Xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) từ lâu vốn nổi tiếng với nghề mộc và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Ngày nay, ngoài sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân thì nghề mộc Hòa Phong còn là điểm đến trải nghiệm của nhiều du khác.
Hiện nay, du lịch làng nghề đang là xu hướng lựa chọn của nhiều du khách. Nằm trong tuyến du lịch với những địa chỉ thu hút du khách như: Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ), làng Nôm – chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm), làng nghề mộc Hoà Phong là một trong những làng nghề có tiềm năng khai thác phục vụ phát triển du lịch trong thời gian tới.
Độc Đáo làng nghề mộc Hòa Phong
Từ xưa, xã Hòa Phong có nghề truyền thống là làm cày bừa nhưng quá trình cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, nhu cầu sử dụng cày, bừa giảm mạnh. Bởi vậy, hơn chục năm trở lại đây, những người thợ làm cày bừa trong xã đều phải tìm hướng đi khác cho mình. Đây chính là thời điểm mà nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ bắt đầu phát triển tại đất Hòa Phong.
Hiện nay, làng nghề mộc Hòa Phong chủ yếu làm cầu thang gỗ, bàn ghế, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ thờ và các chi tiết hoa văn phục vụ cho các công trình công cộng và nhà dân.
Toàn xã Hoà Phong hiện có trên 100 xưởng mộc lớn nhỏ, trong đó tập trung nhiều ở các thôn Vân Dương, Thuần Mỹ, Phúc Miếu và Hoà Lạc. Mỗi làng phát triển nghề mộc theo một thế mạnh riêng: Làng Phúc Thọ phát triển nghề mộc dân dụng, làng Phúc miếu chuyên chạm khắc phục vụ các công trình trong nước và một số nước bạn.
Từ những cây gỗ với hình khối đồ sộ, chắc chắn, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, những người thợ Hoà Phong đã tạo nên những sản phẩm gỗ mỹ nghệ thực sự tinh xảo, kỳ công và hấp dẫn. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm bốn công đoạn.
Mỗi công đoạn đều có vai trò riêng, trong đó bước tạo hình được xem là công đoạn khó nhất, tạo nên nét đặc trưng của nghề mộc. Thứ nhất là việc chọn gỗ. Khâu chọn gỗ vô cùng quan trọng trong việc cho ra một sản phẩm đảm bảo về chất lượng cũng như về mỹ thuật. Sau đó là việc phác thảo bố cục tạo hình. Công đoạn này đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của người thợ. Tiếp đó là công đoạn đục thô. Và cuối cùng là chạm tinh, đây là công đoạn đòi hỏi sự cần cù, tỷ mỷ và đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Những năm gần đây, sản phẩm mộc của xã Hòa Phong được nâng cao, có uy tín trên thị trường nên được nhiều khách hàng ngoài tỉnh và nước ngoài đến đặt mua.
PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/doc-dao-lang-nghe-moc-hoa-phong-hung-yen-post258450.html