Thiết bị giúp tương tác tập luyện khớp cổ tay, hỗ trợ phục hồi chứng năng đối với các di chứng, khuyết tật trong vận động sau đột quỵ hay tai nạn. Thiết thực giúp bệnh nhân khôi phục chức năng vận động của chi trên, sớm hòa nhập với cuộc sống.
Nhóm nghiên cứu của TS.Phan Gia Hoàng (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) vừa nghiên cứu, chế tạo thành công một thiết bị vật lý trị liệu mới theo công nghệ robotics, dùng để hỗ trợ phục hồi chức năng chuyển động của cổ tay cho bệnh nhân bị đột quỵ hoặc có các tổn thương về hệ thần kinh.
Thiết bị được thiết kế dựa trên cơ sở y học và đặc tính chuyển động của khớp cổ tay và cẳng tay. Thiết bị sẽ cung cấp các bài tập phục hồi chức năng đa dạng dưới hình thức trò chơi tương tác, giúp cho bệnh nhân thích thú tập luyện. Ngoài ra, thiết bị cũng có chế độ giúp bệnh nhân dùng tay bình thường tập cho tay bị đột quỵ, mang lại cảm giác vận động tốt hơn cho bệnh nhân, từ đó giúp kết quả hồi phục tốt hơn.
“Thiết bị giúp tương tác tập luyện khớp cổ tay” được sử dụng tại bệnh viện Gia An 115 (quận Bình Tân, TP.HCM) – Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Theo nhóm nghiên cứu hiện nay tỷ lệ người bị chấn thương, khuyết tật do các di chứng sau tai nạn chấn thương, hay do mắc các bệnh lý như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người sau đột quỵ, gãy xương do bệnh lý hoặc một số tác nhân khác… ngày càng gia tăng; dẫn đến việc không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe – công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trong đó, có đến 80% người bị đột quỵ có những khiếm khuyết chi trên như trật khớp vai, suy giảm cảm giác, yếu cơ, rối loạn chức năng chi trên. Việc tập luyện phục hồi chức năng chi trên là một trong những mục tiêu tập luyện phục hồi quan trọng sau đột quỵ.
TS. Phan Gia Hoàng cho biết “Thiết bị giúp tương tác tập luyện khớp cổ tay” có thể sử dụng độc lập, giảm thiểu sự hỗ trợ của kỹ thuật viên (trong trường hợp người bệnh sử dụng hệ thống tại nhà riêng), theo dõi sự tiến triển của bệnh nhân, kết nối với bác sĩ, dễ sử dụng và giá thành hợp lý. Đặc biệt do áp dụng công nghệ vào việc hỗ trợ phục hồi chức năng, nên toàn bộ dữ liệu luyện tập của bệnh nhân sẽ là cơ sở để bác sĩ, hay kỹ thuật viên chỉ định phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh, giúp rút ngắn thời gian hồi phục.
“Thiết bị giúp tương tác tập luyện khớp cổ tay” đã được sử dụng thực nghiệm trên nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Gia An 115 (quận Bình Tân, TP HCM) kết quả ghi nhận là rất tích cực. Nhóm nghiên cứu cho hay sẽ tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên nhiều bệnh nhân hơn nữa, để hoàn chỉnh hiệu quả hoạt động của thiết bị.
Mai Chân
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/doc-dao-thiet-bi-ho-tro-phuc-hoi-chuc-nang-cho-khop-co-tay-20220623181326455.htm