Về vùng đất Kinh Bắc, du khách không chỉ được thưởng thức những làn điệu quan họ tha thiết, ngọt ngào, mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm đẹp và độc đáo tại làng gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Phóng viên báo Nhà báo và Công luận về làng gốm Phù Lãng vào một này thu, với thời tiết mát mẻ nên nhìn những nghệ nhân làm gốm có phần thư thái hơn so với thời tiết oi bức của mùa hè. Được biết, làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng trong cả nước.
Với đôi bàn tay khéo léo, người thợ đã tạo ra những sản phẩm độc đáo
Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử sang Trung Quốc. Ông học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền cho dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thế kỷ 13 (thời nhà Trần) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại từ khoảng thế kỷ 17 – 19.
Làng gốm Phù Lãng ra đời cách đây hơn 700 năm, nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp được với thị hiếu của thị trường, người làng Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề. Đó chính là việc phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ.
Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay, hoạt động xung quanh bàn xoay có 3 người, trong đó có một người chuyên ngồi chuốt.
Bác Trần Trung, nghệ nhân lão luyện trong làng gốm chi sẻ: “Nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt. Trải qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay, hoạt động xung quanh bàn xoay có 3 người, trong đó có một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay, và một người chạy ngoài. Đối với sản phẩm có kích thước nhỏ, cần có 2 người tạo sản phẩm: một người chuốt và một người vần bàn. Việc làm này đòi hỏi rất tỉ mỉ và mất nhiều thời gian”.
Bác Trung cho biết thêm: “Sản phẩm sau khi tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay không thấy dính, lúc ấy người thợ tiến hành thúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, để cho ráo. Lúc này, nếu thấy trên sản phẩm có vết rạn nứt thì sẽ vá lại bằng đất mịn và nát. Bước cuối cùng để hoàn thành sản phẩm là ve, nạo. Sau đó, sản phẩm được tráng một lớp men lên”.
Các sản phẩm gốm Phù Lãng luôn thu hút du khách bởi sự độc đáo của nó
Theo quan sát của phóng viên, chất liệu làm men tráng gồm có: tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này, sau khi được sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định, tạo thành một chất lỏng. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, những sản phẩm đều có màu trắng đục.
Sau khi được tráng men và phơi khô, gốm được xếp thành từng chồng để đưa vào lò nung. Việc xếp vào lò cũng được các thợ xếp rất cẩn thận, bởi xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian của lòng lò. Muốn vậy người thợ thủ công phải xếp chậu nhỏ trong chậu to, hàng bé nằm trong hàng lớn, chứ không được xếp lộn xộn. Cứ như thế, sản phẩm được xếp tận nóc lò.
Những sản phẩm gốm vừa được ra lò
Cách xếp hàng này có tác dụng là tất cả các khoảng trống trong lò đều có sản phẩm. Khác với những làng gốm khác, sản phẩm gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn, trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ. Dáng của gốm mộc mạc nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.
Bác Ngọc Lan, du khách đến từ Thái Bình cho biết: “Tôi rất thích đồ gốm ở Phù Lãng, bởi mỗi họa tiết trong từng sản phẩm rất tinh tế, mang nét riêng của vùng đất cổ kính Kinh Bắc. Vì thế, mỗi khi về Phù Lãng, ngoài tham quan trải nghiệm làm gốm thì tôi luôn mua về những sản phẩm như lọ hoa, chậu cảnh nhỏ về làm quà”.
Với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân làng gốm Phù Lãng đã thổi hồn vào những sản phẩm độc đáo
Với lòng yêu nghề, sức sáng tạo, trên chất cốt truyền thống, các nghệ nhân gốm Phù Lãng đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống bằng cách thay đổi kiểu dáng và thêm vào họa tiết, hoa văn trang trí. Có rất nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khác nhau của người sử dụng như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu,… Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành.
Đến làng gốm Phù Lãng bây giờ, du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động thú vị. Đây là một làng nghề đã hồi sinh sau hàng trăm năm đối mặt với nguy cơ thất truyền. Với hơn 200 lò nung luôn rực lửa, làng gốm này đang sống lại và là điểm trải nghiệm thú vị mà du khách không nên bỏ qua.
Bài và ảnh: Thanh Hoài
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/doc-dao-lang-gom-phu-lang-bac-ninh-post265320.html