Độc đáo nhà dài dân tộc Cor

9:30 | 23/03/2022

Ngôi nhà dài truyền thống không chỉ là không gian kiến trúc độc đáo mà còn chứa đựng những nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc Cor.


Một nóc nhà cũng tạo thành làng

Người Cor là một trong số 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Người Cor cư trú chủ yếu ở khu vực thung lũng thượng du các huyện Trà Bồng, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Bắc Trà My, Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). Dân số người Cor theo con số điều tra năm 2019 là 40.442 người.

Ngày xưa, mỗi làng người Cor thường chỉ có một nóc nhà. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà sau đó từng hộ được chia diện tích riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngôi nhà có thể nối dài thêm cho những gia đình đến nhập cư sau, nên có thể có nóc nhà dài tới gần 100m.

Các thiếu nữ Cor với điệu múa cổ truyền bên nhà dài của người Cor tại Làng Văn hóa – Du lịch Các dân tộc Việt Nam.

Làng của người Cor bao giờ cũng được định vị hợp lý theo tập quán cổ truyền. Trước hết, phải tiện nguồn nước và ở nơi cao ráo, thoáng đãng. Quan trọng nữa là, chỗ ở và vùng canh tác không quá xa nhau, để dân làng có thể khai thác rừng và đất rừng xung quanh được lâu năm. Điểm đặc trưng nữa là nhà dài người Cor bao giờ cũng quay về hướng Đông Nam.

Mỗi nhà dài có mặt bằng hình chữ nhật, được cắt phần đầu hồi để làm hiên chung, gọi là a-tưl, còn lại chia dọc làm 3 phần. Phần hành lang chạy dọc giữa nhà, nối hai cửa trước, sau (gọi là truôk) tách ngôi nhà làm ba gian: Gian không ngăn vách gọi là gưl, dùng sinh hoạt chung cho làng. Phía đối diện gưl gọi là tum, gồm các ngăn nhỏ được chia cho từng gia đình; mỗi ngăn như vậy có cửa mở vào phần hành lang, phía lưng nhà có thể mở cửa nhỏ để trực tiếp đi xuống đất.

Về kết cấu, nhà được chống đỡ bằng những hàng cột bằng gỗ tốt dày đặc, vững chắc; kèo và các kết cấu chịu lực khác cũng bằng gỗ tốt có sức chịu đựng mưa nắng. Sàn nhà được lót bằng phên nứa, chỉ cách mặt đất khoảng 1 mét, hai cửa chính nằm ở đầu và cuối nhà được làm bằng tre đan dày, có nơi làm bằng gỗ tốt, chạm khắc điểm xuyết một vài hoa văn.

Theo truyền thống người Cor, mỗi khi nhà dài làm xong, họ thường trang trí để làm tăng thêm tính thẩm mỹ và tạo nét độc đáo của ngôi nhà.

Nhà càng dài – làng càng giàu

Với thiết chế xã hội cổ truyền, làng của người Cor là một đơn vị tự quản. Trong làng, đứng đầu làng là một trưởng làng. Người được suy tôn trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm và thuộc dòng họ có công lập làng.

Gia đình người trưởng làng thường được bố trí ở vào giữa ngôi nhà để tiện cho việc điều hành công việc sản xuất và liên hệ thông qua các hộ trong nhà dài. Người trưởng làng có nhiệm vụ đôn đốc cả làng lao động sản xuất, chỉ huy bảo vệ làng và tổ chức các nghi lễ truyền thống, dàn xếp các bất hoà hoặc xích mích trong cộng đồng, chủ trì xử phạt đối với những người trong làng vi phạm luật tục.

Ngoài người đứng đầu làng, ở mỗi làng người Cor còn có vài ba người phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm đỡ đẻ. Vai trò của những bà đỡ này trong làng rất lớn, nhất là khi hệ thống y tế vẫn là xa lạ với người Cor.

Vì mỗi làng chỉ có một nóc nhà nên làng của người Cor có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng. Dân cư trong làng người Cor thường có quan hệ thân thuộc với nhau hoặc về huyết thống, hoặc về hôn nhân. Trong xã hội Cor, các bô lão luôn được nể trọng.

Theo quan niệm của người Cor, ngôi nhà càng dài càng thể hiện được sự giàu có và sự trường tồn của một làng. Một số tài liệu cho thấy, cách đây chừng 50 – 70 năm, nhà dài vẫn hiện diện ở những vùng người Cor. Có những ngôi nhà dài tới hàng trăm mét, được ví von như chiếc tàu lửa.

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor cũng có nhiều nét đặc sắc.

Người Cor có tính cộng đồng rất cao, họ sẵn sàng giúp nhau trong mọi hoàn cảnh khó khăn hay hoạn nạn thiếu thốn. Với những thức ăn, thực phẩm… họ tự nguyện chia cho nhau, nhất là dịp săn được thú lớn, bắt được nhiều cá tôm, ủ được nhiều rượu cần ngon hay những khi có cúng bái, mổ lợn, mổ trâu. Đặc biệt, mỗi buổi sáng, trong căn nhà dài ấy thường phát ra tiếng kèn amap báo thức con cháu dậy sớm giã gạo, chuẩn bị cơm nước mang đi làm rẫy, vào rừng săn bắt, hái măng, lấy mật ong…

Cần được phục dựng, bảo tồn

Nhà dài là một kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người Cor. Nhà dài không chỉ là một nét đặc sắc của cư dân sinh sống ngàn đời trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nó còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên.

Tuy nhiên, từ khoảng những năm 1980, người Cor đã chuyển sang làm nhà ở như người Kinh và đến nay, kiểu nhà dài truyền thống của người Cor đã gần như biến mất hoàn toàn. Thay vào những ngôi nhà dài gắn liền với lối sinh hoạt truyền thống, là những gia đình nhỏ với cha mẹ và con cái sinh sống trong một ngôi nhà riêng biệt. Nếu có dịp đến các làng của người Cor hiện nay, không chỉ có vài ngôi nhà mà thường có rất nhiều nhà. Các nhà được dựng bên nhau theo kiểu cái nọ nối tiếp cái kia cách nhau khoảng từ 7 đến 10 m.

Trong một nỗ lực, năm 2005, tại thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) có phục dựng một ngôi nhà nguyên bản của người Cor, nhưng do kinh phí ít, vật liệu không chọn kỹ, nên ngôi nhà đã hư hỏng chỉ sau vài năm. Khi xây dựng các nhà văn hóa xã, thôn, nhiều địa phương ở huyện Trà Bồng cũng có mô phỏng nhà người Cor, nhưng việc mô phỏng bằng chất liệu bê tông cốt thép không mang nhiều ý nghĩa.

Nhà văn hóa thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) được xây dựng theo kiến trúc mô phỏng nhà sàn truyền thống người Cor.

Được biết, vài năm trước, nhà dài người Cor đã được phục dựng tại Làng Văn hóa – Du lịch Các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, như vậy là chưa đủ. Cần phục dựng một không gian nhà làng cổ truyền của dân tộc Cor theo đúng nguyên bản trên quê hương người Cor. Ngôi nhà phục dựng không cần quá lớn, nhưng tôn trọng tuyệt đối kiểu dáng, cách thức, vật liệu tự nhiên như xưa kia, do chính các thợ người Cor dựng lên.

Ngoài ra, cùng với phần kiến trúc, trong không gian nhà có thể trưng bày các công cụ lao động, y phục cổ truyền, nhạc cụ và cồng chiêng; ở sân có thể dựng cây nêu độc đáo của người Cor. Bên ngoài cần có một không gian thoáng rộng để tái hiện khung cảnh, cây trồng đặc trưng như cầu dây mây bắc qua suối, cây quế, cây mít, cây chò, chòi rẫy…

Theo Công luận


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ