Khi trưởng thành, lập gia đình và xây dựng được kinh tế riêng, người con sẽ tổ chức Lễ cúng báo Hiếu cha mẹ. Nghi lễ mang đậm tính nhân văn này có ý nghĩa đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.
Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Jrai, việc báo hiếu cha mẹ có ý nghĩa rất quan trọng. Việc báo hiếu bậc sinh thành không chỉ thể hiện qua cách cư xử với cha mẹ hàng ngày mà còn thể hiện bằng một nghi lễ trang trọng – Lễ cúng báo Hiếu.
Lễ cúng báo Hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa và ăn sâu vào đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Jrai tại xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Nghi lễ trang trọng này mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa rất lớn để cảm ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Lễ vật không thể thiếu trong Lễ cúng báo Hiếu mẹ cha của người Jrai ở Phú Thiện là 3 ghè rượu ngon
Trước khi tổ chức Lễ cúng báo Hiếu, người con phải xin ý kiến của cha mẹ. Sau khi được cha mẹ ấn định thời gian phù hợp, gia đình người con sẽ mang một số lễ vật đến nhà bậc sinh thành để tiến hành các nghi lễ.
Quy mô nghi lễ này được tổ chức tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Gia đình có điều kiện sẽ mổ trâu bò, ngược lại gia đình khó khăn hơn chỉ giết lợn gà. Điều quan trọng là tấm lòng chân thành của con cái đã ghi nhớ công ơn dưỡng dục của mẹ cha. Chỉ những người con trưởng thành, đã lập gia đình và tạo lập được kinh tế riêng mới được tổ chức Lễ cúng báo Hiếu cha mẹ.
Sau khi cầm cần rượu rót từ từ vào chân người được cúng, thầy cúng sẽ vang lên những câu khấn thần linh ban phước lành, bình an, giàu sang cho người được thụ hưởng
Theo ông Nay Hăng (65 tuổi) thầy cúng có tiếng ở thôn Plei Chrung, xã Ia Piar lễ vật không thể thiếu trong Lễ cúng báo Hiếu là 3 ghè rượu ngon và một số con vật như heo, gà, trâu, bò tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Khi làm lễ, người làm đặt 3 ghè rượu giữa nhà, cố định bằng cây tre cao, chọc thẳng lên trần nhà. Sau đó, người con phải sắp xếp các lễ vật, đồ ăn lên phía sát ghè rượu.
Tiếp đó, thầy cúng sẽ đặt chân cha mẹ của người tổ chức lên 2 miếng rìu sắt, dưới chân là mảnh bông rồi lấy tiết lợn bôi lên ghè, lấy một phần thịt đặt gần chân và cầm cần rượu rót từ từ vào chân người được cúng. Sau 1 loạt thao tác trên, thầy cúng sẽ vang lên những câu khấn thần linh ban phước lành, bình an, giàu sang cho người được thụ hưởng.
Lễ cúng báo Hiếu của người Jrai chỉ thực hiện khi người con đã trưởng thành, lập gia đình và có kinh tế riêng
“Khi đã hoàn tất lễ khấn, thầy cúng sẽ lấy vít cần rót rượu ra chén đổ xuống dưới đất mời các vị thần linh. Sau đó, thầy cúng sẽ rót rượu trao cho người con để mời cha mẹ mình. Lúc này, người con sẽ mang những món quà ý nghĩa kính tặng bậc sinh thành, kèm những lời chúc tốt đẹp. Cuối cùng, họ sẽ mời khách chung vui tiệc rượu với gia đình cho đến hết ngày”, ông Nay Hăng cho biết.
Ông Nay Thuin – Trưởng thôn Plei Chrung cho biết: “Lễ báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Jrai nơi đây. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng này. Vì đây là nghi lễ mang đậm bản sắc của dân tộc, thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng bề trên nên chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con không nên làm quá khoa trương, gây lãng phí, nợ nần mà lấy niềm vui, sự ấm cúng, gắn kết tình thân làm trọng”.
Những khách mời khi đến dự cũng mang bì gạo, tiền mừng gia chủ. Những món đồ này mang ý nghĩa gắn chặt tình dòng họ, hàng xóm láng giềng
Người Jrai rất coi trọng Lễ cúng báo Hiếu, những người chưa làm lễ này coi như đang còn một món nợ lớn với bậc sinh thành. Ngược lại, những người con khi đã thực hiện nghi lễ này với mẹ cha, họ có tâm lý thoải mái.
Bài và ảnh: Trần Hiền
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/doc-dao-le-cung-bao-hieu-cha-me-dam-tinh-nhan-van-cua-nguoi-jrai-post206063.html