Trong đời sống tâm linh của người H’Mông, thầy cúng có vai trò đặc biệt, thường được mời thực hiện các nghi lễ, lễ hội quan trọng của dân làng. Để “sứ mệnh” kết nối với các đấng siêu nhiên được suôn sẻ, người thầy cúng phải làm lễ xin phép hằng năm, với sự chứng kiến của nhiều bậc cao niên trong vùng.
Lễ cúng thần của người thầy cúng còn được gọi là cúng đón Tổ sư, được thực hiện vào thời điểm đầu năm mới, trong không khí Xuân tươi vui, với ước mong cho một năm hanh thông, nhiều may mắn, thuận lợi. Trong thần thoại của người H’Mông, Tổ sư là người dạy nghề cho các thầy cúng.
Ngoài hình thức “cha truyền con nối” thì đó còn là sự “lựa chọn” của thần linh nên thầy cúng không nhất thiết phải là con, cháu trong dòng họ. Ai được thần linh “chọn” thì người đó ắt có những khả năng khác người và được cộng đồng tin tưởng, lựa chọn.
Người làm nghề thầy cúng quan niệm, nếu không làm lễ cúng Tổ sư đầu năm, trong năm đó thầy cúng làm lễ cho các gia đình khác sẽ không được linh thiêng, do không được Tổ sư chỉ bảo, dẫn lối…
Để thực hiện lễ cúng thần, các thầy cúng phải chọn ngày đẹp trong tháng Giêng để làm lễ cúng, ngày đẹp phải là ngày đầu tháng Giêng và phải hợp với tuổi của thầy. Lễ vật cúng của mỗi thầy có thể khác nhau, nhưng không thể thiếu con gà trống (có ý nghĩa gọi mặt trời lên, biểu tượng của ngày mới, của sự sống…). Ngoài ra, nếu làm lễ to thì có thêm con lợn mổ sẵn, là vật hiến tế Tổ sư.
Bàn thờ ngày cúng được người H’Mông trang trí rất sặc sỡ bằng những hình cắt giấy, thể hiện 3 thế giới (Thế giới trên trời, thế giới dưới đất và thế giới dưới nước). Dải băng đen nối từ cửa vào ban thờ chính là cầu nối để Tổ sư về ngự trên ban thờ.
Những người chứng lễ là các bậc cao niên trong làng, có thể có sự tham gia của những người học trò của thầy cúng, ngoài ra còn có những người đã được thầy làm lễ trong năm trước đó.
Bà Má Thị Vu, 66 tuổi, ở thôn Lao Chải San (xã Lao Chải, Phường Hoàng Liên, Thị xã Sa Pa) đã làm nghề thầy cúng được đã được 25 năm. Bà cho biết, tùy theo điều kiện của gia đình mà mỗi thầy cúng có thể làm lễ to hoặc nhỏ, một lễ cúng to thường có 2 con gà trống, 1 con lợn, rượu trắng tự nấu, hương, giấy cúng và sừng trâu (để xin âm dương).
Đồ nghề của thầy cúng ngoài bộ lễ phục còn có dụng cụ khác như: trống, mấy cặp sừng trâu cưa đôi được dùng như đồng tiền gieo quẻ sấp ngửa của người Kinh… Ứng với từng nghi lễ mà thầy cúng có các bài cúng riêng, phù hợp. Tuy nhiên, dù thực hành nghi lễ nào thì nội dung các bài cúng đều giàu tính nhân văn, phù hợp với cuộc sống, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Theo Laodongthudo