Dinh thự dòng họ Nông – di sản quý giá tại Cao Bằng

12:00 | 19/04/2022

Trải qua hơn 100 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính, ngôi nhà trong khu Dinh thự dòng họ Nông vẫn đứng uy nghi và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Bảo Lạc, Cao Bằng.


Dinh thự dòng họ Nông gắn với một giai đoạn lịch sử quan trọng của tỉnh Cao Bằng. Đây không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật – văn hoá mà còn là di tích gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, biên cương tại Bảo Lạc. Công trình vốn thuộc về dòng họ Nông ở Bảo Lạc – là dòng họ Thổ ty thế tập dưới triều Nguyễn, có nhiều đóng góp với nước, với dân và dòng họ, góp phần giữ gìn biên cương, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Trước kia Dinh thự dòng họ Nông nằm trong một khuôn viên rộng, có 2 cây dã hương cổ thụ hơn 100 tuổi trước cổng và gồm 2 nhà chính (nhà trong và nhà ngoài). Nguồn: UBND huyện Bảo Lạc

Giữa thế kỷ XVIII, châu Bảo Lạc do Thổ ty Nông Văn Bật cai quản. Thời Tây Sơn, con của Nông Văn Bật là Nông Văn Liêm thế tập. Đến thời Nguyễn, sau khi Nông Văn Liêm và con trưởng là Nông Văn Trang mất, người con thứ hai là Nông Văn Vân giữ chức Tri châu Bảo Lạc. Năm Canh Ngọ 1870, Thổ ty Bảo Lạc Nông Hồng Thạc qua đời, thế hệ kế tiếp của chúa Nông Hồng Thạc là các con Nông Hồng Ân, Nông Hồng Phúc, Nông Hồng Tân tiếp tục sự nghiệp của ông cha, đánh đuổi giặc ngoại xâm và dẹp nạn cướp phá.

Dinh thự dòng họ Nông do Tri phủ Nông Hồng Tân xây dựng vào năm 1890, gắn liền với một số nhân vật lịch sử của dòng họ Nông như: Nông Văn Bật, Nông Văn Liêm, Nông Văn Vân, Nông Hồng Thạc… có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm và bảo vệ biên cương lãnh thổ Việt Nam. Trước kia dinh thự nằm trong một khuôn viên rộng, có 2 cây dã hương cổ thụ hơn 100 tuổi trước cổng, gồm nhà trong và nhà ngoài.

Ban đầu, Tri phủ Nông Hồng Tân làm nhà riêng to rộng, kiến trúc bằng gỗ rất khang trang, độc đáo và tọa lạc ở một vị trí rất đắc địa. Dinh thự này gồm 2 nhà chính với tổng diện tích trên 300 m2. Xung quanh ngôi nhà được thiết kế nhiều gian nhà gỗ khác làm nơi ở cho các gia nhân và người hầu. Ngoài ra còn có khu chuồng ngựa có thể chứa hàng trăm con ngựa, cùng một khu sân rộng dùng tập luyện võ nghệ và chơi thể thao.

Đến năm 1909, con rể nạp tế của gia tộc tri châu Bảo Lạc là Nông Quảng Tuyên (tức Nguyễn Đình Giai) nâng cấp, tân trang và xây thêm một nhà gạch bên ngoài với kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc địa phương, được xây bằng gạch đất nung, vôi và đường phên bản địa.

Dinh thự dòng họ Nông nằm dưới tán cây dã hương cổ thụ. Nguồn: UBND huyện Bảo Lạc

Hiện tại Dinh thự dòng họ Nông nằm ở trung tâm thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), chỉ còn lại 1 ngôi nhà chính có kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và địa phương; cùng 01 cây dã hương cổ thụ trong khuôn viên. Nếu nhìn tổng thể ngôi nhà có các đường nét mang nét kiến trúc Pháp, duy chỉ có phần mái là vẫn lợp ngói âm dương theo lối địa phương. Hiện nay, dinh thự dòng họ Nông thị trấn Bảo Lạc là ngôi nhà cổ duy nhất của tỉnh Cao Bằng.

Không chỉ có giá trị lịch sử và kiến trúc, Dinh thự dòng họ Nông cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân. Dòng họ Nông đã có công đánh giặc bảo vệ lãnh thổ, biên cương Bảo Lạc. Nhờ công lao của dòng họ Nông mà cuộc sống người dân vùng biên giới trở lại bình yên. Để khắc ghi công ơn, làm gương sáng cho các thế hệ mai sau và con cháu dòng họ noi theo, năm 2018 nhà thờ tổ họ Nông được xây dựng trên khu đất Dinh thự dòng họ Nông, người đứng ra kêu gọi xây dựng là ông Dương Văn Tấn (chắt ngoại đời thứ 6 dòng họ Nông) sống tại tổ khu phố 1, thị trấn Bảo Lạc và cũng là người đứng ra tổ chức lo liệu việc sửa soạn, cúng giỗ vào ngày 17/10 hàng năm.

Dinh thự dòng họ Nông cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân. Nguồn: UBND huyện Bảo Lạc

Nhận thấy sự cần thiết phải bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng, sưu tầm, tìm kiếm các hiện vật di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lạc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định số 2606/QĐ – UBND ngày 30/12/2021.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Lạc quyết tâm gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử; giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và quản lý khai thác thật khoa học, có hiệu quả kho tàng di sản văn hóa trên cơ sở bảo vệ và tôn trọng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới huyện có định hướng xin chủ trương của tỉnh trùng tu, tôn tạo Dinh thự họ Nông thành bảo tàng dân tộc của huyện. Đây sẽ là nơi trưng bày hiện vật di tích và không gian văn hóa của 7 dân tộc anh em huyện Bảo Lạc, thu hút đông đảo du khách đến với Bảo Lạc, góp phần thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch của các huyện miền Tây và của tỉnh Cao Bằng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo VOV

https://vov.vn/van-hoa/di-san/dinh-thu-dong-ho-nong-di-san-quy-gia-tai-cao-bang-post937986.vov


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN