Mùa vải thiều 1998, một buổi Đoàn Lê xuất hiện ở cổng cơ quan tôi, một bóng trắng giữa mùa hè oi nồng Hà Nội. Chị đem cho tôi vải thiều Lục Ngạn, nơi chị đang làm phim tài liệu về nhà văn Nguyên Hồng. Trông chị trẻ trung thế mà thông báo: “Chị về hưu rồi”. Vui vẻ tươi tắn thế mà từ nơi làm phim đâm bổ về Hà Nội để làm nghĩa vụ của một người mẹ, người bà – con gái chị phải mổ ruột thừa, điện cho mẹ về. Ngay cả trong những lúc khó khăn nước sôi lửa bỏng thì luôn luôn dáng vẻ hoạt bát của chị cũng vẫn làm yên lòng những người xung quanh.
Tôi đã nghe nói chị không còn ở làng Lủ, cái làng in dấu trong nhiều tác phẩm của chị. Bây giờ gặp, Đoàn Lê bảo đã chuyển xuống Đồ Sơn, chị và em gái mua hai căn nhà, mỗi nhà mấy chục mét vuông, đi vài trăm mét là ra đến bãi biển. Nghe chị linh hoạt, nhìn chị rạng rỡ, thì biết là đã qua cái khó tạo dựng lại cơ ngơi. Rồi thỉnh thoảng đọc thơ đọc văn chị, thấy ghi bên dưới là viết tại xóm núi, cứ hình dung nơi chị ở vắng vẻ heo hút lắm.
Nhà văn Đoàn Lê (1943 – 2017)
Thế là tìm xuống Đồ Sơn, nhà báo Lê Xuân Sơn và tôi, tháng 8-1999. Đỗ lại trước bưu điện Đồ Sơn, gọi điện vào cho chị. “Đứng yên đấy, để chị ra đón”, “Thôi, chị cứ chỉ đường, chúng em tự vào được”. Hóa ra khoảng vài trăm mét qua bưu điện, rẽ vào một ngõ phố nhỏ. Xóm núi thật, nhưng đã là phường phố, chẳng có vẻ gì heo hút. Đoàn Lê đang tất bật trông coi nước non cho thợ xây ở đằng sau. 500 mét vuông đất đang xây lên một ngôi nhà kiểu Nhật. Chị đưa tôi xem những bản thiết kế chị tự vẽ. Ngôi nhà Nhật, cái vườn Nhật, lối đi bằng đá khối, một bể non bộ, chỉ ít tháng nữa một không gian Nhật sẽ tỏa bóng bên chân núi này, có vẻ một cái ẩn viện thật sự cho người muốn thiền định.
Chị em lâu ngày gặp gỡ, nhiều chuyện để nói. Lại có thêm chị Đoàn Thị Tảo, đến giờ tôi mới gặp nhưng đã biết tiếng từ trước, người đã viết bài thơ Cho một ngày sinh tặng chị gái Đoàn Lê:
Thế là chị ơi
Rụng bông gạo đỏ
Ô hay, trời không nín gió
Cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh trời cho làm thơ
Cho nết buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làn một câu hát cổ
Để người lý lơi
Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan.
Hẳn là số phận mượn tay bút chị Tảo để viết những câu thơ như ám vào như vận vào đời chị Lê. Từ dạo còn chưa biết đến tác phẩm của chị Tảo, đây đó trong tác phẩm của chị Lê, nhất là trong tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại, thảng hoặc lại thấy “em Tảo tôi viết rằng”, “em Tảo tôi kể rằng”… Bây giờ hai chị cùng ngồi đấy chuyện trò, kẻ tung người hứng, kẻ gieo người hái, dí dỏm tâm đắc lắm. Hai căn nhà nhỏ liền kề, người bên này viết tiểu thuyết trên máy vi tính, người bên kia làm thơ bằng bút mực. Chị Lê thỉnh thoảng đi làm phim, đứa cháu nội để nhà chị Tảo trông. “Vì sự nghiệp điện ảnh của người mà năm 1962, tôi phải lên Hà Nội mang con gái người mới được có bốn ngày về Hải Phòng để chăm, cho người đi đóng phim”, chị Tảo nhắc chuyện cũ. Chị Lê cười: “Toàn đóng vai chạy cờ, lúc xem phim chẳng thấy đâu”. Chị Tảo: “Có, đứng cười ở gốc cây, người ta thấy rõ”.
***
Đoàn Lê theo học khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên 1959-1962. Nhiều người trong ngành điện ảnh kể lại là ngày ấy cô Lê trắng bóc, thanh mảnh, bạn bè gọi là cô Kiều của khóa, đủ cả cầm kỳ thi họa. Cô Kiều được thầy thương bạn mến vì hiền lành, đang là sinh viên đã có thơ và truyện ngắn in báo in sách. Những bài thơ như Bói hoa được chép chuyền tay trong sổ thơ của thanh niên, vào cái thời thơ Heinrich Heine đang được chuộng, thành ra trong sổ tay một số người, Bói hoa là thơ… Heine: Ngày xưa em ngây thơ / Ngồi bói hoa hồng nở / Đoán tình yêu sau này / Vẹn tròn hay dang dở… Rồi chị học vẽ, học một bậc thầy hội họa hay vẽ phố cổ Hà Nội. Đầu năm 1995, Đoàn Lê mở triển lãm cá nhân mấy chục bức tranh sơn dầu. Ảnh hưởng của người thầy xưa thấy rõ, có hơi cũ trong lối tả thực, hồn cốt thâm sâu trầm lắng. Những cổng làng, ao cá, cây rơm. Những thiếu nữ dưới trăng, thiếu nữ bên suối. Những nhân vật trong chèo cổ. Có lẽ đúng với chị nhất là bức Xúy Vân, nàng Xúy Vân xống áo mớ ba mớ bảy tung tẩy thành gió thành bão thành khát vọng dâng trào cuồn cuộn. Tranh của Đoàn Lê cũng đúng với chị, hình như bức tranh nào cũng toan kể một câu chuyện, đó vừa là ưu điểm vừa là sự lộ mình của một họa sĩ đồng thời là nhà văn.
Trở lại với nàng Kiều thi họa của thời sinh viên. Nhiều người vẫn tưởng Bói hoa là bài thơ đầu tiên của chị?
– Không đâu, bài thơ đầu tiên được in là một bài làm chung với anh Tô Hà, ở trường phổ thông. Anh Tô Hà học trên mấy lớp, một lần đi tập quân sự, anh ấy làm bốn khổ thơ đầu, chị viết tiếp bốn khổ thơ sau. Viết cho vui thế thôi, ngờ đâu một thời gian sau, anh Tô Hà cầm đến cho chị tờ báo mới in bài thơ.
Thuở đầu làm thơ, chị còn có bài Hai mươi năm sau được rất nhiều người nhớ:
Hai mươi năm sau người yêu xưa trở về
Từ chiến trường anh không còn đôi mắt nữa
Mà con trai tôi đã lên đường nhập ngũ
Con gái tôi thành cô giáo trường xưa…
Tôi nắm tay anh
đi trên đường xanh hai đứa
Anh vẫn tin còn hàng cây thuở đó
Nghe tiếng tôi cười
Anh tin tôi vẫn còn thiếu nữ
Anh không hay tóc tôi bạc nửa
Và anh tin tôi vẫn đợi chờ
Mà con trai tôi đã lên đường nhập ngũ
Con gái tôi thành cô giáo trường xưa.
Tôi bỗng khóc vì vô cùng bé nhỏ
Vì trời mới trong chưa!
Nắng mới vàng chưa!
Tốt nghiệp trường điện ảnh, Đoàn Lê bị cuốn vào các đoàn làm phim. Thời ấy gần như phim nào cũng đi, không có vai thì làm đủ việc trong đoàn. Chị chỉ toàn làm vai phụ, những vai thấp thoáng chạy cờ. Mãi đến năm 1976 Đoàn Lê mới có một vai chính duy nhất, cô giáo trong phim Quyển vở sang trang. Tôi còn giữ ấn tượng ba bốn lần xem Quyển vở sang trang ngày ấy. Một lớp học vui tươi trong trẻo. Một em học sinh cá biệt được tình cảm chân thành của cô của bạn nâng đỡ. Cô giáo Đoàn Lê dịu dàng nền nã là hình ảnh còn nhớ được.
Sự nghiệp diễn viên ngắn ngủi bị đứt đoạn bất ngờ. Đoàn Lê phải chuyển sang bộ phận thiết kế của xưởng phim. Nhiều cảnh thực hiện trong trường quay cần những phông vẽ thay cho cảnh thật. Cảnh những khu nhà trong thành phố nhấp nhô phía xa, cảnh bầu trời bên ngoài cửa sổ, cảnh cánh đồng bát ngát… Đoàn Lê tham gia vẽ tất cả. Liễu yếu đào tơ, có lẽ chưa một người phụ nữ nào ở một hãng phim Việt Nam nào lại đứng trên giàn dáo khá cao, cầm lăm lăm một cái máy phun màu nặng 5kg để vẽ trời vẽ đất như chị. Dịu dàng nhưng bướng bỉnh, thanh mảnh nhưng dày nghị lực, chị đã qua được những năm tháng gian khổ nhất, bom rơi trên đầu và thói đời vây bọc xung quanh. Đã có lúc nặng nhọc chán nản, muốn bỏ nghề điện ảnh, chị thi đỗ vào trường đại học mỹ thuật, xưởng phim không cho đi. Chị xin sang làm phóng viên báo Lao Động, đã đi làm được một tuần, xưởng phim cũng buộc phải quay về. Nghiệp điện ảnh không buông chị ra, không làm thiết kế nữa thì chị quay sang viết kịch bản phim, sau này làm cả đạo diễn, cả hai công việc bây giờ vẫn làm, dù đã nhận sổ lương hưu.
***
Tôi không có ấn tượng lắm với công việc điện ảnh của Đoàn Lê. Kịch bản chị viết ngày ấy, sau khi được đạo diễn bẻ vặt nhào trộn thì ra được những bộ phim không dở hơn nhưng cũng không khá hơn các phim đương thời. Cứ xem mãi những Bình minh xôn xao, những Người về… thành ra một thói quen thờ ơ.
Mãi cho đến đầu năm 1988, đọc cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của chị, Cuốn gia phả để lại, càng đọc mới càng ngẩn ra, như là lâu nay mình hiểu sai về một con người. Cuốn sách chứng tỏ một tay nghề tiểu thuyết chững chạc. Tổ chức ngăn nắp các đường dây nhân vật, khéo léo lách qua cái mê cung nhân vật chằng chịt để tới được cái đích của mình. Nhân vật của chị không chỉ là những số phận cá thể sinh động, mà là cả một dòng họ. Chẳng dễ dàng gì mà làm cho cái nhân vật – tập thể này ra hồn ra vía một nhân vật, gây được ấn tượng là nhân vật có số phận và khúc quanh phát triển số phận khá phức tạp. Một điều đáng kể nữa ở Cuốn gia phả để lại là ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ dịu dàng nền nã mà hóm hỉnh, được tiếp tục ở những tác phẩm văn chương sau này của Đoàn Lê, nhưng không có điều kiện phát huy trong tác phẩm điện ảnh.
Tôi đã cầm lên cuốn sách của Đoàn Lê, tâm trạng hờ hững vì định kiến, nhưng rồi bị cuốn theo một mạch. Thay đổi được một định kiến là điều hiếm có tác phẩm làm được. Cũng từ đó tôi thận trọng hơn trong cách nhìn nhận đồng nghiệp. Một nhà văn có thể chưa có tác phẩm hay, nhưng nếu anh ta vẫn cầm bút, vẫn đam mê, vẫn không tỏ ra khinh bạc với nghề thì khi ấy ta vẫn còn hy vọng, nói cách khác thì khi ấy ta không thể giữ một định kiến hồ đồ.
Từ phải sang, các nhà văn: Đoàn Lê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Minh Thái, Hồ Anh Thái và Đặng Lưu Việt Bảo.
Nhờ có Cuốn gia phả để lại mà chị em trở thành thân thiết. Tôi theo dõi rất kỹ những tác phẩm sau đó của Đoàn Lê. Văn ấy thì người ấy. Vẫn hài hước một cách nhẹ nhàng và nền nã. Vẫn cứ nổi lên câu chuyện thời cuộc ở một cái làng ven đô thị, như là một vệt kéo dài của cuốn tiểu thuyết dạo trước: Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa. Có một làng một xóm như thế đã ám ảnh chị thật hay sao?
– Không chỉ ám ảnh, mà còn là ấn tượng suốt cả một phần đời. Cái xóm Chùa ấy còn nhiều nhân vật lạ lùng, còn nhiều chuyện hay để viết lắm.
– Nghe nói chị đang cho tái bản Cuốn gia phả để lại, có lẽ nên đưa mấy cái truyện ngắn xóm Chùa kia vào cuối sách, như là phần hậu Cuốn gia phả để lại?
– Không đâu, để cho xong hai cuốn tiểu thuyết đang viết dở dang, chị sẽ viết cuốn hậu ấy. Bây giờ thì chưa tiện, các nhân vật vẫn còn đó.
Quả thực là nhân vật đang còn đó. Như đã nói ở trên, nhân vật là cả một dòng họ. Dòng họ này may mắn (hay là bất hạnh?) có một ông cụ tổ là danh nhân. Bao nhiêu xích mích, kiện tụng, xô xát và xung đột nảy sinh từ đấy. Ai cũng muốn giằng xé lấy một mẩu danh nhân cho riêng mình. Xung đột đẫm máu luôn có nguy cơ bùng nổ vì chuyện phế trưởng lập thứ, vì chuyện vợ lẽ con thêm bị coi như kẻ đi ở và con hoang, vì chuyện tranh giành mảnh đất trên đó có nhà thờ họ. Nhân vật-dòng họ khi đầy màu sắc truyền thuyết huyền thoại, lúc lại hiện đại đến từng chi tiết sống động của đời thường. Về phía vợ chồng Mỗ-Tự và bà mẹ, nhân vật ấy trong sáng ngây thơ, nhưng khi cần cũng biết phản kháng quyết liệt. Về phía nhóm mợ phán Ba, Ngọc Đường, Ty cùng cánh họ Trần, nhân vật ấy xảo quyệt và trắng trợn, gian tham và độc ác, mưu sâu kế hiểm quay quắt khôn lường.
Cuốn sách có nhiều yếu tố tự truyện. Không thể hình dung được nữ sĩ Đoàn Lê, cái cô Kiều mảnh mai gió bay của trường điện ảnh ngày nào, lại xông ra tuyến đầu để bảo vệ chồng con – người trong họ đã rậm rịch giáo mác dao kéo để bao vây nhà chị. Một chi tiết tâm lý suy luận theo kiểu đạo diễn điện ảnh: chị chủ tâm mặc chiếc áo bay của con gái, chiếc áo màu đỏ huyết chiến với hàng cúc bạc lanh canh kim khí, nhằm tăng ấn tượng uy hiếp lúc xông ra đứng chắn trước ngõ. Đơn thương độc mã như vậy, chị không sợ hay sao?
– Có sợ chứ, nhưng tình thế khiến mình phải gồng lên đấy thôi.
Chắc hẳn bây giờ chị sẽ phải gồng lên một lần nữa, nếu tiếp tục tự mổ xẻ trong một quyển hậu Cuốn gia phả để lại. Đã có một phần trong Giường đôi xóm Chùa, một truyện ngắn xót xa thấm thía, sự hợp tan trong một tổ ấm thường ở bên ngoài ý chí của con người, có khi nó là bất khả tri. Cuộc sống của cặp Mỗ-Tự nay đã qua bao nhiêu khúc quanh. Nhân vật đứa con trai hồn nhiên bé bỏng ngày nào nay nhớ đến trong một tiếng thở dài của cõi vô thường. Ở phía bên kia, đám người ba đầu sáu tay cũng đã đổi sắc biến hình. Viết tiếp được là cả một gánh nặng tâm lý, một thử thách lớn về tinh thần lẫn thể xác.
Lần ấy, không biết Đoàn Lê sắp rời xóm Chùa, tôi đến thăm chị ở căn phòng chị vẫn ngồi vẽ, những bức tranh sơn dầu xếp ngổn ngang xung quanh. “Dạo này chị chỉ vẽ thôi sao?”, “Chỉ vẽ thôi”, “Không viết nữa?”, “Vẽ để nghỉ ngơi. Viết văn xuôi nó day dứt đau đớn lắm, mà chị lại đang ốm”. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, khi cho in trên tạp chí Tác Phẩm Mới truyện Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê thì nói với tôi: “Đoàn Lê nghi có mầm bệnh ung thư trong người, người ốm mới dám viết những chuyện ma quái khủng khiếp như vậy”.
Nghĩa địa xóm Chùa và Lên ruồi nằm trong mạch những truyện có yếu tố kỳ ảo của Đoàn Lê. Thật ra trong những truyện kỳ ảo nhất của chị thì cái thực vẫn lấn cái ảo, cái ảo chỉ làm lạ hóa, chỉ thay đổi một góc nhìn hiện thực, chứ không phải là yếu tố xoay chuyển và quyết định hiện thực nghệ thuật. Nghĩa địa xóm Chùa bê nguyên vẹn những mẫu người của dương thế xuống cõi âm. Lên ruồi thì bê đầy đủ nhưng con người ấy “lên” cõi ruồi, trên xã hội ruồi cũng thường tình như cõi người vậy.
– Chị viết là “lên ruồi” chứ không phải “xuống ruồi”. Ở dương gian, chắc gì con người đã là động vật cấp cao, là kiếp hoàn hảo, là trên cả muôn loài như con người vẫn tự phụ?
– Những truyện kỳ ảo này có đem lại cho người viết một cảm hứng khác thường?
– Có lẽ thêm một chút thú vị vì cuộc sống hiện ra ở một góc nhìn hơi bất ngờ. Nói đơn giản thì chị thích viết thế.
Trong một truyện hiện thực là Người đẹp xóm Chùa, câu chuyện đang diễn ra giữa ông họa sĩ và một cô bé hàng xóm làm người mẫu, sang phần sau nhân vật chính lại là một chàng trai có trong nhà bức chân dung kia, bức chân dung khỏa thân của một cô gái vô danh. Bức tranh bỗng nhiên biến mất trong một đêm mưa cùng với cô bạn gái của anh ta. Thì ra cô bạn này là con gái của người trong tranh, cô mang bức tranh về cho người mẹ già trong cơn hấp hối. Hiện tại chỉ trong thoáng chốc được đẩy về thành quá khứ, khoảnh khắc hiện tồn bất chợt nhuốm màu trải nghiệm của cái đẹp đi qua thế gian trong mối tương tác với thời gian.
– Chị có còn vẽ không?
– Muốn lắm, nhưng nhà cửa còn đang ngổn ngang. Hy vọng cuối năm nay xong cái nhà vườn thì ra đấy vẽ. Cả đống tranh cũ đang đắp chiếu nằm kia.
– Thế còn thơ?
– Thơ đến bất ngờ. Như hoa ấy, khi nào nở thì mình hái.
Chị cho tôi xem mấy bài thơ mới viết.
Mưa núi rơi kề bên hiên,
Tí tách
nguồn cơn
ngõ bé.
Xóm núi bâng khuâng rất khẽ…
Khói chiều.
Câu thơ hàng xóm đang yêu,
Tạc một cánh diều vách núi.
Chợt nghe tiếng chân lủi thủi…
Lá rừng.
Nghe nói sau cái phim trường thiên Người Hà Nội, chị còn đang chuẩn bị đạo diễn một trường thiên nữa cho truyền hình Hải Phòng. Một người đàn bà hoạt bát, ngay cả khi muốn ở ẩn trong một thiền viện xóm núi, muốn yên thân sau những khúc đoạn trường thì vẫn không ngơi nghỉ. Thân này ví xẻ…
– Chị có bao giờ nghĩ rằng chị thực sự là ai? Họa sĩ? Đạo diễn? Biên kịch? Nhà thơ? Hay nhà văn?
– Không biết được. Có khi phải làm thơ, có khi phải vẽ, khi thì viết văn, tùy theo tâm trạng.
Tôi thì biết. Chị là nhà văn, văn xuôi mới đúng là chị, đúng nhất.
Lại nhớ cái ngày đứng với chị ở cổng cơ quan tôi. Khoe đã có nhà ở Đồ Sơn, khi nào muốn nghỉ ngơi hay muốn ngồi viết thì xuống chị. Khoe con trai dạo này chịu ngồi, đã viết được mấy cái truyện ngắn chị đem gửi in, viết được hai cái kịch bản phim được chấp nhận sản xuất. Mừng cho chị mà khi chị quay đi cứ bùi ngùi. Thăm chị ở Đồ Sơn, thấy cơ ngơi đang thành hình, mà khi ra về cứ bùi ngùi. Như nhìn theo một người chị gái thân phận nổi nênh phải gây dựng cuộc sống ở xa nhà. Mỗi lần như vậy lại bất chợt câu thơ của chị Tảo: Thế là chị ơi!
***
Tháng 3 năm 2008, tôi ở Huế dự Tuần Văn hóa Phật giáo, một buổi tối mưa đang tản bộ dưới những mái hiên thì nhận được điện thoại của chị. Cháu nó mất rồi, mất ngày mùng năm tết năm nay… Nỗi đau triền miên, thảng hoặc bừng lên một chút hy vọng, cuối cùng đã kết thúc bi thảm. Cuộc đối thoại giữa mẹ và đứa con trai đã chết, sau đó chị có viết lại trong truyện ngắn Mẹ và Con và Thánh thần. Giãi bày, không né tránh, câu chuyện thương tâm của người mẹ trong những ngày cuối của đứa con nghiện hút. Và đây là bài thơ Tấm ảnh thờ, chị viết vào dịp rằm tháng bảy 2008:
Con ơi, sao con lại chỉ còn là tấm ảnh?
Tấm ảnh nghe được gì đâu?
Nói được gì đâu?
Bày bát cơm giỗ con tuần cuối, tuần đầu,
Chưa bát cơm nào mẹ nấu con ăn
lại đắng lòng như thế!
Bàn thờ con, ngọn nến hồng nhỏ bé,
Thiêu trái tim khô héo mẹ thành tro!
Thảng thốt đêm đêm
Mẹ vẫn đợi chờ,
Tiếng con gọi…
Ngoài kia sương xuống lạnh!
Con ơi, sao con lại chỉ còn là tấm ảnh?
Tấm ảnh nghe được gì đâu?
Nói được gì đâu?
Đoàn Lê đi đến tận cùng nỗi đau khi cái kết quả của một mối tình nồng nàn và lãng mạn thời chiến rốt cuộc đã phải trả về cho trời đất. Mấy năm gần đây, chị tập trung viết cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện, Tiền định. Tôi đã đọc từ khi mới có bảy chương đầu. Chị kể chuyện từ ngày đầu, trốn cha trốn mẹ để từ Hải Phòng lên Hà Nội học lớp diễn viên điện ảnh. Rồi bao sóng gió ập xuống đầu khi làm nghề, và trong gia đình riêng. Không e dè, không lảng tránh, chị tự mổ xẻ theo kiểu không gây mê. Có nhiều chuyện, chắc nhiều cây bút nữ khác phải run tay ghê tay. Nhưng chị thì đã viết ra được.
Chị em bây giờ thường xuyên liên lạc bằng thư điện tử. Hai bà già này trông mong các vị xuống Đồ Sơn chơi với chúng tôi, chị viết, tự phong là bà già. Có lúc lại đùa, hai bà già ở “trại cá sấu” này. Trại cá sấu là truyện ngắn của tôi, chị vừa đọc. Dịp nhật thực tháng 7-2009 lại rủ mọi người về biển chứng kiến nhật thực mà hơn một thế kỷ nữa mới có lại được. Rồi chị hăm hở viết truyện ngắn Chờ nhật thực. Tôi gửi truyện ngắn này cho báo Tuổi Trẻ cuối tuần, kèm theo lời bình: “Từ hiện tượng nhật thực hiếm hoi mới đây, nhà văn đã xâu chuỗi một câu chuyện tình qua nhiều kiếp, ở hai phương trời khác nhau, biết đâu sẽ còn hẹn về vào một lần nhật thực khác, qua cả trăm năm nữa. Yếu tố huyền ảo được sử dụng, nhằm tôn lên những nét hiện thực và lịch sử.
Trước ngày nhật thực, nhà văn Đoàn Lê đã hẹn bạn bè cùng về chứng kiến sự kiện này tại căn nhà của bà, dưới chân một hòn núi nhỏ cạnh bãi biển Đồ Sơn. Rộn ràng lắm. Người về được, người không, để rồi bây giờ mới biết bà đã viết được một truyện ngắn về nhật thực.
Đoàn Lê sinh năm 1943 ở Hải Phòng, khởi nghiệp bằng nghề diễn viên điện ảnh, cùng khóa với Trà Giang, Tuệ Minh, Lâm Tới, Minh Đức, Thụy Vân, Đức Hoàn… rồi chuyển sang viết kịch bản phim, làm đạo diễn, vẽ tranh – một cô Kiều cầm kỳ thi họa giữa khóa bạn bè nghệ sĩ. Tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989 và sách của bà đã được dịch in ở Mỹ, Thụy Điển. Tiểu thuyết mang tính tự truyện của Đoàn Lê, Tiền định, cũng sắp ra mắt. Nếu không đọc mấy dòng tiểu sử, chỉ đọc truyện ngắn này, chắc người đọc sẽ hình dung đây là một cây bút nữ mới ở độ tuổi U-30 mà thôi”.
Chị lại gửi email, vẫn đùa như mọi lần: Đáng giá nhất là cái cái câu U-30 ấy đấy.
Tôi vẫn chưa muốn kết bài viết về Đoàn Lê ở đây. Viết về chị, có lẽ phải kết bằng một chi tiết vui vui một tí. Mùa hè 2007, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đi Đồ Sơn. Đến nơi, vừa nhận phòng xong, một nhóm mấy anh giai U-80 Hoàng Tiến, Dương Tường, Hoàng Quốc Hải… vội vàng nhảy xe ôm đến thăm giai nhân Đoàn Lê ngay. Thảo nào, người ta bảo thập kỷ 1960-1970, Đoàn Lê là người trong mộng của cả một thế hệ các anh giai văn nghệ sĩ. Xe ôm chở nhà văn Hoàng Tiến đến khúc cua giữa bãi Một và bãi Hai thì đổ lăn kềnh xuống dốc. Ông nhà văn không quay về mà kiên cường đi tiếp đến nhà người đẹp. Nữ sĩ mở cổng, kinh hoàng thấy nhà văn máu me be bét. Ôi anh, anh làm sao thế này. Nữ sĩ bông băng thuốc thang chăm sóc, nói năng ngọt ngào, lại còn đi mua một cái áo sơ mi khác để cho nhà văn thay.
Mấy nhà văn thất tuần bát tuần đi cùng về sau vẫn xuýt xoa mãi. Có chút ghen tị. Sao không phải là chính mình bị ngã, chính mình bị đổ máu, để được Đoàn Lê chăm sóc như anh giai Hoàng Tiến kia.
***
Muốn kết bài về chị sao cho vui vui một tí, nhưng tôi vẫn phải viết thêm mấy dòng này khi đang làm việc ở Jakarta và nghe tin Đoàn Lê ra đi ngày 6.11.2017 tại Hà Nội.
Ai gặp cũng nghĩ chị Đoàn Lê là người nhẹ nhàng dịu dàng. Nói năng dịu dàng đi đứng khoan thai, đầy nữ tính. Nhưng đấy cũng là một người tính cách rất đàn ông. Bản lĩnh và quyết đoán, dường như mọi quyết định trong nhà là ở chị. Làm đạo diễn phải quản lý cả một đoàn phim, không phải là chuyện nữ nhi liễu yếu đào tơ mà làm được. Viết văn, chị dám động đến cả những chuyện ghê rợn như trong tiểu thuyết Tiền định, hoặc để cho cả đám hồn ma đội mồ dậy bàn chuyện thế sự trong truyện Nghĩa địa xóm Chùa. Con người ấy mười bảy tuổi đã dám trốn nhà, một gia đình nhà nho ở Hải Phòng, để lên Hà Nội theo học lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1962). Rồi thì lấy chồng rất sớm, mười chín tuổi, chưa tốt nghiệp, chị đã có con đầu lòng.
Quyết liệt, mạnh mẽ về nội tâm, nhưng vẻ ngoài thì bao giờ cũng ngọt ngào dịu nhẹ. Ở khóa diễn viên đầu tiên có rất nhiều mỹ nhân như Tuệ Minh, Thụy Vân, Minh Đức, Đức Hoàn, Kim Thanh… Đoàn Lê được gọi là cô Kiều. Mảnh mai, trắng bóc, lại cầm kỳ thi họa đủ vẻ. Bây giờ, các mỹ nhân thời xưa đều trên bảy mươi rồi, thời gian khiến cho có người như biến thành người khác, không thể nhận ra. Nhưng Đoàn Lê vẫn dong dỏng thanh mảnh như thế, mỹ nhân đã thành một người đẹp lão. Năm 2015, trước khi đi xa, tôi đến thăm chị, lúc ấy đang ở nhà con gái trong chung cư Phùng Khoang. Đã ở Hà Nội mấy chục năm, bỏ xuống Đồ Sơn, rồi ốm đau quá lại phải quay về Hà Nội. Chị bảo bệnh tim của chị, may mà có bệnh viện ở Hà Nội, vừa rồi lên cơn đau, giá mà ở Đồ Sơn, chắc chết. Chị nhắc chuyện người chồng thứ hai là nghệ sĩ Tự Huy mới qua đời. Tôi kể chuyện chị Tuệ Minh bây giờ không nhận ra người đến thăm nữa. Chị ngậm ngùi, thế là cái ê kíp ba người của vở kịch Trung phong chết lúc rạng đông gồm Tự Huy, Hồ Thái, Tuệ Minh coi như đã vắng hết.
Hôm ấy tôi thấy mỹ nhân vẫn còn đẹp lão lắm, dù đã ở tuổi bảy mươi hai. Đau tim, nhưng vẫn nói được chuyện thời sự văn chương. Chị nhắc lại để tự cười mình, bỏ ngôi nhà ở xóm chùa Kim Lũ sau một lần sụp đổ, xuống Đồ Sơn như một sự giận đời. Ở xóm núi Đồ Sơn, chị tự tay thiết kế một ngôi nhà vườn, có xưởng vẽ, còn rủ bọn tôi đến đấy mua đất làm nhà lập xóm chị em cho vui. Nhưng chỗ ấy vui chỉ là vui khi còn khỏe. Được chục năm bắt đầu bệnh nọ bệnh kia, người cao tuổi cần ở gần bệnh viện chứ không chỉ là ở gần biển. Cái ý tưởng xóm núi Đồ Sơn như tránh đời hóa ra chỉ là ý tưởng lãng mạn. Chị lại phải quay về Hà Nội cho gần bệnh viện.
Thời ở Đồ Sơn, Đoàn Lê vẽ nhiều tranh sơn dầu. Tranh của một người viết văn, thành ra trong tranh nào cũng có một câu chuyện. Một bức tranh khỏa thân khổ lớn, vẽ một cô gái như cánh bèo trôi dạt trên bãi biển Đồ Sơn. Chị bảo người mẫu cũng là một cô gái như thế trên bãi biển này, chị cám cảnh cho một kiếp người, tươi non là thế nhưng ai biết số phận sẽ dập vùi đến đâu.
Vẽ. Chị từng là học trò yêu của các bậc danh họa. Nhưng ngay cả khi chị vẽ, tôi biết chị vẫn đang nung nấu tiểu thuyết mới. Sẽ là cuốn tiểu thuyết tự truyện kể tiếp những điều chưa kể. Cái kết cục sụp đổ của một gia đình khó khăn lắm mới gây dựng lên được. Cái kết bi thảm của đứa con trai duy nhất, sản phẩm của một tình yêu tưởng như bền vững.
Nhưng chị không còn thời gian nữa. Giờ thì chị hãy buông xả như triết lý Phật giáo mà chị vẫn thường tôn ngưỡng.
Viết xong tháng 10.1999
Bổ sung 6.11.2017
HỒ ANH THÁI
Nguồn: TCVHVN