. Đề thi phù hợp với yêu cầu đổi mới trong việc đánh giá năng lực học sinh, có tính phân hóa tương đối cao.
Theo thầy Dương, câu 3 đề 1, vấn đề nghị luận văn học được nêu theo hai kiểu: kiểu đề quen thuộc và kiểu đề mở. Cách ra đề này vừa thuận lợi cho thí sinh, vừa giúp những học sinh giỏi giàu tư duy trừu tượng có thể lựa chọn và phát huy sở trường của mình. Phân tích để trình bày cảm nhận về tình cảm của người cha đối với con trong bài Chiếc lược ngà, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích và tổng hợp. Sau đó, thí sinh phải liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc một tác phẩm viết về đề tài gia đình để thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình. Đây là yêu cầu tuy không quá khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải có tri thức về cuộc sống cũng như văn học và còn phải chú ý đến yêu cầu của đề “thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình trong tác phẩm mà thí sinh nhắc đến”.
Câu 3 đề 2 là câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh đề cập đến tác động của tác phẩm văn học đối với bản thân các em. Đây là một chủ đề gần gũi và thú vị, đòi hỏi thí sinh phải có cảm nhận chân thực, sâu sắc đối với tác phẩm mình lựa chọn, rất phù hợp với học sinh yêu thích văn chương, phát huy được sự cảm thụ và năng khiếu.
Thoát khỏi giáo điều
Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nhìn nhận: đề hay, khoa học, vừa sức học sinh và có tính phân loại cao. Ngoài tính thời sự, ưu điểm của câu hỏi là không đòi hỏi học sinh thuộc lòng, yêu cầu khả năng phân tích tổng hợp, thể hiện quan điểm cá nhân và phải có cái nhìn đa chiều.
“”Dự đoán khi chấm sẽ rất thú vị, nhất là câu 2. Đây là mô-típ ra đề quen thuộc nên học sinh không bỡ ngỡ nhưng vẫn có tính sáng tạo. Các em được bộc lộ quan điểm, thoát khỏi những ý nghĩa giáo điều. Câu hỏi về tình cảm gia đình giúp học sinh liên hệ thực tế, có tính giáo dục và nhân văn”, thầy Bảo nói.
Vì sao giáo viên dạy văn lại phấn khởi khi đề thi hay? Bởi vì “nói thế nào đi nữa thì chúng ta không thể thay đổi được hiện trạng thi gì học nấy. Nên với những đề thi có chất xám, có đầu tư, có gợi mở sẽ giúp việc học thay đổi theo xu hướng tích cực. Cả học sinh và người dạy sẽ không dám “lười biếng” nữa mà buộc phải tư duy, cảm thụ văn học nhiều hơn”, một giáo viên văn nói.
Theo giáo viên này, không ít kỳ thi chạy theo xu hướng ra đề có hướng ứng dụng, cứ cái gì thời sự liền đưa vô đề. Chúng ta nên tránh đổi mới theo kiểu chạy theo phong trào như thế. Thay vào đó, nên hướng vào cách kiểm tra giúp người học văn được thoát khỏi những đổi mới nửa vời, giáo điều, mà được thỏa sức “tung tẩy” trong sự sáng tạo.
Theo Báo phụ nữ