Đỗ Bích Thúy tự nhận mình là người cũ kỹ, hoài niệm, chậm tiến, lơ mơ, luôn cảm thấy đã bỏ lỡ một vài việc nào đó, cũng chưa bao giờ thấy vừa lòng thực sự về những điều mình đã làm
Sở hữu một vẻ đẹp rất thành thị và thích thời trang, người đối diện với Đỗ Bích Thúy dễ nghĩ chị là một nhà báo chuyên viết thời trang hơn là một nhà văn gắn bó với những câu chuyện của miền núi cao Hà Giang bốn bề mây phủ.
Sở trường, đề tài “ruột”
Nổi tiếng với những trang viết về mảnh đất điệp trùng núi cao, cỏ cây, Đỗ Bích Thúy làm nên tên tuổi của mình trong văn chương Việt Nam nhờ những truyện ngắn thấm đẫm phong vị đại ngàn, từ “Chuỗi hạt cườm màu xám”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Sau những mùa trăng” hay “Ngải đắng ở trên núi”, “Chúa đất”…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét rằng chị “là một trong những cây bút nữ quan trọng nhất hiện nay ở mảng văn học về đề tài miền núi”.
Hai mươi năm đặt chân xuống Hà Nội, Đỗ Bích Thúy giờ đã có trong tay 19 cuốn sách, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, trong đó chủ yếu mang âm hưởng vùng cao.
Hỏi Đỗ Bích Thúy, phải chăng cuộc sống luôn có những sự mâu thuẫn để tạo nên những điều hay ho và khác biệt, như Đỗ Bích Thúy, rất thành thị mà văn chương lại mang đậm màu sắc núi rừng, chị bảo chẳng có gì mâu thuẫn, vì hiện giờ chị đã sống ở Hà Nội hơn 20 năm, ngoài ra Thúy là người Kinh hoàn toàn, bố mẹ chị người Nam Định, lên miền núi lập nghiệp và sinh chị ở đó.
“Cho dù ở Hà Giang thì tôi cũng không nói tiếng Mông và mặc váy Mông, với nhà văn quan trọng nhất là chọn được đề tài đúng sở trường, miền núi chính là đề tài sở trường, đề tài “ruột” của tôi” – Đỗ Bích Thúy nói.
Viết mãi một đề tài đến một lúc nào đó sẽ thấy mình cạn vốn. Hỏi chị đã bao giờ thấy mình “cạn” để chuyển sang một đề tài khác mới mẻ với chị hơn, kiểu như “Cửa hiệu giặt là” từng được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá là “đã chạm được vào tâm hồn Hà Nội” đồng thời rất giàu giá trị hiện sinh, Thúy bảo miền núi, miền xuôi, đô thị, chiến tranh, hậu chiến… là những đề tài của đời sống xã hội, làm sao có thể cạn được.
Chưa nói tới việc đời sống ấy chuyển động hằng ngày, theo kịp nó đã hết hơi chứ đừng nói là cạn kiệt. Thêm vào đó, việc chuyển đề tài không đơn giản là đã cạn vốn ở đề tài cũ. Muốn chuyển đề tài phải mất hàng thập kỷ để xâm nhập đề tài ấy, sống ở trong nó, tìm hiểu về nó, tha thiết với nó, muốn viết về nó.
Đỗ Bích Thúy tự nhận mình là người cũ kỹ, hoài niệm, chậm tiến, lơ mơ, luôn cảm thấy mình đã bỏ lỡ một vài việc nào đó, cũng chưa bao giờ thấy vừa lòng thực sự về những điều mình đã làm. Miền núi, cho đến giờ, với chị: “Vẫn là một vùng đất mà tôi vừa thuộc về vừa cảm thấy chưa bao giờ tôi hiểu nó đến tận cùng. Thế nên, cứ viết vậy thôi”.
Đưa tiểu thuyết lên phim
Nhiều tác phẩm văn học của Đỗ Bích Thúy đã được chuyển thể thành kịch bản phim: “Chuyện của Pao”, “Lặng im dưới vực sâu”, “Người yêu ơi”, “Chúa đất”… Những tác phẩm điện ảnh, truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết hay truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đã đưa tên tuổi chị đi xa hơn với khán giả. Nói về mối duyên này, Đỗ Bích Thúy nói ngắn gọn: “Tôi nghĩ mình may mắn”. Bạn bè chị nhiều người cũng muốn lấn sân sang làm biên kịch nhưng không phải ai cũng có cơ hội.
Về công việc chuyển thể, nhà văn xinh đẹp này bảo đó là một công việc khác rất nhiều so với việc viết văn. Người ta phải chịu áp lực từ rất nhiều phía: nhà sản xuất, đạo diễn, biên tập, kiểm duyệt, khán giả, nhà phê bình…
“Nhưng tôi thích làm việc trong áp lực. Áp lực từ công việc khiến tôi phải dồn sức triệt để. Viết văn cũng chịu áp lực. Áp lực từ độc giả, áp lực từ thách thức cuốn sau phải hay hơn cuốn trước. Tuy nhiên, khi một bộ phim ra mắt, người ta luôn chú ý tới đạo diễn, chẳng mấy khi nhớ đến biên kịch. Biên kịch đã tụt lại phía sau, rất xa rồi. Khen hay chê người ta cũng chỉ tập trung vào đạo diễn là chính. Việt Nam cũng thế mà thế giới cũng vậy. Còn với cuốn sách, chịu trách nhiệm về nó chỉ có duy nhất tác giả mà thôi” – Đỗ Bích Thúy nói.
“Khi phim công chiếu, mọi người hay hỏi tôi: Chị có vừa ý với bộ phim ấy không? Nó còn bao nhiêu phần trăm so với kịch bản của chị? Nó diễn đạt được bao nhiêu phần ý đồ của chị? Tôi nói tôi không thể trả lời được. Tôi bị xúc động quá. Sự thực là tôi bị xúc động khi nhìn thấy nhân vật của tôi bước ra từ thế giới hư cấu. Nhất là những đoạn mà tôi, đạo diễn, quay phim, diễn viên… trùng khít với nhau về cảm xúc, tư duy” – Thúy nói.
Đỗ Bích Thúy cho biết chị đang có một kịch bản sắp xong và một cái vừa bắt đầu. Nhưng chị không nghĩ là mình phải chọn lựa giữa công việc viết văn và viết kịch bản, việc nào ra việc nấy, làm được gì thì cứ làm.
Độc lập và phụ thuộc
Đỗ Bích Thúy cho biết các biên kịch không thể làm việc độc lập. Một kịch bản không thể chỉ viết xong là đem gửi nhà xuất bản, in, phát hành, như việc viết một cuốn tiểu thuyết. Kịch bản mới chỉ là cái gạch đầu dòng đầu tiên cho một bộ phim. Nó có trở thành phim hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Tôi có thể nghĩ ra và lập tức bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ ra ý tưởng một kịch bản và viết nó lập tức cả. Thường thì phải trao đổi với một đơn vị sản xuất nào đấy, họ thấy ý tưởng đó khả thi thì mới tiến hành những bước tiếp theo. Nếu cứ lao vào viết mà chưa hề làm việc với đơn vị sản xuất, rồi sau đó chẳng nơi nào nhận cái kịch bản đấy, tôi thấy tiếc công lắm” – Đỗ Bích Thúy nói. |
Theo NLĐ